(VnMedia) - Trung Quốc cho biết, lực lượng không quân nước này vừa hoàn thành một trong những cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh với Nhật Bản và các nước láng giềng phía nam đang căng thẳng vì một loạt tranh chấp lãnh thổ.
Báo chí nhà nước Trung Quốc hôm nay (7/12) đưa tin, các cuộc diễn tập chiến đấu trên không của họ đã diễn ra trong vòng 11 ngày hồi tháng trước ở tỉnh tây bắc Tân Cương. Cuộc tập trận quy mô lớn này có sự tham gia của 100 phi công. Những máy bay tham gia diễn tập gồm các chiến đấu cơ hiện đại nhất của Trung Quốc như J-10 và J-11, tờ People’s Daily cho hay.
Trong khi cuộc tập trận này đang diễn ra, Hải quân Trung Quốc cũng lần đầu tiên cho máy bay chiến đấu thực hiện cú cất cánh và hạ cánh đầu tiên xuống tàu sân bay đầu tiên của nước này.
Không rõ cuộc tập trận không quân trên có liên quan gì đến các tranh chấp lãnh thổ hiện này của các nước trong khu vực hay không nhưng Trung Quốc gần đây đang khiến nhiều nước bất bình vì những hành động khiêu khích của họ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Kể từ hồi tháng 4 đầu năm nay đến giờ, thế giới liên tục phải chứng kiến những cuộc đối đầu của Trung Quốc với một loạt nước láng giềng. Mở đầu là cuộc tranh chấp nóng bỏng giữa Trung Quốc và Philippines xung quanh bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Cuộc khủng hoảng này được châm ngòi từ sự kiện hôm 10/4 khi tàu chiến lớn nhất của Philippine thuộc lớp Hamilton có vụ va chạm với hai tàu hải giám Trung Quốc ở khu vực tranh chấp bãi cạn Scarborough.
Sau sự kiện trên, Trung Quốc và Philippines đã có cuộc đối đầu cực kỳ căng thẳng kéo dài gần 2 tháng với rất nhiều diễn biến quân sự đáng lo ngại diễn ra như các hoạt động tập trận, triển khai tàu chiến, mua sắm vũ khí....
Sau cuộc đối đầu với Philippines, Trung Quốc tiếp tục gây căng thẳng với Việt Nam bằng một loạt hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Hôm 23/6, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc đã ngang nhiên thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Tiếp đó, cũng trong tháng 6, Trung Quốc trắng trợn tuyên bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý hơn 200 đảo nhỏ, bãi cát và bãi đá ngầm ở 3 quần đảo lớn ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Ngoài các vụ đối đầu trên, Trung Quốc hồi tháng 8 còn rơi vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng với Nhật Bản vì cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật Bản gọi là Senkuka.
Trong mấy tuần gần đây, Trung Quốc lại làm Biển Đông “nổi sóng dữ” bằng một loạt động thái gây bất bình như sử dụng hộ chiếu in hình chín đoạn (đường lưỡi bò), đưa ra bản đồ “thành phố Tam Sa” hay đưa ra luật cho phép cảnh sát chặn và kiểm tra các tàu của nước khác ở Biển Đông và thậm chí là còn cắt cáp tàu Việt Nam đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần Vịnh Bắc Bộ.
Kiệt Linh -
(theo AP)
Ý kiến bạn đọc