Tên lửa Triều Tiên trong “tầm ngắm” tàu chiến Mỹ

07:12, 07/12/2012
|

(VnMedia) - Mỹ đang đưa các tàu chiến của mình vào vị trí để sẵn sàng theo dõi và có thể chống lại vụ phóng tên lửa của Triều Tiên sắp tới. Đồng thời, Mỹ cũng đang kêu gọi Bình Nhưỡng hủy bỏ kế hoạch này, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ hôm qua (6/12) cho biết.
 
Đô đốc Samuel Locklear – người chỉ huy lực lượng Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương, tiết lộ, tàu chiến của họ đã được đưa tới những vị trí tốt nhất để có thể theo dõi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
 
Mỹ đang theo dõi “rất chặt chẽ” mọi hoạt động chuẩn bị cho vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, ông Locklear cho biết tại một cuộc họp báo của Lầu Năm Góc. Ông này cũng cho hay, các tàu chiến Mỹ đã được điều tới khu vực để giám sát vụ phóng tên lửa của Triều Tiên như họ đã làm trong vụ phóng tương tự hồi tháng 4 của Bình Nhưỡng.
 
"Chúng tôi đưa tàu chiến vào vị trí để có thể nắm rõ nhất tình hình. Đó là điều hợp lý. Và trong một chừng mực nào đó, những con tàu của chúng tôi có thể tham gia chống lại tên lửa đạn đạo. Chúng tôi sẽ đặt tàu chiến của mình vào vị trí có thể làm được việc đó”, Đô đốc Locklear nói.
 
Triều Tiên hôm 1/12 lại khiến các cường quốc “sôi sùng sục” khi thông báo kế hoạch thực hiện một vụ phóng tên lửa tầm xa vào khoảng thời gian từ ngày 10-20/12
 
Triều Tiên tuyên bố, vụ phóng tên lửa đưa vệ tinh vào vũ trụ của họ là nhằm phục vụ cho các mục đích hòa bình. Tuy nhiên, các nước như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản lại tin rằng, vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng thực chất là một vụ thử công nghệ tên lửa tầm xa nhằm phát triển một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
 
Theo lời Đô đốc Locklear, việc Mỹ đưa tàu chiến ra giám sát vụ phóng tên lửa của Triều Tiên sẽ giúp trả lời một loạt câu hỏi. “Nếu họ vi phạm Nghị quyết của Hội đồng  Bảo an Liên Hợp Quốc và phóng tên lửa thì đó là loại tên lửa gì. Vụ việc này có mục đích gì? Tên lửa của Triều Tiên sẽ đi đến đâu? Nó sẽ đe dọa ai? ... Và hậu quả của việc đó là gì?”.
 
Ông Locklear cho biết, mối lo ngại chính của ông là bảo đảm Mỹ và các đồng minh có thể giám sát hiệu quả tình hình quanh vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
 
Trước Mỹ, Nhật Bản cũng đã triển khai tàu hải quân được trang bị hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot đến quần đảo phía nam Ishigaki để sẵn sàng đối phó với tên lửa Triều Tiên.
 
Tàu hải quân JDS Kunisaki đã đưa hai hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot Advanced Capability-3 tới đảo Ishigaki, nằm cách Okinawa khoảng 400km về phía tây nam. Ngoài ra, tên lửa này cũng sẽ được triển khai ở Okinawa. Nhật tuyên bố sẵn sàng bắn hạ tên lửa của Triều Tiên nếu nó gây đe dọa đến an ninh nước này.
 
Đây là nỗ lực phóng tên lửa tầm xa thứ hai của Triều Tiên kể từ khi Chủ tịch Kim Jong Un lên nhậm chức sau khi cha ông qua đời cách đây gần một năm. Trước đó, hồi tháng 4, Bình Nhưỡng từng tiến hành phóng một tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào vũ trụ bất chấp sự phản đối dữ dội của các cường quốc. Tuy nhiên, vụ phóng tên lửa này đã thất bại.


Kiệt Linh - (theo Reuters)

Ý kiến bạn đọc