Mỹ động viên Nhật "ngăn chặn" Trung Quốc

18:55, 18/12/2012
|

(VnMedia) - Với việc Đảng Dân chủ Tự do (LDP) giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử ngày 16/12, ông Kevin Maher – một cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng kêu gọi chính phủ mới ở Nhật nhanh chóng hành động để “ngăn chặn hành động ngang ngược” của Trung Quốc.
 
Ông Maher – người từng giữ vị trí Giám đốc Văn phòng Các Vấn đề Nhật Bản của Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện là cố vấn chính cho công ty tư vấn NMV có trụ sở tại New York, cho rằng, cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chỉ là một ví dụ cho thấy mối đe dọa khu vực ngày càng gia tăng xuất phát từ hành động hiếu chiến của Trung Quốc.
 
Tuy nhiên, ông Maher nhấn mạnh, việc Tokyo thể hiện mong muốn củng cố năng lực quốc phòng sẽ phát đi một thông điệp mạnh mẽ cho Bắc Kinh rằng Nhật Bản sẵn sàng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bên cạnh đồng minh an ninh then chốt là Mỹ.
 
"Nhật Bản hiện giờ đang đứng giữa ngã rẽ chiến lược liên quan đến Trung Quốc. Tôi hy vọng, chính phủ mới của Nhật Bản (xuất hiện sau cuộc bỏ phiếu Hạ viện) sẽ giữ lập trường kiên quyết và thực tế trong việc xử lý mối đe dọa từ Trung Quốc ”, ông Maher – người từng giữ chức Tổng Lãnh sự Mỹ tại Naha, Okinawa, Nhật Bản, từ năm 2006 đến 2009 trước khi tiếp nhận quyền lãnh đạo Văn phòng Các Vấn đề Nhật Bản thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, đã nói như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Japan Times.
 
Trung Quốc mấy ngày qua lại khuấy đảo sóng gió ở Biển Hoa Đông. Sau cuộc chuyển giao quyền lực một thập kỷ một lần tại Đại hội Đảng Trung Quốc với việc bầu chọn ông Tập Cận Bình làm Tổng Bí thư mới, cuộc tranh chấp liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản không hề dịu đi. Thay vào đó, Trung Quốc lại có những bước đi leo thang mới. Ngoài việc tàu thuyền Trung Quốc thường xuyên bị Nhật Bản tố cáo ra vào vùng lãnh thổ của họ xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mới đây, hồi tuần trước, chính phủ Trung Quốc còn lần đầu tiên cho máy bay đi vào không phận trên quần đảo tranh chấp.
 
Theo ông Maher, qua những bước đi trên, Bắc Kinh đang cố gắng tìm cách thể hiện với cộng đồng quốc tế rằng họ thực sự mới là nước kiểm soát Biển Đông và Biển Hoa Đông. Đây là hai khu vực mà Trung Quốc có tranh chấp với một loạt nước láng giềng. Trước ý định trên của Bắc Kinh, ông Maher cho rằng, việc Nhật Bản duy trì sức mạnh quân sự và sự hiện diện trên bầu trời khu vực cùng với sức mạnh ưu việc của không quân Mỹ hiện nay là điều vô cùng quan trọng.
 
Ông Maher nhấn mạnh, Tokyo cần tăng ngân sách quốc phòng để mở rộng và tăng tốc thực hiện các chương trình liên quan đến quốc phòng. Hiện tại, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản chiếm chưa đầy 1% GDP. Ông Maher đưa ra các ví dụ về chương trình quốc phòng của Nhật Bản như việc mua các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 và các tàu chiến được trang bị hệ thống chiến đấu tối tân Aegis cũng như việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa có khả năng bắn hạ những tên lửa đạn đạo tầm  trung.
 
Nhật Bản hiện tại đang phụ thuộc và các tên lửa đất đối không Patriot Advanced Capability-3 do Mỹ sản xuất và nước này cũng đang bắt tay cùng Mỹ để phát triển các tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA nhằm bảo vệ mình trước các mối đe dọa ngày càng tăng từ các tên lửa của Triều Tiên. Tàu chiến Aegis của Nhật Bản được trang bị các tên lửa SM-3.
 
Năm ngoái, Nhật Bản đã quyết định mua 42 chiếc chiến đấu cơ F-35 cho Lực lượng Không quân từ nay đến năm 2030 nhưng ông Maher nhấn mạnh, Trung Quốc hoàn toàn có thể sở hữu nhiều máy bay chiến đấu tàng hình hơn trước thời gian này bởi Trung Quốc đang nhanh chóng củng cố hiện đại hóa quân đội.
 
Ông Maher cũng kêu gọi Nhật Bản vạch ra kế hoạch thiết lập các căn cứ quân sự trên dãy đảo Sakishima và trên đảo Yonaguni – cả hai đều thuộc quần đảo Okinawa. Bộ Quốc phòng Nhật Bản trước đó đã quyết định sẽ chi 6,2 tỉ Yên trong năm tài chính 2013 để xây dựng một căn cứ ở Yonaguni và tăng cường quốc phòng. Tokyo cũng đang cân nhắc triển khai các căn cứ quân sự trên đảo Sakishimas.
 
"Tôi hiểu tất cả những việc trên đều cần phải có thời gian. Tuy nhiên, đưa ra quyết định ngay bây giờ với Mỹ cùng với những khoản ngân sách thực sự sẽ là một tín hiệu quan trọng gửi đến Washington. Nó cho thấy, Nhật Bản thực sự nghiêm túc trong việc thực hiện các trách nhiệm về quốc phòng trong khuôn khổ liên minh an ninh với Mỹ", ông Maher nói thêm.
 
Tuy nhiên, công chúng Nhật  Bản dường như vẫn hoài nghi về việc quân đội Mỹ sẽ thực sự đến giúp bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng quân sự, ví dụ như trong trường hợp cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc biến thành một cuộc xung đột vũ trang.
 
Washington đã đi xa hơn một bước bằng cách thông qua dự luật hồi đầu tháng này, trong đó tái khẳng định cam kết của Mỹ với Tokyo theo thỏa thuận an ninh mà hai nước đã ký với nhau. Washington cảnh báo, một cuộc tấn công vũ trang vào Nhật Bản hay vào các lực lượng Mỹ “trong các vùng lãnh thổ thuộc Nhật Bản” sẽ được xử lý theo thỏa thuận an ninh chung, nói cách khác là sẽ dẫn đến một sự can thiệp quân sự.
 
Ông Maher nhấn mạnh rằng, công chúng Nhật Bản cần phải hiểu, Washington và Tokyo sẽ bảo vệ nhau và Mỹ sẽ không hành động một mình.


Kiệt Linh - (theo Japan Times)

Ý kiến bạn đọc