NATO đang châm ngòi chiến tranh thế giới mới

18:52, 16/12/2012
|

(VnMeda) - Tư lệnh quân đội Iran hôm qua (15/12) đã lên tiếng cảnh báo hành động triển khai các hệ thống tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ của NATO sẽ châm ngòi cho thế chiến thứ III.
 
Tướng Hassan Firouzabadi, chỉ huy lực lượng quân đội Iran, quốc gia luôn hậu thuẫn mạnh mẽ cho chính quyền của Tổng thống Syria – Bashar al-Assad đã lên tiếng kêu gọi NATO thay đổi quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ.
  
Trong bài phát biểu của mình trước các chỉ huy quân đội cấp cao tại Đại học Quốc phòng ở Tehran, ông nói: “Mỗi một khẩu đội tên lửa Patriot sẽ tạo một vết đen trên bản đồ thế giới và có thể gây ra thế chiến mới. Họ đang lên kế hoạch cho một cuộc chiến tranh thế giới và điều này rất nguy hiểm cho tương lai của nhân loại nói chung và tương lai của chính châu Âu nói riêng”.
  
Mặc dù đưa ra cảnh báo trên nhưng ông Firouzabadi lại không đe dọa bất cứ hành động nào chống lại Thổ Nhĩ Kỳ mà ngược lại, ông cho biết, Iran thực sự muốn bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Ông phát biểu: “Chúng ta là bạn của Thổ Nhĩ Kỳ và chúng ta muốn bảo vệ an ninh cho Thổ Nhĩ Kỳ”.
 
Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên NATO từng là bạn của Tổng thống Assad nhưng giờ đây đã trở thành đồng minh chính của phe nổi dậy chống chính quyền của Tổng thống Assad. Nước này nhiều tháng nay thường xuyên than phiền về các vụ phóng lựu đạn và đạn pháo từ Syria sang khu vực biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ, trong số đó có nhiều vụ gây thương vong.

Bởi vậy, hồi cuối tháng 11, Thổ Nhĩ Kỳ, đã chính thức đề nghị được triển khai hệ thống tên lửa Patriot trên lãnh thổ của mình, cho rằng việc triển khai các hệ thống chống tên lửa là cần thiết để bảo vệ đường biên giới dài 900 km của nước này với Syria. Và đề nghị trên của Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức đã được NATO chấp thuận cùng với sự trợ sức của Mỹ, Hà Lan và Đức.
 
Mỹ, Đức và Hà Lan - ba quốc gia NATO duy nhất sở hữu loại tên lửa Patriot hiện đại nhất, đã nhất trí gửi tên lửa sang bảo vệ đồng minh. Đức và Hà Lan tuyên bố rằng, mỗi nước sẽ gửi 2 khẩu đội tn lửa Patriot với các bệ phóng tên lửa đa nòng sang cho Thổ  Nhĩ Kỳ.

Theo đó, 6 khẩu đội tên lửa đất đối không Patriot sẽ được triển khai dọc đường biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ với mục đích theo NATO biện hộ là để bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi các mối đe dọa đến từ Syria.

Mỗi khẩu đội tên lửa được triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sẽ có từ 4 đến 6 bệ phóng, mỗi bệ phóng có khả năng phóng 16 quả tên lửa. Hệ thống tên lửa đất đối không Patriot của Mỹ đã từng được triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1991 và 2003 trong hai cuộc chiến Vùng Vịnh để bảo vệ quốc gia này khỏi các đợt tấn công tên lửa Scud của thời Saddam Hussein.
 
Chỉ huy lực lượng quân đội Mỹ ở NATO hôm 14/12 cho biết, việc NATO triển khai các hệ thống tên lửa dọc đường biên giới phía bắc của Syria là một đòn đáp trả trước hành động phóng tên lửa Scud của lực lượng của Tổng thống Assad sang khu vực sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Chỉ huy quân đội NATO – Đô đốc James Stavridis cho biết: "hàng loạt tên lửa Scud gần đây được phóng bên trong lãnh thổ Syria nhằm vào các mục tiêu đối lập, tuy nhiên, một số trong đó đã rơi xuống khu vực sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, điều này rất đáng quan ngại”. 
 
Ông Stavridis cho biết: “Tình hình ở Syria đang rất hỗn loạn và nguy hiểm, nhưng chúng tôi có giải pháp để bảo vệ các đường biên giới của các nước NATO khỏi mọi mối hiểm họa từ quốc gia đầy bất ổn này”. 

Động thái triển khai tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ của NATO không chỉ vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Iran và Syria mà Nga cũng phản đối kịch liệt kế hoạch trên. Syria đã lên tiếng phản đối kế hoạch thiết lập mạng lưới tên lửa Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ, mô tả đây là “một kiểu hành động gây hấn”. 
 
Còn phía Nga cũng cảnh báo động thái này có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng khu vực mới.  Tuy nhiên, NATO một mực khẳng định rằng các hệ thống tên lửa này được triển khai chỉ nhằm mục đích phòng thủ và đã chính thức thông qua đề xuất trên của Thổ Nhĩ Kỳ.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc