Hàng loạt chiến đấu cơ Nhật uy hiếp Trung Quốc

18:37, 26/12/2012
|

(VnMedia) - Trung Quốc đã được đặt trong tình trạng báo động, cảnh giác cao sau khi Nhật Bản phái một loạt chiến đấu cơ đến không phận trên biển Hoa Đông trong những ngày qua, một nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua (25/12) cho biết.
 
Bà Hua Chunying đã đưa ra phát biểu trên tại một cuộc họp báo thường kỳ. Báo chí trước đó đưa tin, Lực lượng Phòng không Nhật Bản đã cử một loạt máy bay chiến đấu F-15 đến khu vực ở biển Hoa Đông hôm 22/12 để chặn một chiếc máy bay do thám hàng hải của Trung Quốc đang trên đường đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
 
"Theo như tôi biết, máy bay do thám hàng hải của Trung Quốc mà các bạn đề cập đến đang thực hiện những chuyến tuần tra định kỳ trên không phận ở khu vực biển Hoa Đông”, nữ phát ngôn viên Hua cho biết khi trả lời câu hỏi của một phóng viên.
 
"Phía Trung Quốc cực kỳ quan ngại và đang được đặt trong tình trạng báo động, cảnh giác cao trước việc Nhật Bản cử những chiếc máy bay chiến đấu của Lực lượng Phòng không đến khu vực”, bà Hua cho hay đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc đã gửi văn bản phản đối chính thức đến Nhật Bản về vấn đề này.
 
"Phía Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ ý định của Nhật Bản”, bà Hua khẳng định.
 
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, chuyến bay tuần tra của một chiếc máy bay thuộc Cục Hải dương học Trung Quốc là chuyến bay bình thường đến biển Hoa Đông.
 
Cả Bắc Kinh và Tokyo đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì gọi là Senkaku từ đầu những năm 1970. Chùm đảo này nằm giữa Nhật Bản và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Senkaku/Điếu Ngư là quần đảo có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Quần đảo tranh chấp cũng gần với các tuyến đường biển quan trọng.
 
Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nguyên nhân chính dẫn đến mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong nhiều thập kỷ nay. Tuy nhiên, mối quan hệ căng thẳng này bắt đầu leo thang nghiêm trọng kể từ sau khi Nhật Bản quyết định mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm trong tranh chấp từ tay người chủ sở hữu tư nhân hồi tháng 9 vừa rồi.
 
Trong vòng 3 tháng qua, tàu thuyền Trung Quốc và Nhật Bản thường xuyên “vờn” nhau ở vùng lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Mới đây, hôm 13/12, Trung Quốc lần đầu tiên đưa máy bay vào vùng tranh chấp với Nhật Bản. Động thái này đã khiến Nhật Bản phải ra lệnh cho 8 chiến đấu cơ cất cánh khẩn cấp để đối phó với máy bay Trung Quốc.
 
Sau vụ việc trên, liên tiếp trong hai ngày 22 và 24/12, Lực lượng Phòng không Nhật Bản đều phải cử một loạt chiến đấu cơ cất cánh khẩn cấp để chặn không cho máy bay Trung Quốc tiến về phía quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, họ đang phân tích mục đích của những chuyến bay của máy bay Trung Quốc đến quần đảo tranh chấp.
 
Ngoài việc đối đầu quyết liệt với tàu thuyền, máy bay Trung Quốc, Nhật Bản còn đang xúc tiến thành lập một đơn vị đặc nhiệm hải quân nhằm “bảo vệ chủ quyền” của nước này đối với quần đảo Senkaku/ĐiếuNgư. Theo Tokyo, đơn vị đặc nhiệm mới sẽ có nhiệm vụ chống lại việc Trung Quốc thường xuyên cho tàu thuyền vào xâm phạm vùng lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
 
Hàn gắn quan hệ Trung-Nhật
 
Song song với những bước đi mạnh mẽ nhằm “khẳng định chủ quyền đối với quần đảo” Senkaku/Điếu Ngư, Nhật Bản cũng tìm cách làm dịu tình hình mối quan hệ căng thẳng với nước láng giềng.
 
Tân Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc – ông Masato Kitera hôm qua đã đặt chân đến thủ đô Bắc Kinh mang theo cam kết sẽ hàn gắn mối quan hệ đang hết sức căng thẳng giữa hai cường quốc Châu Á vì cuộc tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Ngay sau khi đến thủ đô Bắc Kinh, ông Kitera – một nhà ngoại giao kỳ cựu, đã phát biểu trước báo giới rằng, nhiệm vụ đầu tiên của ông là củng cố, cải thiện mối quan hệ Trung-Nhật.
 
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Thủ tướng tương lai của Nhật Bản – ông Shinzo Abe cam kết sẽ sưởi ấm mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo mặc dù ông này khẳng định sẽ không nhượng bộ trước Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền ở biển Hoa Đông.
 
Tân Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc cho biết, ông có kế hoạch đi thăm khắp đất nước Trung Quốc và gặp gỡ người dân nước này ở mọi tầng lớp để truyền đi thông điệp về mối quan hệ Trung-Nhật. “Trước khi đến thủ đô Bắc Kinh, nhiều người đã khích lệ tôi và tôi hy vọng sẽ biến nó thành động lực, giúp tôi đạt kết quả tốt trên con đường ngoại giao”, ông Kitera nói.
 
Trong cuộc trả lời phỏng vấn NHK hôm 24/12, ông Kitera cho hay, ông sẽ giải thích với các quan chức cấp cao Trung Quốc về việc “chúng ta cần phải làm cho mối quan hệ kinh tế ấm lên nếu như mối quan hệ chính trị đang bị giá lạnh bởi các hoạt động của công ty Nhật Bản ở Trung Quốc đóng góp cho nền kinh tế nước chủ nhà”.
 
Tại cuộc họp báo định kỳ ngày hôm qua, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - bà Hua đã nói, Trung Quốc quan tâm đến một số phát biểu của ông Kitera về mối quan hệ Trung-Nhật. “Chúng tôi hy vọng, tân Đại sứ Nhật Bản có thể thiết lập mối quan hệ gắn bó, chặt chẽ với mọi khu vực ở Trung Quốc, tăng cường sự hiểu biết của ông với Trung Quốc và nỗ lực tích cực để cải thiện, phát triển mối quan hệ song phương”, bà Hua cho biết.
 
Ông Wang Pin – một nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Học Viên Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định, ông Kitera hiểu rất rõ về văn hóa Nhật Bản cũng như Trung Quốc và là một người có kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề ngoại giao, thương mại. Điều đó có thể giúp ông ấy khôi phục lại mối quan hệ song phương Trung-Nhật.
 
Tuy nhiên, ông Wang nhấn mạnh, mọi người cũng không nên kỳ vọng quá nhiều vào vai trò của mọt đại sứ bởi sau tất cả, chính sách đối ngoại vẫn là do chính quyền mới của Nhật Bản quyết định.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc