(VnMedia) - Các quan chức cấp cao Mỹ và Philippines vừa có các cuộc gặp gỡ nhằm bàn bạc về việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở quốc gia Đông Nam Á. Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh đang tiếp tục leo thang vì những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Thứ trưởng Ngoại giao Philippines phụ trách các vấn đề Mỹ - ông Carlos Sorreta cho các phóng viên biết, cuộc gặp giữa quan chức cấp cao Mỹ, Philippines ở thủ đô Manila trong hai ngày thứ Ba (11/12) và thứ Tư (12/12) tập trung đặc biệt vào các vấn đề quốc phòng và khu vực.
“Ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự là bàn về việc tăng cường sự hiện diện của các lực lượng Mỹ ở Philippines trên cơ sở luân phiên”, ông Sorreta hôm 10/12 cho biết. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ tăng cường đưa quân và tàu chiến vào Philippines cho các mục đích huấn luyện và tập trận. Đây là cách để Mỹ và Philippines né lệnh cấm được đưa ra trong hiến pháp của Philippines. Hiến pháp Philippines không cho phép triển khai các căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Philippines.
Thứ trưởng Ngoại giao Sorreta cho hay, cuộc họp giữa Thứ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ, Philippines không liên quan gì đến các tranh chấp lãnh thổ giữa Manila và Bắc Kinh ở Biển Đông hiện nay. Tuy nhiên, theo ông này, “vì các quan chức có trách nhiệm bảo vệ người dân và an ninh của đất nước nên rất khó để không bàn về Biển Tây Philippines” – một cụm từ mà Manila dùng để nói về Biển Đông.
Các quan chức Mỹ và Philippines đã thảo luận, bàn bạc về việc tăng cường các chuyến thăm của binh lính, tàu chiến và máy bay Mỹ đến Philippines. Song song với đó, Mỹ cũng tăng cường viện trợ quân sự cho quân đội vốn được trang bị khá nghèo nàn của Philippines, Thứ trưởng Sorreta tiết lộ.
Các cuộc thảo luận cũng xem xét khả năng Mỹ tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện cho binh lính Philippines đồng thời củng cố sự giúp đỡ trong công tác cứu trợ thảm họa và nhân đạo.
Hiện tại, một Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ gồm 600 binh lính đang đóng quân ở phía nam Philippines trên cơ sở luân phiên từ năm 2002 đến giờ nhằm giúp đào tạo các binh lính địa phương cách chiến đấu chống lại lực lượng chiến binh Hồi giáo.
Trong những năm gần đây, Philippines đang tìm cách thắt chặt mối quan hệ hợp tác với đồng minh lớn là Mỹ nhằm đối phó với một Trung Quốc ngày càng hiếu chiến trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với các nước láng giềng.
Hồi tháng 10, một quan chức Philippines từng tiết lộ, nước này có thể sẽ cho phép Mỹ dùng lại căn cứ hải quân cũ nằm đối diện với Biển Đông. Căn cứ này sẽ đóng một vai trò then chốt cho các tàu chiến Mỹ khi Washington xúc tiến kế hoạch tăng cường sự hiện diện ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Cuộc tranh chấp nóng bỏng giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông được châm ngòi từ sự kiện hôm 10/4 khi tàu chiến lớn nhất của Philippine thuộc lớp Hamilton có vụ va chạm với hai tàu hải giám Trung Quốc ở khu vực tranh chấp bãi cạn Scarborough.
Sau sự kiện trên, Trung Quốc và Philippines đã có cuộc đối đầu cực kỳ căng thẳng kéo dài gần 2 tháng với rất nhiều diễn biến quân sự đáng lo ngại diễn ra như các hoạt động tập trận, triển khai tàu chiến, mua sắm vũ khí....
Dù Philippines thua xa Trung Quốc về sức mạnh quân sự nhưng nước này luôn tỏ thái độ kiên quyết và đầy thách thức trước nước láng giềng khổng lồ của mình. Trong khi liên tục bày tỏ mong muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp ở bãi cạn Scarborough, Manila cũng kiên quyết không “bỏ qua” cho bất kỳ hành động nào mà họ coi là “hiếu chiến” hay là “vi phạm chủ quyền” nào của đối phương.
Việc Philippines đẩy mạnh quan hệ hợp tác quân sự với Mỹ trong thời gian qua chính là một minh chứng rõ ràng về sự thách thức của nước này đối với cường quốc láng giềng Trung Quốc. Sự hậu thuẫn của Mỹ - cường quốc quân sự số 1 thế giới, là một trong những “vũ khí” giúp Philippines trở nên tự tin hơn khi đối đầu với Trung Quốc.
Trung Quốc và Philippines đang tranh chấp chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough (còn được Manila gọi là bãi cạn Panatag hay đảo Hoàng Nham theo cách gọi của Bắc Kinh). Bãi cạn này nằm cách đảo Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc