Ấn Độ quyết "chiếu tướng" Trung Quốc ở Biển Đông

10:07, 19/12/2012
|

(VnMedia) - Ngày mai (20/12), khi Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh chủ trì cuộc họp với lãnh đạo của 10 nước thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-ASEAN, Trung Quốc chắc chắn sẽ phải tập trung mọi sự chú ý về cuộc họp này cũng như kết quả của nó.
 
Ấn Độ đang nỗ lực sử dụng ảnh hưởng ngày càng gia tăng của mình đối với các nước ASEAN để “chiếu tướng” những bước đi gây hấn gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông.
 
Theo thông tin từ tờ Mail Today cho biết, tại cuộc họp thượng đỉnh kéo dài một ngày ở thủ đô New Delhi, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ đưa ra một văn bản trong đó tập trung chủ yếu vào vấn đề tự do hàng hải và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các nước thành viên với Ấn Độ. Điều này có nghĩa là các nước sẽ thống nhất những biện pháp phản ứng chung đối với nạn cướp biển, hợp tác trong hoạt động tuần tra hàng hải hay cứu trợ thảm hoạ.
 
Hiện tại, nội dung chi tiết của văn bản trên chưa được công bố nhưng nó rõ ràng đã được chính thức hoá. Khu vực mà ASEAN và Ấn Độ tăng cường hợp tác sẽ là Biển Đông – vùng biển đang nóng bỏng bởi những tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.
 
Bắc Kinh chắc chắn sẽ “đứng ngồi không yên” trước việc ASEAN và Ấn Độ tăng cường mối quan hệ hợp tác. Chưa hết, Bắc Kinh sẽ còn cảm thấy bất an hơn trước chiến thắng ngoạn mục của ông Shinzo Abe trong cuộc bầu cử hồi cuối tuần vừa rồi ở Nhật Bản. Ông Abe – người được cho sẽ là Thủ tướng mới của Nhật, không chỉ có lập trường cứng rắn với Trung Quốc mà còn được xem là một nhà lãnh đạo ủng hộ Ấn Độ. Nhiệm kỳ làm Thủ tướng của ông Abe có thể sẽ giúp tăng cường mối quan hệ chiến lược giữa Tokyo và New Delhi.
 
Hội nghị thượng đỉnh ở New Delhi sẽ mở ra thời kỳ chính sách “hướng đông” mới của Ấn Độ. Chính sách này bộc lộ rõ tham vọng ngày càng lớn của Ấn Độ trong việc tìm kiếm một vai trò thống trị ở khu vực mà Bắc Kinh đang coi là thuộc vùng ảnh hưởng của họ.
 
Philippines hoan hô lập trường của Ấn Độ ở Biển Đông
 
Ấn Độ có vẻ đang ghi điểm với các nước ở Châu Á khi can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Rõ ràng, trong bối cảnh bị dồn ép ở Biển Đông, các nước nhỏ có xu hướng muốn dựa vào nước lớn để tạo thế cân bằng. Điều này được thể hiện rõ qua trường hợp của Philippines. Ngoài việc dựa vào nước đồng minh lớn là Mỹ, Manila hôm qua (18/12) đã công khai lên tiếng ca ngợi những phát biểu gần đây của Đô đốc Ấn Độ D K Joshi về vấn đề Biển Đông.
 
Hồi đầu tháng 12, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ - Đô đốc D K Joshi đã tuyên bố một cách đầy quả quyết rằng, nước này sẽ bảo vệ sự tự do hàng hải đồng thời sẵn sàng can thiệp vào Biển Đông để bảo vệ các quyền lợi kinh tế của họ ở vùng biển này.
 
Theo lời Đô đốc D K Joshi, Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ - o­nGC Videsh có 4 lô dầu đang khai thác ngoài khơi Việt Nam. “Nếu cần, chúng tôi sẽ can thiệp để bảo vệ các lô dầu đó”. Ông Joshi tuyên bố chắc nịch rằng, nhiệm vụ của Hải quân Ấn Độ là phải bảo vệ các lợi ích thuộc Ấn Độ. Ấn Độ có hai mối quan tâm cơ bản – đó là “tự do hàng hải và bảo vệ các lợi ích của quốc gia”.
 
"Biển Đông là một vấn đề phức tạp. Chúng tôi không phải là một bên có liên quan trực tiếp. Chúng tôi không có quyền lợi lãnh thổ ở đây. Tuy nhiên, mối quan ngại chính của chúng tôi là tự do hàng hải. Ngoài ra, o­nGC cũng có các lô dầu ở Biển Đông. Hải quân Ấn Độ ở đây để bảo vệ cho các lợi ích hàng hải của đất nước”, ông Joshi nhấn mạnh.
 
Hoan nghênh những phát biểu đầy hàm ý trên của ông Joshi, Phó Tổng thống Philippines - ông Jejomar Cabauatan Binay cho biết: “Ngày nay, những vấn đề đó không còn thuộc lợi ích cục bộ, địa phương. Tự do hàng hải và hoạt động thương mại hợp pháp là lợi ích chung. Tuyên bố của Đô đốc Ấn Độ cho thấy họ không thể quay lưng với vấn đề Biển Đông”.
 
Philippines là nước đang đối đầu trực tiếp với Trung Quốc vì tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Mặc dù Philippines đang tích cực khởi động hiệp ước an ninh với Mỹ nhưng theo các nhà phân tích, phản ứng của Manila trước phát biểu của Đô đốc Ấn Độ có thể là một dấu hiệu cho thấy, Châu Á có thể đang tìm kiếm một cường quốc cân bằng đáng tin cậy trong khu vực.
 
Tranh chấp ở Biển Đông được cho là một cơ hội để Ấn Độ tăng vị thế trong khu vực và cũng là cách để New Delhi bảo vệ chính mình. Một giáo sư nổi tiếng người Mỹ gốc Ấn Độ cho rằng, Ấn Độ nên phản ứng mạnh với sự hiếu chiến ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
 
"Ấn Độ cần phản ứng mạnh mẽ với việc Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông. Tôi cho rằng, Ấn Độ nên cử một đội tàu chiến đến khu vực và luôn duy trì hạm đội chính của mình trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp khẩn cấp”, ông Ved Nanda – Giáo sư chuyên về Luật Quốc tế của trường Đại học Denver danh tiếng, cho biết.
 
"Ngày nay, Trung Quốc xem Ấn Độ là một đối thủ cạnh tranh và là một kình địch ở Châu Á”, ông Nanda nhận định. Đề cập đến tranh chấp ở Biển Đông, giáo sư Nanda cho rằng: “Ấn Độ cần phải đối đầu quyết liệt với Trung Quốc”. Ông Nanda cũng ca ngợi Ấn Độ về việc “không đầu hàng” trước Trung Quốc trong vấn đề hộ chiếu.
 
Hôm 22/11, Trung Quốc đã khiến các nước trong khu vực nổi giận với thông báo về việc nước này đưa bản đồ bao gồm nhiều vùng lãnh thổ tranh chấp vào hộ chiếu phổ thông cấp cho người dân. Động thái này của Trung Quốc đã vấp phải một làn sóng phản đối mạnh mẽ của các nước trong khu vực.
 
Ấn Độ không chỉ dừng lại ở việc phản đối mà còn có động thái “ăn miếng trả miếng” quyết liệt bằng cách tiến hành cấp thị thực mới cho công dân Trung Quốc. Thị thực này được in hình bản đồ của Ấn Độ trong đó bao gồm đầy đủ những phần lãnh thổ đang  nằm trong tranh chấp giữa nước này với Trung Quốc.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc