Tàu Trung Quốc lại áp sát vùng tranh chấp với Nhật

09:43, 02/11/2012
|

(VnMedia) - 4 tàu hải giám Trung Quốc sáng qua (1/11) lại tiếp tục đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải ngay bên ngoài vùng biển ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, các quan chức thuộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết.
 
Theo lực lượng này, các tàu của Trung Quốc bị phát hiện đi vào khu vực ngoài khơi Kubajima, một trong 5 đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trong khoảng thời gian từ 8h15 đến 8h40 sáng. Đây là ngày thứ 13 liên tiếp, tàu thuyền của chính phủ Trung Quốc bị phát hiện lượn lờ quanh khu vực tranh chấp.
 
Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã phát cảnh báo qua sóng radio yêu cầu 4 tàu của Trung Quốc không được tiến lại gần vùng lãnh hải của họ.
 
4 tàu hải giám của Trung Quốc lượn lờ gần vùng tranh chấp gồm tàu Haijian Số 15, 26, 27 và 50. Tất cả những con tàu này đều thuộc quyền quản lý của Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc, Đơn vị Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản số 11 ở Naha cho biết.
 
Đáp trả lại cảnh báo từ tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản, tàu Haijian 27 đã nói qua radio rằng, họ đang thực hiện quyền đi lại hợp pháp trong vùng lãnh hải của Trung Quốc.
 
Trung Quốc gần đây đang đẩy mạnh các hoạt động tuần tra gần quần đảo đang tranh chấp với Nhật Bản. Hoạt động này đã dẫn đến một cuộc đối đầu trên biển hồi tuần này giữa hai nước nhưng rất may, không bên nào sử dụng đến vũ lực. Trước đó, hôm 30/10, các tàu của Trung Quốc được cho là đã xua đuổi một loạt tàu thuyền của Nhật Bản ra khỏi vùng lãnh hải gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
 
Theo tờ Tân Hoa xã cho biết, 4 tàu hải giám của họ đã chặn một số tàu thuyền của Nhật Bản ở vùng lãnh hải tranh chấp. Đây cũng chính là 4 con tàu đi vào gần khu vực biển tranh chấp với Nhật Bản sáng ngày hôm qua.
 
Đề cập đến cuộc tranh chấp nóng bỏng ở biển Hoa Đông, Mỹ ngày hôm qua cũng đã lên tiếng kêu gọi cả Trung Quốc và đồng minh Nhật Bản của mình hãy “lùi một bước khỏi bờ vực” trong cuộc tranh chấp lãnh thổ và hợp tác với nhau vì lợi ích chung của nền kinh tế toàn cầu.
 
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ - ông Kurt Campbell phát biểu, với việc nền kinh tế Châu Âu đang trì trệ, nền kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn hồi phục, khu vực Đông Bắc Á giờ đây chính là đầu tầu của nền kinh tế toàn cầu. “Vì thế, việc cả Trung Quốc và Nhật Bản giữ gìn những gì mà họ xây dựng được và lùi một bước khỏi bờ vực là điều vô cùng quan trọng”, ông Campbell cho biết như vậy.
 
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chỉ trích những phát biểu gần đây của một nhà cựu ngoại giao Trung Quốc cho rằng chính sách của Mỹ ở Châu Á đang làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Trung-Nhật. Ông Campbell cho biết, ông không tin đây là những phát biểu phản ánh quan điểm của Bắc Kinh.
 
Nhật: Mỹ không thể trung lập trong vấn đề Senkaku/Điếu Ngư
 
Liên quan đến quan điểm của Mỹ trong cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, tân Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ - ông Kenichiro Sasae hồi tuần trước từng phát biểu, chính phủ Mỹ sẽ không thể đứng trung lập trong vấn đề Senkaku/Điếu Ngư mặc dù Washington luôn miệng khẳng định không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp này.
 
"Chính phủ Mỹ đã tuyên bố rõ, quần đảo Senkaku nằm trong Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật. Vì thế, lập trường của họ không thể trung lập nếu họ buộc phải đáp trả mạnh mẽ trong trường hợp xảy ra xung đột hay khiêu khích”, ông Sasae đã nói như vậy trên tờ Asahi Shimbun số ra ngày 30/10.
 
Tân Đại sứ Sasae, 61 tuổi, là Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản khi chính phủ quyết định quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9. Ông này sẽ tới Washington tiếp nhận cương vị mới vào giữa tháng 11.
 
Ông Sasae cũng cho biết, chính phủ Nhật Bản đã không nhận được bất kỳ sự phản đối nào khi thông báo cho Mỹ về việc họ đang chuẩn bị mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ những người chủ sở hữu tư nhân.
 
"Mỹ không phản đối động thái đó. Mỹ giữ lập trường, đây là vấn đề do Nhật Bản quyết định”, tân Đại sứ Sasae nói. Ông này cũng bảo vệ quyết định mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của Nhật Bản, coi đó là quyết định “tốt nhất” để quản lý quần đảo “theo một cách thức hòa bình và ổn định” thay vì để chính quyền thành phố Tokyo tiếp quản nó.
 
Trước đó, hồi tháng 4, Thị trưởng thành phố Tokyo - ông Shintaro Ishihara đã thông báo kế hoạch mua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 hòn đảo nằm cách đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản, khoảng 160km, và cách Vùng lãnh thổ Đài Loan khoảng 200km. Chùm đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan này chưa có người sinh sống nhưng lại sở hữu nguồn cá dồi dào và được cho là chứa một nguồn trữ lượng dầu mỏ khổng lồ. Nó cũng nằm gần với các tuyến đường biển quan trọng.
 
Cả Nhật Bản, Trung Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, Nhật Bản gọi là Senkaku còn Đài Loan gọi là Tiaoyutai.
 
Nhật Bản đã kiểm soát những hòn đảo nhỏ chưa có người sinh sống ở biển Hoa Đông từ năm 1895 và đặt tên cho nhóm đảo nhỏ này là quần đảo Senkaku. Từ 1945-1972, Mỹ quản lý quần đảo này và sau đó trả về cho phía Nhật Bản. Hiện tại, Tokyo đang kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư nhưng Trung Quốc không chấp nhận điều đó. Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo này là nguyên nhân chính khiến quan hệ Trung - Nhật thường xuyên rơi vào căng thẳng.


Kiệt Linh - (theo Jiji Press, Daily Yomiuri, Asahi Shimbun)

Ý kiến bạn đọc