(VnMedia) - Đặc phái viên Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả-rập – ông Lakhdar Brahimi hôm qua (29/12) đã lên tiếng cảnh báo, Syria có thể biến thành “địa ngục” nếu hai phe trong cuộc nội chiến ở nước này không chịu ngồi lại đàm phán với nhau. Trong khi đó, Moscow cáo buộc các đối thủ của Tổng thống Bashar al-Assad gây cản trở cho tiến trình đàm phán ở Syria.
Phát biểu tại thủ đô Moscow của Nga, ông Brahimi cho rằng, những người có trách nhiệm ở bên trong và bên ngoài Syria nên “giúp người dân Syria ngăn không cho nước họ rơi thêm vào vòng xoáy các cuộc đổ máu, tình trạng bạo loạn và biến thành một quốc gia tan vỡ".
Những nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng kéo dài 21 tháng qua và cướp đi sinh mạng của 45.000 người ở Syria cho đến nay vẫn không đem lại kết quả tích cực gì. Phe nổi dậy Syria được khích lệ bởi những chiến thắng liên tiếp trên chiến trường hiện nay đã kiên quyết không chịu ngồi vào bàn đàm phán. Lực lượng này tuyên bố, chỉ sau khi Tổng thống Assad bị loại bỏ thì họ mới chấp nhận tham gia vào các cuộc đối thoại, đàm phán chính trị.
Trong một dấu hiệu cho thấy cuộc nội chiến đẫm máu của Syria sẽ không thể kết thúc sớm, quân chính phủ hôm qua đã lật ngược tình thế, giành một chiến thắng quan trọng ở Homs - thành phố miền trung có tầm quan trọng chiến lược. Quân đội đã đánh bật phe nổi dậy ra khỏi một quận sau nhiều ngày giao tranh dữ dội. Đây là một chiến thắng có ý nghĩa cho chính quyền Syria trong bối cảnh quân đội thời gian qua liên tiếp thất bại trong cuộc chiến với phe nổi dậy.
Tuy nhiên, ở phía bắc, hãng hàng không quốc gia Syria đã phải hoãn một chuyến bay từ Cairo đến Aleppo vì lo ngại vấn đề an ninh tại sân bay sau khi phe nổi dậy tuyên bố lấy sân bay này làm mục tiêu tấn công. Kết quả là cả đêm qua, người ta liên tục nghe thấy những tiếng nổ lớn trong khu vực.
Tuần này, đặc phái viên Brahimi đã có chuyến công du đến thủ đô Damascus kéo dài trong 5 ngày. Đây là một phần nỗ lực nhằm thúc đẩy việc thực hiện một kế hoạch hòa bình trong đó kêu gọi thành lập một chính phủ chuyển tiếp nhưng không nói rõ về vai trò của ông Assad.
"Nếu sự lựa chọn chỉ là địa ngục hoặc một tiến trình chính trị thì tất cả chúng ta cần phải nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm kiếm một tiến trình chính trị. Việc này rất khó, rất phức tạp nhưng chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác”, ông Brahimi cho biết tại thủ đô Moscow.
“Sai lầm và phản tác dụng”
Các nước phương Tây và Ả-rập ủng hộ cuộc nổi dậy ở Syria đang hy vọng Nga – đồng minh quốc tế chính của Tổng thống Assad, sẽ ngừng ủng hộ ông này. Họ đang cố tìm kiếm những dấu hiệu chứng tỏ Moscow thay đổi lập trường nhưng cho đến nay điều đó chẳng có ích gì.
Sau cuộc gặp gỡ với đặc phái viên Brahimi, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã một lần nữa khẳng định chắc chắn lập trường của Nga rằng, việc lật đổ ông Assad không thể là một điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán. Moscow cáo buộc, hành động bác bỏ lời đề nghị đàm phán của phe nổi dậy với Damascus khiến tình hình càng trở nên “bế tắc”
"Khi phe nổi dậy nói rằng, chỉ có sự ra đi của Tổng thống Assad mới cho phép mở màn một cuộc đối thoại về tương lai đất nước thì chúng tôi nghĩa rằng, đó là điều hoàn toàn sai lầm và phản tác dụng. Cái giá của điều kiện tiên quyết đó là hy sinh thêm nhiều mạng sống của người dân Syria”, ông Lavrov nói.
Giành quyền kiểm soát phần lớn khu vực phía đông và phía bắc Syria trong 6 tháng qua, phe nổi dậy Syria dường như khó có thể chấp nhận đàm phán với chính phủ hơn thời kỳ trước đây. Lý do là phe nổi dậy tin rằng và mong chờ rằng, họ sẽ giành được chiến thắng trên chiến trường. Nếu cả hai bên đều dự định chiến đấu đến kết cục cay đắng cuối cùng thì cuộc chiến tranh lâu dài nhất và đẫm máu nhất trong làn sóng cuộc cách mạng Mùa xuân Ả-rập nổ ra từ hồi đầu năm ngoái sẽ còn được kéo dài rất rất lâu.
Cuộc chiến Syria sẽ khó mà kết thúc khi mà hai bên cứ tiếp tục muốn đánh nhau trong khi chẳng ai có thể giành chiến thắng. Bất chấp những thụt lùi gần đây, quân chính phủ trung thành với Tổng thống Assad được nhận định là vẫn rất mạnh với nguồn dự trữ vũ khí dồi dào hơn, hiện đại hơn và một lực lượng không quân đầy năng lực. Quân đội Syria vẫn kiểm soát hầu hết khu vực phía tây nam đông dân của Syria, bờ biển Địa Trung Hải, hầu hết đường cao tốc chính bắc-năm và các căn cứ quân sự trên cả nước.
Tình hình Syria không chỉ bế tắc ngay trong nội tại mà bên ngoài các cường quốc có tiếng nói, có ảnh hưởng cũng mâu thuẫn sâu sắc về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng ở đất nước Trung Đông này. Trong khi phương Tây nhất quyết ủng hộ phe nổi dậy lật đổ Tổng thống Assad thì Nga cùng với Trung Quốc lại phản đối mạnh mẽ nỗ lực này.
Trong thời gian phe nổi dậy đang giành nhiều lợi thế trên chiến trường hiện nay, Mỹ cùng với các nước đồng minh hy vọng một sự thay đổi lập trường ở Moscow. Họ luôn tìm kiếm các dấu hiệu chứng tỏ sự lung lay trong quan điểm của Moscow. Phương Tây tin rằng, việc thay đổi lập trường của Nga sẽ gây sức ép hơn nữa lên Tổng thống Assad và sẽ buộc ông này phải từ chức.
Tuy nhiên, bất chấp việc một quan chức cấp cao Nga gần đây tuyên bố, phe nổi dậy Syria có thể giành chiến thắng, Ngoại trưởng Lavrov vẫn khẳng định, Moscow không có bất kỳ sự thay đổi lập trường nào trong vấn đề Syria. Ông Lavrov cũng liên tục khẳng định, Tổng thống Assad sẽ không ra đi và Nga “không có khả năng để thay đổi điều đó”.
Kiệt Linh -
(theo Reuters, AP, THX)
Ý kiến bạn đọc