Mỹ đưa quân và tên lửa áp sát Syria

11:28, 15/12/2012
|

(VnMedia) - Lầu Năm Góc hôm qua (14/12) tuyên bố, Mỹ sẽ sớm chuyển hai khẩu đội tên lửa phòng không tối tân Patriot và đưa 400 binh lính vào Thổ Nhĩ Kỳ, áp sát Syria. Đây là một phần trong biện pháp của NATO nhằm bảo vệ lãnh thổ của thành viên Thổ Nhĩ Kỳ trước các cuộc tấn công tên lửa có thể xảy ra từ Syria.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã ký lệnh điều động 400 binh lính từ Afghanistan đến Thổ Nhĩ Kỳ để điều khiển hai khẩu đội tên lửa Patriot mà họ sẽ triển khai ở những địa điểm bí mật trên đất Thổ Nhĩ Kỳ, áp sát với Syria, thư ký Lầu Năm Góc – ông George Little cho các phóng viên biết.
 
Trong chuyến dừng chân ở Căn cứ Không quân Incirlik, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta đã phát biểu với binh lính Mỹ rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể cần đến các tên lửa Patriot – loại vũ khí có thể giúp họ bắn hạ những tên lửa đạn đạo tầm ngắn cũng như những chiếc máy bay.
 
Ông chủ Lầu Năm Góc cho biết, ông đã phê chuẩn việc triển khai tên lửa và quân đến Thổ Nhĩ Kỳ “để giúp Ankara có được hệ thống phòng không mà họ cần nhằm đối phó với các mối đe doạ đến từ Syria”.
 
Ông Panetta không cho biết, khi nào Mỹ sẽ chuyển các khẩu đội tên lửa Patriot đến Thổ Nhĩ Kỳ và những vũ khí này sẽ được triển khai tại đây trong bao lâu.
 
Trước đó hôm 13/12, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã nói, nước ông cùng với Đức và Mỹ đang phối hợp chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ để “đảm bảo các khẩu đội tên lửa Patriot được triển khai sớm nhất có thể”. Tuy nhiên, ông Rutte dự đoán, các tên lửa đó sẽ chưa thể được đưa vào hoạt động cho đến trước tháng 1 năm tới.
 
Tại Căn cứ Không quân Incirlik, cách biên giới Syria khoảng 60 dặm về phía bắc, một thành viên của Lực lượng Không quân Thổ Nhĩ kỳ đã hỏi Bộ trưởng Quốc phòng Panetta rằng, Mỹ sẽ làm gì nếu Syria sử dụng vũ khí hoá học hoặc sinh học chống lại phe nổi dậy. Ông Panetta cho biết, ông không thể nói công khai về vấn đề này nhưng cho biết, “chúng tôi đã lên kế hoạch”. Theo đó, Tổng thống Obama có một loạt sự lựa chọn trong trường hợp tình báo Mỹ khẳng định Syria đang chuẩn bị sử dụng những laoij vũ khí đó.
 
Khi được hỏi liệu ông có nghĩ Syria sẽ “phản ứng tiêu cực” trước kế hoạch triển khai tên lửa Patriot, ông Panetta trả lời: “Tôi không nghĩ họ có thời gian để mà lo lắng về những tên lửa đó vì họ còn mải đấu tranh duy trì quyền lực”. Ông này cũng nói thêm rằng, phản ứng của Syria trước động thái triển khai tên lửa Patriot của NATO không phải là điều làm ông quan ngại.
 
Đức và Hà Lan cũng đồng ý cung cấp mỗi nước hai khẩu đổi tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ. Và để triển khai các khẩu đội tên lửa này, Đức cũng sẽ đưa 400 quân và Hà Lan đưa 360 quân đến Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy, sẽ có tổng số 6 khẩu đội tên lửa Patriot cùng với hơn 1.000 quân NATO được triển khai đến khu vực biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Trong các nước thành viên NATO, chỉ có Mỹ, Đức và Hà Lan sở hữu trong tay những tên lửa tối tân Patriot có khả năng đánh chặn các tên lửa đối phương. Mỗi khẩu đội tên lửa Patriot thông thường có 12 bệ phóng tên lửa, một quan chức NATO giấu tên tiết lộ.
 
Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một đồng minh của Syria. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước láng giềng bắt đầu rơi vào căng thẳng kể từ sau khi chính phủ ở Thổ Nhĩ Kỳ tỏ rõ sự ủng hộ đối với phe nổi dậy đang tìm cách lật đổ Tổng thống Assad trong cuộc nội chiến nổ ra từ hồi tháng 3 năm ngoái.
 
Tình hình căng thẳng giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ leo thang nghiêm trọng sau sự kiện một quả đạn pháo từ Syria bay sang lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ hôm 3/10, khiến 5 dân thường thiệt mạng và 10 người khác bị thương. Sau vụ việc này, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần bắn đạn pháo đáp trả những vụ “tên rơi đạn lạc” từ Syria vào lãnh thổ của họ.
 
Trong bối cảnh biên giới giữa hai nước trở nên nóng bỏng, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11 đã chính thức yêu cầu liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương triển khai các tên lửa Patriot trên lãnh thổ nước này nhằm giúp họ củng cố khả năng phòng vệ ở khu vực dọc biên giới với Syria. Lý do mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra là an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với những mối đe dọa từ cuộc nội chiến ở Syria.
 
Yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng được NATO đáp ứng. Tổng thư ký NATO Rasmussen phát biểu, việc triển khai các hệ thống tên lửa phòng không Patriot sẽ giúp tăng cường khả năng phòng vệ của Thổ Nhĩ Kỳ và “góp phần làm giảm căng thẳng ở khu vực biên giới phía đông nam NATO".
 
Kế hoạch triển khai tên lửa Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ của NATO đã vấp phải sự phản đối dữ dội của Syria, Iran và Nga. Moscow tin rằng, việc triển khai tên lửa ở sát Syria đồng nghĩa với sự can thiệp trực tiếp của lực lượng NATO vào cuộc xung đột ở đất nước Trung Đông và điều đó chỉ làm cho tình hình thêm trầm trọng.
 
Cách đây mấy ngày, có tin Nga đã chuyển chuyến hàng tên lửa Iskander đầu tiên cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Đây được cho là biện pháp nhằm đáp trả kế hoạch của NATO.
 
Tên lửa Iskander ưu việt có thể phóng với tốc độ siêu âm hơn 2km trên giây (Mach 6-7 – tức là 6 hoặc 7 lần so với tốc độ âm thanh) và tầm bắn lên tới gần 500km. Iskander có khả năng bắn trúng và phá hủy chính xác các mục tiêu có đầu đạn lên tới gần 700kg. Với những tính năng trên, tên lửa Iskander của Nga được ví là ác mộng đối với bất kỳ hệ thống lá chắn tên lửa nào.


Kiệt Linh - (theo AP, Reuters, RIA)

Ý kiến bạn đọc