Thâm nhập kho tên lửa đáng gờm của Triều Tiên

07:41, 13/12/2012
|

(VnMedia) - Chương trình tên lửa được xem là một niềm tự hào của Triều Tiên. Đài truyền hình quốc gia Triều Tiên thường xuyên đưa các bản tin về những vụ phóng tên lửa trong quá khứ nhằm khuấy động tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc trong lực lượng quân đội nước này.

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng hầu như không cung cấp những thông tin quý giá về chương trình phát triển tên lửa của họ. Điều đó đã khiến các nhà phân tích bên ngoài phải tìm kiếm các thông tin chi tiết về chương trình tên lửa của Triều Tiên thông qua các hình ảnh thu được từ vệ tinh và qua sự so sánh với tên lửa các nước khác. Dưới đây là một bức tranh khá đầy đủ về kho vũ khí tên lửa của Triều Tiên mà các nhà phân tích và giới chuyên gia thu thập được:

 

TAEPODONG: Theo đánh giá của các chuyên gia ở Mỹ, Hàn Quốc và nhiều nơi khác, Taepodong là nhóm tên lửa đại diện cho công nghệ tên lửa cao nhất của Triều Tiên. Taepodong về bản chất sử dụng cùng công nghệ với các tên lửa Unha và Paektusan. Bình Nhưỡng cho biết, đây là loại thiết bị phóng dùng để đưa các vệ tinh vào vũ trụ. Tên của loại tên lửa Taepodong do các chuyên gia nước ngoài đặt tên theo một ngôi làng gần địa điểm phóng tên lửa ở bờ biển phía tây Triều Tiên.

 

Trong “bộ sưu tập” tên lửa Taepodong của Triều Tiên có các loại: Taepodong-1, Taepodong-2 và phiên bản Taepodong-2 nâng cấp.

 

TAEPODONG-1: Tên lửa tầm xa thế hệ đầu tiên của Triều Tiên là Taepodong-1. Đây là loại tên lửa 2 giai đoạn được kết hợp từ hai loại tên lửa tầm ngắn, tầm trung là Scud và Nodong. Với tầm bắn lên tới 2.900 km, Taepodong-1 có thể vươn tới các căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa .

 

Triều Tiên gọi phiên bản tên lửa trên là Paektusan-1 theo tên của ngọn núi cao nhất trên bán đảo Triều Tiên – Núi Paektu. Triều Tiên đã phóng tên lửa Paektusan-1 vào năm 1998 và tuyên bố tên lửa này đã thành công trong việc đưa một vệ tinh vào quỹ đạo. Tuy nhiên, Mỹ và Hàn Quốc cho rằng, vụ phóng đã thất bại. Tuy nhiên, vụ phóng tên lửa Taepodong-1 cũng đã khiến thế giới bị sốc bởi nó vượt xa với những gì mà các nước khác biết về khả năng của Triều Tiên trong thời điểm đó.

 

Taepodong-1 nặng khoảng 33 tấn, đường kính 1,8 mét và dài 25,8 mét. Theo một số nguồn tin, Triều Tiên hiện có khoảng từ 25 đến 30 quả Taepodong-1 và đều đã được triển khai để sẵn sàng chiến đấu.

 

Tuy nhiên, Taepodong-1 được cho là có một số mặt hạn chế. Loại tên lửa này có độ chính xác thấp và nó đòi hỏi phải được phóng đi từ một vị trí cố định cũng như cần có thời gian chuẩn bị lâu dài. Điều này đồng nghĩa với việc các vụ phóng tên lửa Taepodong-1 rất dễ bị vệ tinh do thám của đối phương phát hiện trước.

 

TAEPODONG-2: Trong kho vũ khí tên lửa của Bình Nhưỡng, tên lửa Taepodong-2 được xem là một trong những loại tên lửa đáng sợ nhất. Taepodong-2 có tầm bắn lên tới 6.700km, đặt khu vực Alaska của Mỹ trong tầm bắn của tên lửa này. Mặc dù được thiết kế để khắc phục những khiếm khuyết của người anh em Taepodong-1 nhưng Taepodong-2 vẫn đòi hỏi phải được bắn đi từ một vị trí cố định. Tên lửa này cũng chỉ có thể mang một lượng chất nổ nhỏ khi bắn tới tầm xa nhất. Ngoài ra, độ chính xác của Taepodong-2 cũng bị các chuyên gia quân sự hoài nghi.

 

Vụ thử Taepodong-2 đầu tiên vào tháng 7 năm 2006 được xem là một thất bại sau khi nó bay được khoảng 40 giây thì nổ tung. Tuy nhiên, Triều Tiên không thừa nhận vụ thử tên lửa này.

 

TAEPODONG-2 NÂNG CẤP: Theo các chuyên gia quân sự, phiên bản gốc Taepodong-2 hiện đã được thay thế bởi một phiên bản được nâng cấp mới với tầm bắn mở rộng lên tới từ 10.000 đến 15.000km. Việc tăng sức mạnh cho Taepodong-2 có thể đặt Anh , Australia , và cả khu vực miền Trung, miền Tây nước Mỹ vào trong tầm tấn công của nó.

 

Tuy nhiên, các chuyên gia hoài nghi không biết liệu Triều Tiên đã nắm được trong tay công nghệ để thu nhỏ và đưa đầu đạn hạt nhân vào tên lửa hay chưa.

 

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia nhận định, việc Triều Tiên phát triển tên lửa Taepodong-2 mới nhất đã chứng tỏ sự tiến bộ đáng kể trong công nghệ tên lửa tầm xa của nước này.

 

KN-08: Triều Tiên trình làng tên lửa tầm xa loại KN-08 tại cuộc diễu binh quân sự kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Kim Nhật Thành hồi tháng 8 năm 2012. Tuy nhiên, hai chuyên gia Markus Schiller và Robert Schmucker của Viện Kỹ thuật Schmucker, Đức, tin rằng đó chỉ là một mô hình tên lửa giả chứ không phải tên lửa thật. Họ đã đưa ra dẫn chứng rằng, tên lửa được Triều Tiên “khoe” trong cuộc diễu binh quá mỏng để có thể bay được và không hề giống với những tên lửa cùng loại được trưng bày trước đó. Báo chí Hàn Quốc đưa tin, tên lửa KN-08 của Triều Tiên có tầm bắn lên tới 6.000km.

 

KN-08 là tên do phương Tây đặt. Người ta không biết tên mà Triều Tiên đặt cho tên lửa nói trên.

 

MUSUDAN: Triều Tiên triển khai tên lửa tầm trung này từ hồi năm 2007. Được trình làng công khai năm 2010, tên lửa Musudan có tầm bắn 3.000km. Nhiều phần của Philippines nằm trong tầm bắn của tên lửa Musudan. Triều Tiên được cho là đã sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm SS-N-6 của Nga để phát triển tên lửa Musudan. Tên lửa này có thể được phóng đi từ bệ phóng di động trên mặt đất. Musudan là tên lửa một hoặc hai giai đoạn, sử dụng nhiên liệu lỏng. Người ta không biết độ chính xác của loại tên lửa này. Mỹ đã đặt tên tên lửa Musudan theo tên một ngôi làng gần khu thử tên lửa của Triều Tiên. Không rõ, Triều Tiên đặt tên tên lửa này là gì.

 

NODONG: Tên lửa Nodong có tầm bắn lên tới 1.300km và có thể mang theo một đầu đạn hạt nhân mặc dù CHDCND Triều Tiên đến giờ vẫn chưa phát triển được công nghệ sản xuất đầu đạn hạt nhân cho bất kỳ loại tên lửa nào.

Và dù tên lửa Nodong có tầm bắn khá ấn tượng nhưng qua hai lần thử nghiệm, tên lửa này đã chứng minh độ chính xác không cao. Theo bản báo cáo được công bố hồi tháng 3 năm 2006 của Trung tâm nghiên cứu chống phổ biến vũ khí hạt nhân của Mỹ, sai số so với mục tiêu của tên lửa Nodong là vào khoảng từ 2-4km. Điều này đồng nghĩa với việc một nửa số tên lửa Nodong được phóng đi có thể rơi bên ngoài phạm vi vòng tròn có bán kính từ 2-4km.

Tên lửa Nodong có thể tấn công hầu hết các khu vực trong lãnh thổ Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu được nhằm bắn vào một mục tiêu quân sự thì độ chính xác thấp của tên lửa này có thể dẫn đến tình trạng thương vong của dân thường ở mức cao.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc