Tính năng Su-30 của Trung Quốc kém xa Ấn Độ?

16:23, 27/12/2012
|

Tờ “Quan điểm” Nga vừa có bài viết cho rằng, hợp tác kỹ thuật quân sự tiếp tục trở thành một trong những nội dung quan trọng trong việc bàn thảo với các nhà lãnh đạo Ấn Độ trong thời gian Tổng thống Nga Putin thăm Ấn Độ.

 

Vào thứ Hai, các nhà lãnh đạo Nga-Ấn đã ký một hợp đồng mua bán vũ khí trị giá khoảng 2,9 tỷ USD, trong đó, Nga sẽ lần lượt cung cấp cho Ấn Độ 71 máy bay trực thăng vận tải Mi-17V-5 (trị giá 1,3 tỷ USD) và 42 bộ linh kiện dùng để lắp ráp máy bay chiến đấu Su-30MKI (trị giá 1,6 tỷ USD).

 

Ngoài ra, hai bên còn thỏa thuận sẽ thành lập doanh nghiệp liên doanh sản xuất máy bay trực thăng dòng Mi và Ka.

 

Igor Korotchenko, chủ nhiệm Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới Nga trả lời phỏng vấn tờ “Quan điểm” Nga chỉ ra rằng, Ấn Độ từ lâu luôn muốn trở thành “siêu cường” mang tính khu vực, việc đạt được thỏa thuận mua bán vũ khí với Nga lần này chính là biện pháp quan trọng để Ấn Độ thực hiện chiến lược này.


 Ảnh minh họa

 Máy bay chiến đấu Su-30MKI của Không quân Ấn Độ


 

Ông nói, những năm gần đây, Ấn Độ luôn tích cực mua sắm các loại máy bay quân dụng và tìm cách có được giấy phép sản xuất.

 

Constantin Makiyenko, phó chủ nhiệm Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga nhắc nhở rằng, hợp đồng máy bay chiến đấu ký kết giữa Nga-Ấn ngày 24/12 hoàn toàn không phải là một thỏa thuận bán vũ khí lớn nhất của hai nước trong năm nay.

 

Ông chỉ ra: “Thỏa thuận có giá trị lớn nhất được ký vào tháng 10. Căn cứ vào hợp đồng được ký khi đó, Nga sẽ bán cho Ấn Độ gần 1.000 động cơ AL-31FP, tổng trị giá là 5 tỷ USD”.

 

Makiyenko cho rằng, Ấn Độ sở dĩ sẽ duy trì đặt mua lượng lớn máy bay chiến đấu Su-30MKI của Nga, chủ yếu là do số lượng máy bay chiến đấu trang bị của họ không đủ.

 

Ông nói rằng: “Hiện nay, Trung Quốc - đối thủ cạnh tranh của Ấn Độ đã trang bị 300 máy bay chiến đấu dòng Su, trong khi đó Ấn Độ hiện đang tìm cách tăng số lượng Su-30MKI lên 269 chiếc.


 Ảnh minh họa

 Máy bay chiến đấu Su-30MKK2 của Trung Quốc

 

Ngoài ra, mặc dù Trung Quốc sở hữu hợp pháp 281 máy bay chiến đấu dòng Su, nhưng dư luận bên ngoài không thể biết được về số lượng sao chép phi pháp của họ.

 

Song, tính năng Su-30 cung cấp cho Trung Quốc thua xa máy bay chiến đấu cùng dòng bán cho Ấn Độ hiện nay. Ấn Độ đặt mua mới là phiên bản mới, đã trang bị động cơ mới và thiết bị vô tuyến điện hoàn toàn khác, khả năng tác chiến mạnh hơn”.

 

Trước đó, có nguồn tin tiết lộ, Ấn Độ đặt mua lần này là Su-30MKI đã được cải tiến, hay còn gọi là Super Sukhoi.

 

Được biết, theo yêu cầu của phía Quân đội Ấn Độ, Super Sukhoi sẽ trang bị buồng lái kiểu mới có hệ thống điện tử hàng không cải tiến, máy tính trên máy bay, thiết bị đối kháng điện tử và radar mảng pha quét điện tử chủ động Zhuk-AE, đồng thời cũng sẽ có khả năng tàng hình nhất định.

 

Su-30MKI hiện có của Không quân Ấn Độ trang bị radar mảng pha quét điện tử bị động loại N011M. Khoảng cách dò tìm tối đa đối với các mục tiêu như máy bay chiến đấu của N011M là 140 km, nhiều nhất có thể bám theo 15 mục tiêu trên không và dẫn đường cho tên lửa đồng thời tấn công 4 mục tiêu trong số đó.


 Ảnh minh họa

 Máy bay tiêm kích đa năng Su-30MKI của Không quân Ấn Độ.

 

Trong khi đó, khoảng cách dò tìm tối đa của radar Zhuk-AE đối với các mục tiêu máy bay chiến đấu có thể đạt 200 km, nhiều nhất có thể bám theo 30 mục tiêu và tiến hành tấn công đồng thời 8 mục tiêu trong số đó.

 

Ngoài ra, chúng còn có thể mang theo nhiều vũ khí hơn, gồm tên lửa hành trình siêu âm Brahmos.

 

Hiện nay, Ấn Độ đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Căn cứ vào thông tin công bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, Ấn Độ sẽ đầu tư khoảng 100 tỷ USD trong 10 năm tới để đổi mới vũ khí trang bị.


(theo GDVN)

Ý kiến bạn đọc