Tổng thống Assad tiếp tục bị cấp dưới bỏ rơi

09:29, 17/11/2012
|

(VnMedia) - Một tướng Syria và hơn một chục sĩ quan khác cùng với gia đình của họ hôm qua (16/11) đã chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, hãng thông tấn quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin. Thông tin này được đưa ra sau khi một cuộc giao tranh ác liệt nổ ra ở biên giới đông nam Thổ Nhĩ Kỳ với Syria.
 
Hãng tin Anatolian cho biết, 53 người đã rời Syria chạy sang biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có một vị tướng, 12 sĩ quan và một số binh lính và người nhà của họ. Nhóm người này đã chạy vào tỉnh phía nam Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ và đã được các quan chức địa phương đưa vào trại tị nạn Apaydin.
 
Hiện tại, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể xác nhận thông tin trên. Trước đó, hôm 9/11 cũng có tin, 26 sĩ quan quân đội Syria, trong đó có 2 tướng, đã bỏ rơi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad để chạy sang tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Cho đến thời điểm này, đã có hàng chục tướng lĩnh, sĩ quan quân đội Syria rời bỏ đất nước, đến sống tại các trại tị nạn của Thổ Nhĩ Kỳ cùng với 120.000 người dân Syria khác.
 
Lo ngại trước làn sóng người tị nạn đổ vào đất nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng lớn cùng với tình trạng bất ổn ở khu vực biên giới, Ankara đã kêu gọi thiết lập một vùng đệm bên trong lãnh thổ Syria đồng thời đàm phán với NATO về khả năng triển khai một loạt khẩu đội tên lửa đất đối không Patriot ở khu vực biên giới.
 
Sự quan ngại của Ankara tuần này đã tăng lên khi lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad thực hiện một cuộc không kích vào thành phố biên giới Ras al-Ain đang nằm trong sự kiểm soát của phe nổi dậy Syria.
 
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ - ông Ahmet Davutoglu cho biết, nước này đang “tăng cường” đàm  phán với các đồng minh NATO về những bước đi nhằm củng cố an ninh ở khu vực biên giới kéo dài 900km với Syria – nước đang chìm trong cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài suốt 20 tháng qua.
 
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, việc triển khai các tên lửa Patriot là một bước đi mang tính phòng vệ nhưng nó có thể là bước đầu tiên để tiến tới thiết lập một vùng cấm bay bên trong lãnh thổ Syria nhằm hạn chế sức mạnh không quân của chính quyền Assad.
 
Hôm 14/11 mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải ra lệnh cho các máy bay chiến đấu của mình cất cánh khẩn cấp đến khu vực biên giới phía nam với Syria nhằm đáp trả một vụ không kích vào thành phố Ras al-Ain do quân của Tổng thống Assad thực hiện. Ras al-Ain là thành phố nằm sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismet Yilmaz cảnh báo, các lực lượng vũ trang nước này sẽ trả đũa bất kỳ vụ xâm phạm không phận nào của máy bay Syria.
 
Phương Tây sẽ cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy Syria?
 
Trong khi cuộc nội chiến ở Syria vẫn diễn ra căng thẳng thì các quốc gia Châu Âu đang bàn bạc về khả năng hủy bỏ lệnh cấm vấn vũ khí với Syria để cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy nước này.
 
Ngoại trưởng Anh William Hague hôm qua đã có cuộc gặp ở London với ông Mouaz al-Khatib, người đứng đầu liên minh mới được thành lập của phe nổi dậy Syria. Tuy nhiên, Anh vẫn chưa theo Pháp công nhận liên minh mới này là đại diện hợp pháp của nhân dân Syria.
 
Các quan chức từ Pháp, Mỹ, Đức, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia khác đã tham dự cuộc họp ở thủ đô London với liên minh mới của phe nổi dậy. Cuộc họp này là nhằm để quyết định xem các nước trên làm thế nào để giúp đỡ phe nổi dậy Syria hiệu quả hơn và để nhấn mạnh với các chiến binh nổi dậy về tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền.
 
"Chúng tôi không thể đứng yên, chúng tôi không thể để cho mọi thứ tiếp diễn như hiện nay ở Syria bởi vì tình hình đang ngày một nghiêm trọng. Chúng ta cần phải cân nhắc, suy nghĩ thật kỹ về cách thức giải quyết tình hình này”, Ngoại trưởng Hague phát biểu.
 
Mặc dù Anh nhấn mạnh, đến giờ họ vẫn chưa cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy Syria nhưng ông Hague xác nhận Hội đồng An ninh Quốc gia của Anh đang bàn bạc về khả năng dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Liên minh Châu Âu (EU) đối với Syria. Vấn đề này có thể được đưa ra thảo luận tại cuộc họp của các ngoại trưởng Châu Âu trong ngày thứ Hai tới (19/11).
 
Từ hồi tháng 5 năm ngoái, EU đã áp đặt một lệnh cấm xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự sang Syria. Hai tháng sau, liên minh gồm 27 quốc gia thành viên đã yêu cầu các thành viên của mình ngăn chặn và kiểm tra bất kỳ các chuyến hàng đường không, đường bộ, đường biển nào bị nghi ngờ là chở vũ khí đến cho Syria.
 
Pháp đã đưa ra khả năng cung cấp “vũ khí phòng vệ” cho phe nổi dậy Syria. “Chúng ta không được quân sự hóa cuộc xung đột nhưng rõ ràng là không thể chấp nhận được tình trạng những vùng được giải phóng bị đánh bom bởi chính quyền của ông Assad”, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết.
 
Nga – nước ủng hộ chính quyền của Tổng thống Assad, đã lên tiếng cảnh báo, việc cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy Syria sẽ vi phạm luật quốc tế. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, việc phương Tây tăng cường tìm cách lật đổ Tổng thống Assad có thể đẩy đất nước Syria chìm sâu vào tình hình bạo loạn.

Phe nổi dậy đã nhiều lần cầu cứu phương Tây cung cấp vũ khí hạng nặng cho họ để họ có thể đối phó được với sức mạnh ưu việt hơn của quân ông Assad, đặc biệt là vũ khí phòng không. Tuy nhiên, lời cầu cứu của họ đã không được đáp ứng.

Cuộc nội chiến kéo dài 19 tháng qua ở Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 30.000 người.


Kiệt Linh - (theo Reuters, AP)

Ý kiến bạn đọc