Mọi hoạt động của Trung Quốc ”bị theo dõi chặt"

12:00, 18/12/2012
|

(VnMedia) - Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ AK Antony hôm qua (17/12) đã tuyên bố trước Quốc hội rằng, Ấn Độ “đang theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của Trung Quốc”.
 
Tuyên bố trên được Bộ trưởng Antony đưa ra để trả lời cho một câu hỏi tại Quốc hội Ấn Độ về việc liệu chính phủ có biết việc Trung Quốc sắp lập một đài quan sát thiên văn tại khu vực Aksai Chin thuộc Tây Tạng.
 
Theo Bộ trưởng Antony cho biết trong một tuyên bố, đài quan sát thiên văn của Trung Quốc sẽ được dựng lên ở Sư Tuyền Hà (đây là tên mà Bắc Kinh đặt cho vùng Aksai Chin). “Chính phủ Ấn Độ đang theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của phía Trung Quốc và đã chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng mọi nhu cầu an ninh của đất nước”, ông Antony cho hay.
 
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Ấn Độ nhấn mạnh: "Các bước đi và biện pháp cần thiết đều đã được lên kế hoạch để đảm bảo an ninh quốc gia cũng như các lợi ích kinh tế của đất nước".
 
Trước đó, hồi tháng 4, có tin Trung Quốc đang đề nghị Hàn Quốc và Nhật Bản xây dựng một đài quan sát thiên văn chung trong năm nay ở Sư Tuyền Hà. Vấn đề đặt ra là Sư Tuyền Hà hay Aksai Chin lại là một vùng lãnh thổ do Ấn Độ kiếm soát trước đây, nằm trong khu vực tên là Jammu và Kashmir, đã bị Trung Quốc chiếm đóng sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1962. Ấn Độ cho đến nay vẫn liên tục khẳng định chủ quyền của mình trên các vùng đất bị Trung Quốc chiếm giữ này.
 
Giới chuyên gia Ấn Độ tin rằng, kế hoạch lập đài quan sát thiên văn ở Aksai Chin của Trung Quốc được đưa ra với ý đồ nhằm làm phức tạp hóa cuộc tranh chấp chủ quyền vùng Aksai Chin bằng cách viện cớ khoa học để lôi kéo Nhật Bản và Hàn Quốc vào cuộc. Nếu kế hoạch được thực hiện thành công thì nó sẽ giúp tăng thêm tính chính đáng cho đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, và gây thêm khó khăn cho Ấn Độ trong việc xác lập chủ quyền của nước này đối với khu vực tranh chấp.
 
Với tư cách là hai nước láng giềng đồng thời là hai siêu cường mới nổi của Châu Á, Ấn Độ và Trung Quốc có mối quan hệ rất phức tạp. Thương mại song phương giữa hai nước phát triển với tốc độ chóng mặt, với giá trị trao đổi thương mại từ mức 3 tỉ USD cách đây một thập kỷ nhảy vọt lên mức 75,5 tỉ USD hàng năm hiện nay. Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn tỏ ý lo ngại với mối quan hệ gắn bó, thân thiết giữa Ấn Độ với Washington. Ngược lại, New Delhi cũng cảm thấy bất an trước những động thái tăng cường sức mạnh quân sự hiện nay của Trung Quốc. Ngoài ra, giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang còn tồn tại những tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biên giới kéo dài nhiều thập kỷ nay.
 
Sự kình địch giữa Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục gia tăng khi hai nước cùng tìm cách tranh giành ảnh hưởng trong khu vực cũng như các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển của họ.
 
Trung Quốc gần đây đang có những hành động khiêu khích ở Biển Đông – khu vực mà Ấn Độ đang tăng cường các hoạt động hợp tác kinh tế. Trong bối cảnh này, New Delhi đã tỏ thái độ quyết liệt. Mới đây, hồi đầu tháng 12, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ - Đô đốc D.K. Joshi đã tuyên bố một cách đầy quả quyết rằng, nước này sẽ bảo vệ sự tự do hàng hải đồng thời sẵn sàng can thiệp vào Biển Đông để bảo vệ các quyền lợi kinh tế của họ ở vùng biển này.
 
Theo lời Đô đốc D K Joshi, Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ - onGC Videsh có 4 lô dầu đang khai thác ngoài khơi Việt Nam. “Nếu cần, chúng tôi sẽ can thiệp để bảo vệ các lô dầu đó”. Ông Joshi tuyên bố chắc nịch rằng, nhiệm vụ của Hải quân Ấn Độ là phải bảo vệ các lợi ích thuộc Ấn Độ. Ấn Độ có hai mối quan tâm cơ bản – đó là “tự do hàng hải và bảo vệ các lợi ích của quốc gia”.
 
"Biển Đông là một vấn đề phức tạp. Chúng tôi không phải là một bên có liên quan trực tiếp. Chúng tôi không có quyền lợi lãnh thổ ở đây. Tuy nhiên, mối quan ngại chính của chúng tôi là tự do hàng hải. Ngoài ra, onGC cũng có các lô dầu ở Biển Đông. Hải quân Ấn Độ ở đây để bảo vệ cho các lợi ích hàng hải của đất nước”, ông Joshi nhấn mạnh.


Kiệt Linh - (theo Times of India)

Ý kiến bạn đọc