Đội quân trung thành với ông Assad sắp bị diệt?

07:13, 18/12/2012
|

(VnMedia) - Gần đây, nhiều người đã nói đến một cái kết buồn cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Có vẻ như ông Assad đang bị bao vây dồn dập từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Ở trong nước, quân đội trung thành với chính quyền Tổng thống Assad liên tiếp vấp phải thất bại. Phe nổi dậy mỗi lúc một tiến sát hơn đến thành trì chính của chính phủ. Bên ngoài, phe nổi dậy được tiếp thêm sức mạnh bằng sự công nhận chính thức của một loạt nước, trong đó có Mỹ. Trong khi đó, đồng minh mạnh nhất của Syria – Nga được cho là có dấu hiệu quay lưng lại với ông Assad. 
 
Số phận ông Assad sắp được định đoạt?
 
Trong mấy tuần trở lại đây, nhiều người đã bắt đầu nói viễn cảnh chính quyền của Tổng thống Assad sụp đổ. Hồi tuần trước, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Nước ngoài (BND) của Đức - ông Gerhard Schindler đã đưa ra nhận định, chính quyền của ông Assad “đang ở trong giai đoạn cuối và sẽ không thể sống sót”.
 
Mới đây nhất, ngày hôm qua (16/12), Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng cho rằng, Tổng thống Assad sẽ sớm bị lật đổ và liên minh đối lập mới sẽ được ủng hộ để lên cầm quyền ở đất nước Syria.
 
Liệu có đúng là chính quyền của ông Assad sắp đến ngày tàn? Nhìn vào thực tế hiện nay ở Syria, rõ ràng, chính quyền của Tổng thống Assad đang gặp khó khăn chồng chất và đang bị bao vây cả bên trong lẫn bên ngoài.
 
Suốt nhiều tuần qua, phe nổi dậy liên tiếp đánh bại quân đội trung thành với ông Assad ở nhiều mặt trận. Ngày càng có nhiều phần lãnh thổ ở Syria rơi vào tay phe nổi dậy. Phải thừa nhận, phe nổi dậy hiện giờ đã trở thành một lực lượng mạnh hơn. Các phe nhóm trong phe nổi dậy được tổ chức tốt hơn và phối hợp với nhau nhịp nhàng hơn. Độ chuyên nghiệp trong chiến đấu và cả vấn đề trang bị vũ khí đều đã tốt hơn trước rất nhiều. Vì thế, lực lượng này đang chiến đấu hiệu quả hơn với quân chính phủ.
 
Sự lớn mạnh của phe nổi dậy được thể hiện rõ nét qua các kết quả trên chiến trường. Chỉ trong vòng một tuần qua, phe nổi dậy Syria đã đánh chiếm được hai căn cứ quân sự lớn và quan trọng của quân đội. Hôm 12/12, các chiến binh nổi dậy đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn căn cứ quân sự Sheik Suleiman.
 
Nhờ chiếm được Sheik Suleiman, phe nổi dậy đã mở rộng hơn con đường từ phía nam tiến vào thủ đô Damascus – thành trì chính của Tổng thống Assad. Mới đây, phe nổi dậy lại tiếp tục giành được căn cứ Hanano Barracks. Căn cứ ở thành phố Aleppo thực chất là một tổ hợp quân sự bao gồm một căn cứ, một trung tâm tuyển quân và một trường học quân sự. Đây là những diễn biến mới nhất trong một chuỗi chiến thắng liên tiếp mà phe nổi dậy Syria giành được trong vài tuần trở lại đây.
 
Trên đà chiến thắng, phe nổi dậy đã tiến gần sát hơn đến thành trì chính của Tổng thống Assad ở thủ đô Damascus. Nhiều cuộc giao tranh dữ dội và ác liệt đã nổ ra ở đây. Các nhà phân tích tin rằng, chưa có lúc nào, thành trì quyền lực của ông Assad lại bị đe doạ nhiều như thế này trong cuộc nội chiến kéo dài 21 tháng qua ở Syria.
 
Không chỉ thất bại trên chiến trường, chính quyền Syria còn đang gặp bất lợi trên mặt trận ngoại giao khi ngày càng có nhiều nước chính thức công nhận liên minh mới thành lập của phe nổi dậy là đại diện hợp pháp duy nhất cho nhân dân Syria. Đáng chú ý là Mỹ, sau một thời gian dài chần chừ, hôm 12/12 vừa rồi, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã chính thức công nhận lực lượng đối lập chính của Syria là “đại diện hợp pháp” duy nhất của nhân dân Syria.
 
Chưa hết, Nga – đồng minh lớn của chính quyền Syria, còn được cho là đang có dấu hiệu quay lưng lại với ông Assad. Hôm 13/12, một quan chức cấp cao Nga lần đầu tiên lên tiếng thừa nhận, chính quyền Syria đang mất dần sự kiểm soát đối với nhiều khu vực lãnh thổ. “Một chiến thắng cho phe nổi dậy Syria không thể bị loại trừ”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga – ông Mikhail Bogdanov đã nói như vậy.
 
Với những diễn biến như trên, không phải vô cớ mà người ta nói đến sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad. Liệu có phải thời khắc của ông Assad đã điểm?
 
Chính quyền của ông Assad chưa đến bờ vực của sự sụp đổ
 
Bất chấp những thắng lợi liên tiếp của phe nổi dậy và bất chấp những dự đoán của phương Tây về sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad, chính quyền này được cho là vẫn đứng vững.
 
Các nhà phân tích tin rằng, việc ngày càng có nhiều quan chức phương Tây, trong đó có cả quan chức ngoại giao Nga, nói về sự kết thúc của chính quyền Syria chỉ phản ánh thực tế là phe nổi dậy đang tiến sát đến thành trì của ông Assad và quyền lực của ông này đang bị đe doạ. Tuy nhiên, hiện tại, chính quyền Syria vẫn chưa đến bờ vực của sự sụp đổ. Có nhiều lý do để Tổng thống Assad khó bị đánh đổ vào thời điểm hiện tại.
 
Ông Assad vẫn có trong tay hàng ngàn quân trung thành và đang độc quyền kiểm soát Lực lượng Không quân. Quân đội Syria được đánh giá vẫn là một lực lượng mạnh. Bất chấp thương vong và làn sóng đào ngũ liên tiếp trong thời gian qua, quân đội trung thành với Tổng thống Assad vẫn là một lực lượng hùng hậu với 200.000 quân và có đủ khả năng cũng như sức mạnh để bảo vệ phần lớn lãnh thổ.
 
Phe nổi dậy đã mạnh lên, đang tiến quân một cách táo bạo hơn nhưng quân đội vẫn duy trì được sự đoàn kết và đang bảo vệ thành công các thành phố lớn của đất nước.
 
Ngoài ra, Tổng thống Assad vẫn thừa khả năng đối đầu với phe nổi dậy khi lực lượng này không có sự trợ giúp đầy đủ của phương Tây. Dù các cường quốc phương Tây đều đã công nhận liên minh đối lập mới thành lập của phe nổi dậy là đại diện hợp pháp của nhân dân Syria nhưng họ không mặn mà với việc tăng cường hậu thuẫn cho lực lượng này để làm chuyển hướng cuộc chiến tranh.
 
Chính quyền của ông Assad sẽ khó tồn tại nếu phương Tây can thiệp vào Syria như ở Libya trước đây. Tuy nhiên, điều đó khó xảy ra khi mà sức mạnh của các phần tử cực đoan Hồi giáo trong phe nổi dậy Syria ngày càng tăng lên. Phương Tây không muốn cung cấp những vũ khí hiện đại cho lực lượng cực đoan bởi họ sợ, những vũ khí này có thể được dùng để chống lại chính họ. Phương Tây cũng e sợ, chính quyền thay thế ông Assad là một chính quyền của lực lượng Hồi giáo cực đoan.
 
Vì thế, ngoài những lời “đao to búa lớn”, phương Tây sẽ không có mấy hành động thực tế để giúp đỡ phe nổi dậy Syria lật đổ chính quyền của ông Assad.
 
Về phía Nga, Moscow có thể không còn nhiều tin tưởng vào Tổng thống Assad nhưng sẽ không bỏ rơi ông này. Điều đó được thể hiện qua việc, ngay sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói về khả năng thất bại của ông Assad, giới chức ở Moscow khẳng định, Nga sẽ không thay đổi lập trường về vấn đề Syria. Như vậy, việc các quan chức phương Tây nói về cái kết cho chính quyền Tổng thống Assad có thể là còn quá sớm. Cuộc nội chiến ở đất nước Syria được dự báo là sẽ tiếp tục kéo dài dai dẳng trong thế bế tắc.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc