Tranh chấp chủ quyền biển - điểm "nóng" thế giới

06:47, 27/12/2012
|

(VnMedia) - 2012 là năm chứng kiến những cuộc đối đầu “toé lửa” của các nước ở khu vực Châu Á vì những tranh chấp lãnh hải ở hai vùng biển “nóng” nhất – Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trong 10 sự kiện nổi bật nhất thế giới trong năm nay thì đã có đến 2 sự kiện liên quan đến các cuộc tranh chấp lãnh hải ở Châu Á. Ngoài ra, cuộc chiến ở Syria, vụ thảm sát học đường đau lòng ở Mỹ... cũng là những sự kiện gây chấn động địa cầu năm 2013.
 
1. Trung Quốc “khuấy đảo” Biển Đông
 
Bắt đầu từ giữa tháng 4 đến tận cuối năm 2013, Biển Đông là nơi chứng kiến liên tiếp những cuộc đối đầu nóng bỏng giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực vì tranh chấp lãnh hải.
 
Biển Đông vốn là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng. Vì tầm quan trọng của Biển Đông, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm khu vực biển này. Điều đó đã được thể hiện ngày một rõ nét qua lập trường, chính sách và những hành động của Trung Quốc trong hơn nửa năm qua.
 
Biển Đông bắt đầu nổi “sóng to gió lớn” từ hôm 10/4 sau khi xảy ra vụ va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippine với hai tàu hải giám Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough đang nằm trong tranh chấp giữa hai nước. Vụ va chạm này đã châm ngòi cho một cuộc đối đầu ngoại giao kéo dài gần 2 tháng và nghiêm trọng đến mức suýt leo thang thành một cuộc xung đột quân sự. 

 Ảnh minh họa

Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines cũng mở màn cho “cơn bão” Biển Đông kéo dài suốt từ đó đến tận cuối năm. Sau cuộc đối đầu với Philippines, Trung Quốc liên tiếp có những hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở khu vực Biển Đông như chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam; thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam...
 
Gần đây, Trung Quốc tiếp tục có các bước leo thang hơn nữa trong các hành động nhằm khẳng định chủ quyền một cách phi lý ở Biển Đông như đưa bản đồ có đường 9 đoạn vào hộ chiếu phổ thông mới cấp cho người dân nước này; đưa ra luật mới trong đó cho phép cảnh sát Trung Quốc xông lên lục soát, bắt giữ tàu thuyền của các nước khác ở Biển Đông; xuất bản bản đồ “Tam Sa” với phạm vi bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam; cắt cáp tàu Việt Nam.
 
Những động thái trên của Trung Quốc đã bộc lộ rõ âm mưu lấn tới một cách mạnh mẽ hơn trong tham vọng độc chiếm Biển Đông của nước này. Tuy nhiên, ý đồ lần tới của Trung Quốc khó mà thực hiện được trước phản ứng quyết liệt của các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.
 
2. Biển Hoa Đông cũng “sôi sùng sục”
 
Không chỉ mâu thuẫn với các nước láng giềng ở Biển Đông, Trung Quốc gần đây còn rơi vào một cuộc đối đầu nảy lửa với Nhật Bản xung quanh cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông.
 
Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nguyên nhân chính dẫn đến mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong nhiều thập kỷ nay. Tuy nhiên, mối quan hệ căng thẳng này bắt đầu leo thang nghiêm trọng kể từ sau khi Nhật Bản quyết định mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tay người chủ sở hữu tư nhân hồi tháng 9 vừa rồi.
 
 Ảnh minh họa

 Tàu Trung Quốc tập trận ở Biển Hoa Đông


Trong vòng 3 tháng qua, tàu thuyền Trung Quốc và Nhật Bản thường xuyên “gầm ghè” nhau ở vùng lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đã có lúc, tàu thuyền hai nước đụng độ với nhau mặc dù chưa leo thang thành một cuộc xung đột quân sự. Mới đây, hôm 13/12, Trung Quốc lần đầu tiên đưa máy bay vào vùng tranh chấp với Nhật Bản, mở màn cho một loạt những cuộc “đối đầu”, “rượt đuổi” gây giật mình giữa chiến đấu cơ Nhật Bản và máy bay Trung Quốc sau đó. Cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản còn chứng kiến những cuộc khẩu chiến nảy lửa giữa quan chức hai bên.
 
Những diễn biến trong thời gian qua đã khiến nhiều người nghĩ đến viễn cảnh tồi tệ hơn là một cuộc xung đột nổ ra giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á.
 
3. Iran-phương Tây: Bên bờ vực chiến tranh  
 
Quan hệ giữa Iran và phương Tây do Mỹ dẫn đầu bắt đầu nổi sóng to, gió lớn khi Liên minh Châu Âu (EU) hồi đầu tháng 1 quyết định áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Iran trong khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm giải quyết “mối đe dọa nghiêm trọng từ chương trình hạt nhân của nước CH Hồi giáo”. Lệnh cấm vận của EU có hiệu lực từ ngày 1/7.
 
 Ảnh minh họa

Sau diễn biến trên, trong suốt cả năm nay, thế giới chứng kiến những cuộc khẩu chiến, những màn đối đầu, đe dọa, thị uy lẫn nhau giữa Iran và phương Tây. Trong khi Tehran liên tục lên tiếng cảnh báo trả đũa phương Tây kèm theo những màn phô diễn sức mạnh quân sự, vũ khí tối tân thì phương Tây do Mỹ dẫn đầu cũng không ngừng nói đến một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo. Đã có những lúc người ta tin rằng, một cuộc chiến tranh giữa Iran và phương Tây đang ở rất gần.
 
4. Nội chiến ở Syria
 
Trong làn sóng trào dâng như vũ bão của cuộc Cách mạng Mùa xuân Ả-rập ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi được châm ngòi từ hồi năm ngoái, Syria hiện tại đang là điểm nóng gây chú ý nhất thế giới. Đây là nơi chứng kiến cuộc đối đầu quyết liệt nhất, đẫm máu nhất giữa một bên là chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và bên kia là phe nổi dậy có sự hậu thuẫn của các cường quốc phương Tây. 
 
 Ảnh minh họa

Cuộc nội chiến ở đất nước Syria đã kéo dài hơn 21 tháng và đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 42.000 người, khiến hàng trăm nghìn người mất nhà cửa, phải đi sơ tán và làm hàng triệu người rơi vào cảnh khốn cùng lúc nào cũng phải đối mặt với cái chết. Tuy nhiên, cuộc nội chiến đẫm máu này không có dấu hiệu kết thúc bởi cả chính quyền và phe nổi dậy đều không chịu lùi bước. Trong khi đó, các cường quốc vẫn mâu thuẫn với nhau về cách xử lý cuộc khủng hoảng và Liên Hợp Quốc chưa thể tìm ra được một giải pháp hữu hiệu.
 
5. Ông Putin trở lại điện Kremlin
 
Bất chấp với việc phải đương đầu với hàng loạt các cuộc biểu tình chống đối kéo dài suốt nhiều tháng, trở thành mục tiêu chỉ trích, chế giễu liên tục của những thành phần đối lập, ông Vladimir Putin đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 3. Chiến thắng này đã một lần nữa khẳng định sự tin yêu mà dân Nga dành cho ông Putin và nó cũng là một “lời phản bác” mạnh mẽ nhất đối với những chỉ trích, cáo buộc, phản đối của phe đối lập nhằm vào ông gần đây. 
 
 Ảnh minh họa

Với chiến thắng trên, ông Putin chính thức bước vào nhiệm kỳ tổng thống thứ ba sau 4 năm ngắt quãng trên cương vị Thủ tướng.
 
6. Scandal chính trị lớn nhất Trung Quốc trong nhiều năm
 
Cả đất nước này đã bị rúng động trước vụ bê bối giết người, tham nhũng liên quan đến vợ chồng Bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Vợ chồng ông Bạc Hy Lai được cho là có quyền lực tối thượng ở Trùng Khánh và dùng quyền lực này để thao túng mọi việc trong thành phố. Vợ ông Bạc Hy Lai – bà Cốc Khai Lai được cho là đã giết một doanh nhân người Anh. Đây là một trong những scandal chính trị lớn nhất Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây. Nó gây chú ý rất lớn không chỉ trong mà cả ngoài nước bởi ông Bạc Hy Lai đang là một ngôi sao sáng trên chính trường, là ứng viên nặng ký cho một suất trong Thường vụ Bộ Chính trị - hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.
 
 Ảnh minh họa

Vụ bê bối của ông Bạc Hy Lai diễn ra ngay trước thời điểm Trung Quốc bước vào thời kỳ chuyển giao quyền lực mang tính lịch sử 10 năm một lần, Chính vì thế, giới lãnh đạo Trung Quốc quyết phải xử lý nghiêm khắc vụ việc này. Vợ của ông Bạc Hy Lai đã bị kết án tử hình. Bản thân ông này bị đình chỉ khỏi một loạt chức vụ cao cấp và số phận ông sắp được định đoạt bởi một phiên tòa.
 
7. Tổng thống Obama trở lại ngoạn mục
 
Trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 vừa rồi, Tổng thống Barack Obama đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục trước đối thủ Mitt Romney. Ông đã hạ đo ván đối thủ với 275 số phiếu đại cử tri mặc dù trước đó tình thế của ông khá khó khăn khi liên tiếp bị ông Romney bám đuổi sát nút và có lúc còn vượt mặt. Ứng cử viên Đảng Cộng hoà dù tạo ra được nhiều bất ngờ trong cuộc bầu cử đầy kịch tính của năm nay nhưng ông cũng chỉ dành được 203 số phiếu đại cử tri, thua xa số phiếu của Tổng thống Obama.
 
 Ảnh minh họa

Với chiến thắng thuyết phục, Tổng thống Obama đã tiếp tục tái đắc cử nhiệm kỳ hai.
 
8. Ông Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc
 
Tháng 11 vừa rồi chứng kiến một cuộc chuyển giao quyền lực thành công của Trung Quốc. Đây là cuộc chuyển giao lịch sử 10 năm mới diễn ra một lần. Ông Tập Cận Bình đã được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc tại phiên họp đầu tiên của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khoá mới đúng như dự đoán trước đó.
 
 Ảnh minh họa

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Tập Cận Bình còn được bầu vào vị trí Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
 
Như vậy, ông Tập Cận Bình sẽ kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, tiếp quản hai vị trí cao nhất trong bộ máy lãnh đạo đảng và quân đội Trung Quốc.
 
9. Palestine được nâng cấp lên quy chế nhà nước quan sát viên tại Liên Hợp Quốc
 
Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 29/11 vừa qua đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết nâng cấp quy chế cho Palestine từ thực thể quan sát viên lên nhà nước quan sát viên phi thành viên. Sự kiện này là thắng lợi chính trị quan trọng của nhân dân Palestine trong cuộc đấu tranh xây dựng nhà nước độc lập, có chủ quyền, phù hợp với các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
 
 Ảnh minh họa

Với sự công nhận trên, chính quyền Palestine lần đầu tiên có quyền đệ đơn kiện Israel lên Tòa án Công lý Quốc tế. Giữa tháng 11, Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza đã liên tiếp nã tên lửa, rocket và bom vào nhau trong suốt hơn 1 tuần.
 
10. Vụ thảm sát học đường kinh hoàng ở Mỹ
 
Cả thế giới bàng hoàng rúng động trước tin 20 em nhỏ tuổi chỉ từ 5-10 cùng với 6 người lớn đã chết tức tưởi trong một vụ thảm sát kinh hoàng tại trường tiểu học ở Newtown, Conn, Mỹ. Kẻ sát nhân 20 tuổi với khuôn mặt búng ra sữa đã lạnh lùng dùng súng trường bắn chết 20 em nhỏ ngây thơ, vô tội. Đây là vụ thảm sát tồi tệ thứ hai trong lịch sử nước Mỹ.
 
 Ảnh minh họa

Sau vụ thảm sát chấn động trên, Tổng thống Mỹ Barack Obama với khuôn mặt đẫm nước mắt phát biểu: “Không có bậc cha mẹ nào ở Mỹ là không cảm thấy nỗi đau buồn tràn ngập như tôi. Trái tim chúng ta tan vỡ trong ngày hôm nay".
 
Hình ảnh Tổng thống Barack Obama đẫm nước mắt khi phát biểu về vụ thảm sát xảy ra tại trường tiểu học ở Connecticut đã thực sự gây rúng động toàn thế giới. Nhiều người bày tỏ hy vọng vụ thảm sát hôm 14/12 sẽ khiến Mỹ thắt chặt luật kiểm soát vũ khí.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc