Trung Quốc dồn dập đưa quân tới đảo tranh chấp

18:43, 16/12/2012
|

(VnMedia) - Những ngày vừa qua, người ta chứng kiến Trung Quốc đang từng bước leo thang trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Chỉ trong vòng một tuần, Trung Quốc đã có những bước đi leo thang cả trên biển, trên không và qua những tuyên bố công khai.
 
Trung Quốc và Nhật Bản đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì gọi là Senkaku. Chùm đảo này nằm giữa Nhật Bản và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Senkaku/Điếu Ngư là quần đảo có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Quần đảo này cũng gần với các tuyến đường biển quan trọng.
 
Tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nguyên nhân khiến cho mối quan hệ Trung-Nhật nhiều lần rơi vào căng thẳng. Cuộc đối đầu mới nhất giữa Trung Quốc và Nhật Bản được châm ngòi từ sự kiện một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc hôm 15/8 đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cắm cờ nhằm mục đích “khẳng định chủ quyền của Trung Quốc” đối với vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên, sự kiện đẩy tranh chấp biển đảo giữa hai nước láng giềng lên đến đỉnh điểm là việc Tokyo quyết định mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tay những người chủ sở hữu tư nhân hồi tháng 9.
 
Trong suốt 3 tháng qua, người ta đã chứng kiến những cuộc khẩu chiến nảy lửa, những vụ va chạm tàu thuyền đầy nguy hiểm và cả những động thái quân sự đáng báo động giữa Trung Quốc và Nhật Bản quanh quần đảo  Senkaku/Điếu Ngư.
 
Tuần này, cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục leo thang nghiêm trọng bởi một loạt động thái của Bắc Kinh.
 
Ngay trong ngày đầu tuần - 10/12, Nhật Bản đã tố cáo 4 tàu hải giám Trung Quốc đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải ngay bên ngoài quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Theo Lực lượng Bảo vệ Nhật Bản cho biết, đó là ngày thứ 24 liên tiếp, tàu thuyền Trung Quốc áp sát vùng biển tranh chấp với Nhật.
 
Nhật Bản đã cảnh báo tàu thuyền Trung Quốc không được đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản. Tuy nhiên, tàu Trung Quốc đã trả lời qua sóng radio rằng, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc, yêu cầu phía Nhật Bản tôn trọng các quy định và luật pháp của Trung Quốc. Việc tàu thuyền Trung Quốc đi lại ở khu vực lãnh hải với tranh chấp Nhật Bản đã trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục kể từ khi cuộc đối đấu mới nhất giữa họ nổ ra hồi tháng 8.
 
Tàu thuyền Trung Quốc và Nhật Bản thường xuyên gầm ghè, vờn đuổi nhau và thậm chí có lúc đã đụng đội với nhau ở vùng lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Hai ngày sau khi cho 4 tàu tiến vào vùng biển tranh chấp với Nhật, Trung Quốc tiếp tục cho chiếc tàu tuần tra lớn nhất và hiện đại nhất - Yuzheng 206 thực hiện hải trình đầu tiên bằng chuyến đi tuần tra ở vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Tàu Yuzheng 206 có trọng tải 5.872 tấn và dài khoảng 130m. Đây là một trong những con tàu tuần tra ngư nghiệp lớn nhất và tối tân nhất của Trung Quốc.
 
Theo các nhà phân tích, động thái đưa tàu tuần tra lớn nhất và hiện đại nhất đến khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc tranh giành chủ quyền quần đảo này với phía Nhật Bản.
 
Trung Quốc đang có chiến lược tăng cường sử dụng các tàu tuần tra, hải giám, ngư nghiệp để “khẳng định chủ quyền” ở những khu vực lãnh hải tranh chấp. Điều đó lý giải tại sao, trong hai thập niên trở lại đây, để thực hiện tham vọng trên biển của mình, Trung Quốc đã đẩy mạnh phát triển các đội tàu tuần tra, hải giám, ngư nghiệp.
 
Việc Trung Quốc cử tàu tuần tra lớn nhất và hiện đại nhất đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản tố cáo, 4 tàu hải giám Trung Quốc đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải ngay bên ngoài quần đảo tranh chấp.
 
Sau tàu thuyền, Trung Quốc leo thang tranh chấp bằng máy bay
 
Một trong những động thái đáng chú ý nhất trong tranh chấp biển đảo của Trung Quốc là việc nước này tuần qua đã lần đầu tiên đưa máy bay vào vùng tranh chấp với Nhật Bản. Đây là bước leo thang từ trên biển lên đến trên không. Bắc Kinh đang huy động cả hải quân và không quân vào cuộc tranh giành chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với phía Tokyo.
 
Trung Quốc đã cho một chiếc máy bay trông khá khiêm tốn được trang bị radar và các thiết bị do thám khác bay sát xuống vùng lãnh hải gần quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông hôm 13/12. Máy bay của Trung Quốc đã bay trong khu vực trong khoảng thời gian chưa đầy 30 phút và đã rời đi sau khi 8 chiến đấu cơ của Nhật Bản đến. Vụ việc này không phải là lớn nhưng nó đánh dấu bước leo thang mới của Bắc Kinh. Trung Quốc giờ đây đưa cả tàu thuyền và máy bay đến khu vực nhằm “khẳng định chủ quyền” ở đây.
 
Chưa hết, đúng một ngày sau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, họ vừa chính thức trình các tài liệu chi tiết lên Liên Hợp Quốc khẳng định tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với khu vực biển đảo trên biển Hoa Đông. Trung Quốc khẳng định, vùng lãnh hải cách bờ biển Trung Quốc 370km là vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Đồng thời, Bắc Kinh cũng cho rằng, các tính năng địa chất cho phép họ yêu cầu bồi thường thêm khu vực thềm lục địa- nằm ở vị trí cách đảo Okinawa của Nhật Bản 200km.
 
Với những diễn biến như trên, rõ ràng, Trung Quốc đang dần từng bước leo thang trong tranh chấp với Nhật Bản, đầu tiên là trên biển, trên không và tiếp đó là qua những tuyên bố chính thức, công khai. Dường như giới lãnh đạo Trung Quốc đang cố tìm cách thay đổi tình trạng hiện nay ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Nhật đã quản lý nhóm đảo trên biển Hoa Đông từ năm 1895 và đặt tên cho nhóm đảo nhỏ này là quần đảo Senkaku. Từ 1945-1972, Mỹ quản lý quần đảo này và sau đó trả về cho phía Nhật Bản. Trong mấy thập kỷ trở lại đây, Tokyo đang nắm quyền kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư nhưng Trung Quốc không chấp nhận điều đó. Giờ đây, có vẻ như Trung Quốc đang muốn thay đổi thực trạng này. Họ đang tăng cường các chuyến tuần tra bằng hải quân và không quân để thể hiện “chủ quyền” của họ ở đây.
 
Việc cả Trung Quốc và Nhật Bản đều làm căng trong cuộc tranh chấp hiện nay khiến nhiều người lo ngại về viễn cảnh nổ ra một cuộc xung đột quân sự đáng sợ giữa hai cường quốc hàng đầu khu vực.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc