Nga bất lực trước phe nổi dậy Syria

19:09, 29/12/2012
|

(VnMedia) - Lãnh đạo phe nổi dậy Syria đã phũ phàng từ chối lời mời tham gia các cuộc đàm phán hòa bình do Nga đưa ra. Động thái này đã giáng một đòn mạnh vào hy vọng của cộng đồng quốc tế về việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài 21 tháng qua ở Syria . Phải chăng tình hình ở đất nước Trung Đông này đã trở nên tuyệt vọng?

 

Nga – đồng minh thân thiết của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, hôm qua (28/12) đã gửi lời mời ông Moaz Alkhatib, lãnh đạo nhóm đối lập Liên minh Quốc gia Syria vừa được thành lập cách đây 6 tuần, đến Moscow để tham gia các cuộc đàm phán hòa bình nhằm tìm hướng giải quyết cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Liên minh Quốc gia Syria đã được hầu hết các nước phương Tây và Ả-rập công nhận là tiếng nói hợp pháp duy nhất của nhân dân Syria .

 

Tuy nhiên, trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Al Jazeera, ông Alkhatib tuyên bố, ông từ chối lời mời đến thăm của Nga và muốn một lời xin lỗi từ Moscow về việc ủng hộ cho Tổng thống Assad.

 

"Chúng tôi đã nói rõ rằng, chúng tôi sẽ không đến Moscow . Chúng ta có thể gặp gỡ ở một nước Ả-rập nếu có một chương trình nghị sự rõ ràng”, ông Alkhatib cho biết.

 

"Hiện tại, chúng tôi cũng muốn nhận được một lời xin lỗi từ phía Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bởi vì trong suốt thời gian qua, ông ấy đã nói rằng nhân dân sẽ tự quyết định số phận của mình mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài. Nga đang can thiệp và trong khi những vụ thảm sát người dân Syria xảy ra thì họ cư xử như thể đang đi picnic”, ông Alkhatib cáo buộc.

 

"Nếu chúng tôi không đại diện cho nhân dân Syria thì tại sao họ lại mời chúng tôi. Và nếu chúng tôi đại diện cho nhân dân Syria thì tại sao Nga không phản ứng, không lên án rõ ràng hành động của chính quyền và kêu gọi Tổng thống Assad từ chức? Đây là điều kiện cơ bản cho bất kỳ cuộc đàm phán nào”, lãnh đạo của Liên minh Quốc gia Syria nói thêm.

 

Kể từ khi cuộc nổi dậy ở Syria nổ ra hồi tháng 3 năm ngoái, Nga luôn duy trì một lập trường kiên quyết rằng phe nổi dậy Syria phải đàm phán với chính quyền của Tổng thống Assad để tìm hướng giải quyết hòa bình cho cuộc khủng hoảng này.

 

"Tôi cho rằng, việc đánh giá chi tiết, thực tế và đầy đủ tình hình ở Syria sẽ thôi thúc các thành viên đối lập hiểu lẽ phải tìm cách khởi động một cuộc đối thoại chính trị”, Ngoại trưởng Lavrov hôm qua (28/12) đã phát biểu như vậy.

 

Tuy nhiên, phát biểu của ông Lavrov ngay lập tức đã bị phe nổi dậy Syria phản bác. "Liên minh của chúng tôi sẽ sàng đối thoại chính trị với bất kỳ ai nhưng sẽ không đàm phán với chính quyền của Tổng thống Assad”, phát ngôn viên Liên minh Quốc gia đối lập Syria – ông Walid al-Bunni cho Reuters biết. "Tất cả mọi thứ đều có thể xảy ra sau khi chính quyền của ông Assad và nền móng của nó sụp đổ. Sau đó, chúng tôi có thể ngồi lại với tất cả người dân Syria để bàn về tương lai”, ông Bunni nói thêm.

 

Các nhà ngoại giao bất lực trước tình hình Syria

 

Có thể nói, các nhà ngoại giao dường như đang bất lực trước tình hình ở Syria . Tình thế hoàn toàn bế tắc khi không phe nào ở Syria chịu lùi bước, ngồi lại đàm phán, phương Tây thì từ chối can thiệp quân sự vào Syria giống như Libya trước đây trong khi Nga và Trung Quốc kiên quyết ngăn chặn bất kỳ hành động nào của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào Tổng thống Assad.

 

Trong lúc này, cuộc chiến ở Syria vẫn tiếp tục leo thang mỗi lúc một ác liệt và đẫm máu hơn. Sự chia rẽ sắc tộc ở nước này giữa đa số người Hồi giáo dòng Sunni và thiểu số người Alawite thuộc dòng Hồi giáo Shi'ite ngày càng trở nên sâu sắc.

 

Bản thân phương Tây không muốn can thiệp quân sự hay cung cấp vũ khí thiện chiến ở phe nổi dậy Syria vì họ còn hoài nghi rất nhiều về lực lượng này dù họ đã công nhận chính thức Liên minh Quốc gia Syria là đại diện hợp pháp của nhân dân Syria.

 

Phương Tây tin rằng, các phần tử khủng bố có liên quan đến tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới Al-Qaeda đang có mặt trong phe nổi dậy Syria và hơn nữa thành phần này đang ngày càng trở nên mạnh hơn, có uy thế hơn. Chính vì lý do đó, phương Tây không mấy mặn mà với việc hậu thuẫn về vũ khí cho lực lượng chiến binh Syria . Họ lo ngại, vũ khí hiện đại của mình sẽ rơi vào tay các phần tử khủng bố và rất có thể những thứ vũ khí đó sẽ quay lại chống lại chính họ.

 

Ngoài ra, phương Tây cũng lo ngại viễn cảnh sau khi chính quyền Tổng thống Assad bị lật đổ, chính quyền thay thế sẽ do những phần tử cực đoan đứng lên dẫn đầu.

 

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc luôn giữ vững quan điểm, công việc nội bộ của Syria phải do chính người Syria tự quyết định. Các nước bên ngoài không được phép can thiệp vào.

 

Trong khi các cường quốc có tiếng nói quyết định không thể gạt bỏ mâu thuẫn, bất đồng để tìm kiếm một giải pháp chung cho tình hình ở Syria thì quân đội trung thành với Tổng thống Assad và phe nổi dậy cũng quyết chiến với nhau đến cùng. Mọi nỗ lực ngoại giao quốc tế cho đến nay đều thất bại bởi không bên nào chịu chấp nhận đình chiến, ngồi lại đàm phán hòa bình với nhau.

 

Phương Tây từng hy vọng Nga sẽ thay đổi lập trường trong vấn đề Syria khi một quan chức cấp cao nước này phát biểu, quân của ông Assad có thể thua phe nổi dậy. Tuy nhiên, Moscow khẳng định, họ không hề thay đổi lập trường trong vấn đề Syria .

 

Cuộc nội chiến ở Syria đến nay đã cướp đi sinh mạng của khoảng 44.000 người và làm hàng chục nghìn người phải đi sơ tán, hàng triệu triệu người rơi vào cảnh khốn cùng.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc