(VnMedia) - Trước việc Trung Quốc có thêm hành động gây hấn ở Biển Đông, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ - Đô đốc D.K. Joshi hôm nay (3/12) đã tuyên bố một cách đầy quả quyết rằng, nước này sẽ bảo vệ sự tự do hàng hải đồng thời sẵn sàng can thiệp vào Biển Đông để bảo vệ các quyền lợi kinh tế của họ ở vùng biển này.
Phát biểu với các phóng viên tại thủ đô New Delhi, Đô đốc D K Joshi cho biết: “Bất kỳ nơi đâu có quyền lợi của chúng tôi ở đó, chúng tôi sẽ can thiệp vào để bảo vệ các quyền lợi của mình”.
Theo lời Đô đốc D K Joshi, Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ - onGC Videsh có 4 lô dầu đang khai thác ngoài khơi Việt Nam. “Nếu cần, chúng tôi sẽ can thiệp để bảo vệ các lô dầu đó”. Ông Joshi tuyên bố chắc nịch rằng, nhiệm vụ của Hải quân Ấn Độ là phải bảo vệ các tài sản thuộc Ấn Độ. Ấn Độ có hai mối quan tâm cơ bản – đó là “tự do hàng hải và bảo vệ các tài sản của quốc gia”.
"Biển Đông là một vấn đề phức tạp. Chúng tôi không phải là một bên có liên quan trực tiếp. Chúng tôi không có quyền lợi lãnh thổ ở đây. Tuy nhiên, mối quan ngại chính của chúng tôi là tự do hàng hải. Ngoài ra, onGC cũng có các lô dầu ở Biển Đông. Hải quân Ấn Độ ở đây để bảo vệ cho các lợi ích hàng hải của đất nước”, ông Joshi nhấn mạnh.
Theo ông Joshi, Bộ Chỉ huy Hải quân Phía Đông – cơ quan chịu trách nhiệm quản lý khu vực biển phía đông Ấn Độ và có thể là lực lượng đóng một vai trò then chốt khi Lực lượng Hải quân Ấn Độ được triển khai ở Biển Đông – đang được củng cố sức mạnh.
Đô đốc Joshi cho biết, ngoài 3 tàu khu trục tàng hình, Bộ Chỉ huy Hải quân Phía Đông còn có tàu ngầm hạt nhân INS Chakra và tàu tấn công đổ bộ INS Jalashva. Tàu INS Jalashva là tàu chiến lớn nhất sau tàu sân bay duy nhất của Ấn Độ - INS Viraat.
Quyết định sử dụng Hải quân ở Biển Đông của Ấn Độ được đưa ra chỉ vài ngày sau khi báo chí Trung Quốc thông báo rằng nước này sẽ cho phép lực lượng cảnh sát xông lên lục soát, bắt giữ tàu thuyền của các nước khác “đi lại bất hợp pháp” ở Biển Đông. Luật mới của Trung Quốc sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1 tới. Thông tin này được đưa ra đúng thời điểm Philippines, Việt Nam, Ấn Độ và Vùng lãnh thổ Đài Loan đang phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc đưa tấm bản đồ không được công nhận vào hộ chiếu mới của nước này. Tấm bản đồ này bao gồm những vùng lãnh thổ đang nằm trong tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước.
Việc Ấn Độ sẵn sàng can thiệp vào Biển Đông đã cho thấy một sự thay đổi lớn trong chiến lược hàng hải của Hải quân nước này. Trước đây, New Delhi liên tục khẳng định, trọng tâm khu vực của Hải quân là vùng biển rộng lớn nằm giữa Eo biển Hormuz ở vùng Vịnh và Eo biển Malacca ở phía Đông.
Kiệt Linh -
(theo NDTV, NewstrackIndia)
Ý kiến bạn đọc