Nga tái triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa đường sắt

14:04, 27/12/2012
|

(VnMedia) - Nga sẽ tái khởi động việc chế tạo loại tên lửa đạn đạo liên lục địa đường sắt với nguyên mẫu đầu tiên dự kiến được triển khai trước năm 2020, một quan chức quốc phòng cấp cao của Nga hôm qua (26/12) cho hay.

   

Quan chức giấu tên trên nói với hãng tin RIA Novosti rằng: “Công việc chế tạo nguyên mẫu này đã được khởi động, nguyên mẫu này sẽ sử dụng các thiết bị do chính Nga sản xuất”.

   

Các tên lửa mới sẽ có trọng lượng chỉ bằng một nửa trọng lượng của các loại tên lửa đường sắt cồng kềnh do Xô-viết chế tạo, cho phép chúng dễ dàng lắp ráp vào các toa tàu hơn.

   

Quân đội Xô-viết đã triển khai  tên lửa vận hành trên tàu hỏa đầu tiên vào năm 1987, và đến năm 1991, quân đội nước này đã vận hành 12 tên lửa cùng loại.

 

Nhưng đến năm 2005, tất cả các tên lửa này đã bị phá hủy theo Hiệp ước cắt giảm vũ khí START II mà Nga ký kết với Mỹ.

 

Tuy nhiên, hiệp ước START mới ký kết lại năm 2010 giữa hai nước lại không cấm việc phát triển loại tên lửa đạn đạo liên lục địa trên đường sắt này.

 

Hệ thống tên lửa đường ray truyền thống sử dụng tên lửa SS-24 Scalpel có trọng lượng lên tới 104 tấn, bởi vậy chúng đã phá hỏng các hệ thống đường ray. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc phóng tên lửa từ một tàu hỏa đang di chuyển sẽ khó bắn trúng mục tiêu hơn là phóng từ một bệ phóng cố định.

 

Bởi vậy, một chuyên gia quân sự nổi tiếng của Nga – Alexander Konovalov nói rằng, việc quay trở lại công nghệ “cồng kềnh” này của thời Xô-viết là một “ý tưởng tồi” ngay cả khi chúng đã được cải tiến. Ông cho rằng, công nghệ đó đã quá lỗi thời.

   

Ông Konovalov cho rằng, việc trở lại chế tạo các tàu hỏa tên lửa này thực chất chỉ là một sự phản ứng mang tính hình thức của Nga đối với kế hoạch triển khai các hệ thống tên lửa phòng thủ ở châu Âu của Mỹ.


Đan Khanh - (theo RIA)

Ý kiến bạn đọc