Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân hôm qua đã đưa ra đề xuất bốn điểm nhằm thúc đẩy quan hệ Mỹ - Trung.
Phát biểu tại Diễn đàn Lam Đình lần thứ tám do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức, Thứ trưởng Trương Chí Quân nêu rõ quan hệ Trung - Mỹ giữ vai trò rất quan trọng nhưng cũng rất phức tạp.
"Trung Quốc và Mỹ là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, hai quốc gia đứng đầu trong hai khối nước phát triển và đang phát triển, vì vậy quan hệ giữa hai nước có sức ảnh hưởng rất lớn", ông khẳng định.
Để xây dựng và duy trì tốt quan hệ đó, ông Trương Chí Quân đưa ra đề xuất 4 điểm, bao gồm: trao đổi thẳng thắn và sâu rộng về chiến lược phát triển của mỗi bên để tránh gây hiểu lầm; thúc đẩy mở rộng các điểm sáng trong quan hệ song phương; duy trì đối thoại và hợp tác thay vì tranh cãi, bất đồng ở châu Á - Thái Bình Dương; và thực sự tôn trọng lợi ích của nhau.
Ông kêu gọi tăng cường nỗ lực hóa giải tình trạng suy giảm lòng tin giữa hai nước và mở rộng lợi ích chung. Theo ông, "để xua tan suy giảm lòng tin và xây dựng quan hệ mới giữa hai nền kinh tế lớn của thế giới đòi hỏi những nỗ lực bền bỉ từ cả hai bên".
Theo thống kê, quan hệ thương mại hai chiều Trung - Mỹ đã tăng mạnh trong nhiều năm qua và đã lên tới 446,6 tỷ USD năm 2011. Hai bên dự kiến con số này sẽ tăng lên hơn 500 tỷ USD trong năm nay.
Trung Quốc cam kết là “láng giềng tốt”
Về quan hệ với các nước trong khu vực, ông Trương Chí Quân nhấn mạnh, dù phát triển như thế nào thì Trung Quốc cũng chỉ tăng cường, chứ không làm suy yếu, chính sách thúc đẩy quan hệ hữu nghị và đối tác với các nước láng giềng.
"Trung Quốc cam kết là láng giềng tốt, người bạn tốt và đối tác tốt của các nước láng giềng", Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc quả quyết trong bản báo cáo đánh giá về tình trạng suy giảm lòng tin chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian qua.
Ông Trương Chí Quân nói rõ, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, khi mọi quốc gia đều phụ thuộc lẫn nhau, lợi ích giữa các bên có sự đan cài chặt chẽ, các nước phải cùng nhau đối phó với nhiều thách thức chung và quan hệ quốc tế có nhiều chuyển động lớn, các nước cần phải hợp lực chặt chẽ mới mong ứng phó hiệu quả với thách thức và duy trì phát triển bền vững.
"Đây là xu hướng lịch sử không thể khác được. Tất cả các nước cần hợp tác với nhau để ứng phó với các thách thức toàn cầu và đảm bảo cùng phát triển", ông khẳng định.
Ý kiến bạn đọc