(VnMedia) - Cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông “có thể dễ dàng biến thành một cuộc đụng độ quân sự nghiêm trọng”, một tờ nhật báo của nhà nước Trung Quốc hôm qua (14/12) đã cảnh báo như vậy. Lời cảnh báo này được đưa ra đúng một ngày sau khi Nhật Bản ra lệnh cho 8 máy bay chiến đấu cất cánh khẩn cấp để chặn một chiếc máy bay của Trung Quốc bay vào không phận trên quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Bài báo trên tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) cho biết, máy bay do thám hải quân của Trung Quốc đã bay trên bầu trời quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để cùng phối hợp với các tàu thuyền lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ tuần tra chung ở khu vực quanh quần đảo tranh chấp.
"Sự kiện này đánh dấu một bước quan trọng của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo”, tờ Thời báo Hoàn cầu đã nói như vậy.
Tờ báo của Trung Quốc cho rằng, không có cuộc đối đầu trực tiếp nào giữa hai nước nhưng cáo buộc Nhật Bản đang giữ một lập trường cứng rắn trong quyết tâm tranh giành quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc.
Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, cuộc tranh chấp trên đã leo thang trong năm nay vì những “hành động khiêu khích của Nhật Bản”. “Trung Quốc đã áp dụng một bước tiếp cận kiên quyết. Trong quá khứ, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã triển khai các tàu thuyền xung quanh quần đảo và đã giành ‘quyền kiểm soát thực sự’ đối với quần đảo đó. Khi các tàu cá nhân của Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh quần đảo, các tàu này đã bị Nhật Bản bắt giữ”.
"Tình hình đã thay đổi. Việc tàu hải giám Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh quần đảo là bình thường. ‘Sự kiểm soát thực sự’ của Nhật Bản đối với quần đảo đã không còn”, tờ Thời báo Hoàn cầu viết.
Tờ báo Trung Quốc cho rằng, Nhật Bản đã gây hấn khi sử dụng chiến đấu cơ đối đầu với máy bay do thám hàng hải của Trung Quốc.
"Trung Quốc cần phải cảnh báo Nhật chấm dứt những hành động như thế, nếu không nó sẽ vấp phải sự trả đũa từ phía Trung Quốc. Trung Quốc có thể cử lực lượng không quân đến khu vực và có quyền áp dụng những bước đi xa hơn”, tờ Thời báo Hoàn cầu cảnh báo.
"Một cuộc đối đầu trên không giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên quần đảo Điếu Ngư sẽ có nhiều nguy cơ cao hơn so với một cuộc đụng độ giữa tàu thuyền hai nước trên biển. Tình hình có thể sẽ leo thang thành một cuộc đụng độ quân sự nghiêm trọng. Nếu Tokyo tiếp tục chặn máy bay tuần tra Trung Quốc thì một cuộc đối đầu như thế sớm hay muộn cũng chắc chắn sẽ xảy ra", nhật báo Trung Quốc cho biết.
Tờ Thời báo Hoàn cầu nhấn mạnh, “Nhật Bản cần phải hiểu rõ rằng, Trung Quốc sẽ không lùi bước trước những hành động khiêu khích. Người dân Trung Quốc sẽ không cho phép rút lui. Một thực tế mới đã hình thành quanh cuộc tranh chấp ở quần đảo Điếu Ngư. Không có chuyện quay trở lại. Nhật Bản phải chấp nhận thực tế”.
Thời báo Hoàn cầu là một tờ báo của Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, tờ báo này trong thời gian gần đây luôn thể hiện các lập trường cứng rắn, diều hâu trong các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông cũng như Biển Hoa Đông.
Còn nhớ, trong những cuộc đối đầu ở Biển Đông trong mấy tháng vừa qua, tờ Thời báo Hoàn cầu thường xuyên đăng tải những bài báo “sặc mùi thuốc súng” với những cảnh báo, đe dọa về chiến tranh. Một học giả người Hàn Quốc - ông Seong Hyon Lee, tốt nghiệp Đại học Harvard danh tiếng và là chuyên gia nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu truyền thông quốc tế của Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, từng kêu gọi “khai tử Thời báo Hoàn cầu” bởi theo ông, tờ báo này là kẻ thù đối với nền ngoại giao nhân dân của Trung Quốc.
Quan hệ giữa hai nước láng giềng Trung Quốc và Nhật Bản bắt đầu “lao dốc không phanh” kể từ sau khi Nhật Bản quyết định mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm trong tranh chấp từ tay người chủ sở hữu tư nhân hồi tháng 9 vừa rồi.
Cả Bắc Kinh và Tokyo đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì gọi là Senkaku. Chùm đảo này nằm giữa Nhật Bản và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Senkaku/Điếu Ngư là quần đảo có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Quần đảo này cũng gần với các tuyến đường biển quan trọng.
Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nguyên nhân chính dẫn đến mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong nhiều thập kỷ nay.
Kiệt Linh -
(theo Zee News)
Ý kiến bạn đọc