Bóng đen phủ châu Á vì tranh chấp biển đảo

20:04, 30/12/2012
|

(VnMedia) - Những cuộc tranh chấp biển đảo nóng bỏng đang trở thành nguyên nhân gây đối đầu căng thẳng giữa các cường quốc kinh tế và quân sự hàng đầu khu vực Châu Á và đang phủ bóng đen xuống khu vực vốn được mệnh danh là đầu tàu kinh tế của thế giới.
 
Trong thời gian qua, thế giới chứng kiến 3 cường quốc lớn nhất khu vực Đông Bắc Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tranh chấp biển đảo quyết liệt với nhau. Do bên nào cũng giữ lập trường cứng rắn, quyết không lùi bước nên khu vực Đông Bắc Á nhiều lúc rơi vào tình trạng báo động nghiêm trọng, suýt rơi vào viễn cảnh xảy ra xung đột quân sự.
 
Trung-Nhật bên bờ vực đụng độ quân sự
 
Có lẽ, cuộc tranh chấp lãnh thổ nghẹt thở nhất, căng thẳng nhất và chứa đựng nhiều nguy cơ nhất là cuộc tranh chấp nảy lửa giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì gọi là Senkaku. Chùm đảo này nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan. Senkaku/Điếu Ngư là quần đảo có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Quần đảo này cũng gần với các tuyến đường biển quan trọng.
 
Mặc dù tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã có từ nhiều thế kỷ nay và là nguyên nhân khiến cho mối quan hệ giữa hai nước nhiều lần rơi vào căng thẳng. Nhưng cuộc đối đầu mới nhất giữa Trung Quốc và Nhật Bản được châm ngòi từ sự kiện một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc hôm 15/8 đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cắm cờ nhằm mục đích “khẳng định chủ quyền của Trung Quốc” đối với vùng lãnh thổ này. Sự kiện này là khởi nguồn cho một loạt diễn biến căng thẳng sau đó mà đỉnh điểm chính là việc Nhật Bản quyết mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9.
 
Động thái đầy thách thức trên của Tokyo đã khiến Bắc Kinh “sôi sùng sục”. Giới quan chức nước này liên tiếp đưa ra những lời đe doạ, cảnh báo Nhật Bản về những hậu quả khôn lường của việc đối đầu với Trung Quốc. Không chỉ hăm dọa bằng lời nói, Trung Quốc liên tiếp đưa tàu thuyền cả dân sự lẫn quân sự ra uy hiếp, thị uy đối phương. Đáp lại, Nhật Bản cũng có những động thái cứng rắn không kém. Đây là nguyên nhân khiến tàu thuyền Trung Quốc và Nhật Bản thường xuyên gầm ghè với nhau ở vùng biển tranh chấp. Đã có những thời điểm tàu thuyền Trung Quốc và Nhật Bản va chạm với nhau mặc dù rất may là nó không biến thành các cuộc đụng độ quân sự.
 
Người ta cứ ngỡ, cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á chỉ leo thang nghiêm trọng như vậy trước thời điểm diễn ra những cuộc bầu cử quan trọng ở hai nước này. Tuy nhiên, nhận định này đã không đúng, bởi sau khi các cuộc bầu cử kết thúc với những gương mặt lãnh đạo mới ở từng nước, cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản vẫn không hề dịu đi mà có phần leo thang đáng lo ngại hơn.
 
Hồi giữa tháng này, Trung Quốc đã lần đầu tiên đưa máy bay do thám ra quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Sự kiện này đã khiến Nhật Bản phải ra lệnh cho 8 chiến đấu cơ của họ cất cánh khẩn cấp để chặn máy bay Trung Quốc. Như vậy, cuộc đối đầu trên biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã leo thang cả trên bầu trời. Trong thời gian vỏn vẹn vài tuần qua, máy bay Trung Quốc và chiến đấu cơ Nhật Bản đã 3 lần đối đầu nguy hiểm với nhau.
 
Cách đây vài ngày, Trung Quốc tuyên bố, quân đội nước này đang được đặt trong tình trạng báo động cao trước chiến đấu cơ Nhật Bản và họ “không e ngại bất kỳ rắc rối nào” liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Diễn biến này khiến nhiều người lo ngại viễn cảnh một cuộc đụng độ quân sự giữa Trung Quốc và Nhật Bản không còn xa nếu hai bên không kiềm chế.
 
Căng thẳng Hàn Quốc-Nhật Bản
 
Đông Bắc Á không chỉ “sôi sục” vì tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản mà còn căng thẳng vì một cuộc tranh chấp khác giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.
 
Nhật Bản và Hàn Quốc trong mấy tháng nay cũng đối đầu với nhau vì tranh chấp quanh quần đảo Dokdo/Takeshima. Quần đảo mà Hàn Quốc gọi là Dokdo còn Nhật Bản gọi là Takeshima này nằm trên Biển Nhật Bản.
 
Cuộc tranh chấp biển đảo giữa Nhật Bản và Hàn Quốc được châm ngòi từ sự kiện Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak hồi tháng 8 bất ngờ có chuyến thăm tới quần đảo Dokdo/Takeshima. Ông Lee Myung-bak là Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên làm như vậy. Không chỉ dừng lại ở chuyến thăm đảo tranh chấp, Tổng thống Lee Myung-bak còn đòi Nhật hoàng phải xin lỗi về cuộc xâm lược thời Chiến tranh Thế giới thứ II trước khi ông này được phép đến thăm lại Hàn Quốc.
 
Hai động thái trên của ông Lee được Tokyo coi là hành động khiên khích, làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước sau một thời gian Nhật-Hàn được hưởng mối quan hệ ấm áp.
 
Cuộc tranh chấp biển đảo giữa Tokyo và Seoul cũng chứng kiến những hành động phô diễn sức mạnh như các cuộc tập trận, các hoạt động mua sắm vũ khí.
 
Một nhà phân tích từng nhận định: “Những cuộc tranh chấp biển đảo đó có thể gây bất ổn trong khu vực và kích động một cuộc chạy đua vũ trang”. Tuy nhiên, đó chỉ là nhận định về viễn cảnh xấu nhất. Hầu hết các nhà phân tích tin rằng, mặc dù các cuộc tranh chấp biển đảo giữa 3 cường quốc hàng đầu Châu Á đang “sôi sùng sục” nhưng giới lãnh đạo ở cả 3 nước này sẽ không để cho tình hình biến thành các cuộc xung đột bởi điều đó sẽ gây ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế của đất nước họ.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc