(VnMedia) - Mặc dù đang giành được chiến thắng liên tiếp trên chiến trường nhưng phe nổi dậy Syria vẫn thiếu những vũ khí hiện đại mà họ cần để đánh bật quân đội trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad ra khỏi những thành phố chính. Lực lượng nổi dậy cũng rất dễ tổn thương trước các cuộc không kích mạnh mẽ của quân chính phủ.
Trong những ngày qua, các chiến binh nổi dậy đã liên tiếp đánh chiếm được nhiều căn cứ quân sự lớn của quân đội Syria. Chiến lợi phẩm mà họ thu được là rất vũ khí hiện đại, trong đó có nhiều tên lửa đất đối không. Tuy nhiên, dường như phe nổi dậy thiếu các thiết bị cần thiết để phóng tên lửa. Điều này có nghĩa là phe nổi dậy chỉ có thể bắn được một vài tên lửa trong cùng một thời điểm.
"Các chiến binh nổi dậy đã đạt được những bước tiến lớn trên chiến trường ở những vùng nông thôn và thậm chí là ở cả thành phố chính Deir al-Zor nhưng họ không thể chiếm giữ được những nơi này lâu dài. Phe nổi dậy đã tháo dỡ được thêm một viên gạch nhưng điều đó không đủ làm chính phủ sụp đổ", nhà phân tích Michael Stephens thuộc tổ chức RUSI ở Doha nhận định.
Thành phố Deir al-Zor nằm giáp biên giới với Iraq nhưng kiểm soát thành phố này không tạo được những lợi thế như là việc chiếm giữ được khu vực gần biên giới phía bắc với Thổ Nhĩ Kỳ - nơi các chiến binh có thể ra vào một cách dễ dàng.
Người Iraq đang thâm nhập vào khu vực biên giới để chiến đấu cho cả hai phe ở Syria. Điều đó phản ánh sự chia rẽ sắc tộc sâu sắc trong cuộc xung đột ở đất nước Trung Đông này.
Đa số người Iraq là người Hồi giáo dòng Shi'ite. Những người này ủng hộ cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad bởi chính quyền này được thống trị bởi những người thuộc giáo phái Alawite – một chi nhánh con của dòng Hồi giáo Shi'ite. Trong khi đó, người Hồi giáo dòng Sunni ở Iraq thì ủng hộ cho phe nổi dậy – lực lượng đang được dẫn đầu bởi người Sunni. Người Hồi giáo dòng Sunni chiếm số đông trong đất nước Syria.
Tổng thống Assad hôm qua (23/11) đã tiếp đón Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani tại thủ đô Damascus. Nhà lãnh đạo Syria cho biết, ông đang theo đuổi tiến trình đối thoại quốc gia mặc dù lực lượng của ông đang phải “chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố”. Theo ông Assad, chủ nghĩa khủng bố đang đe dọa làm xói mòn an ninh Syria và sự ổn định trong khu vực.
Tổng thống Syria trông vẫn rất khỏe mạnh trong đoạn băng ghi lại hình ảnh ông tiếp Chủ tịch Quốc hội Iran Larijani được đài truyền hình quốc gia phát đi sau đó.
Ở Beirut, ông Larijani cho biết tại một cuộc họp báo rằng, Iran ủng hộ sự thay đổi dân chủ ở Syria nhưng sẽ không can thiệp vào tình hình nội bộ nước này. “Nhiều người muốn áp đặt chế độ dân chủ ở Syria thông qua sức mạnh của vũ khí và điều đó chỉ dẫn đến sự phá hủy”, ông Larijani cho biết.
Syria nổi giận với Thổ Nhĩ Kỳ
Trong một diễn biến liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Syria, Damascus hôm qua đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ động thái của nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đề nghị NATO triển khai tên lửa phòng không tối tân ở khu vực biên giới hai nước. Syria coi đây là hành động mang tính “khiêu khích”.
Cuộc nổi dậy chống Tổng thống Assad kéo dài 20 tháng qua đã trở nên ngày một đẫm máu và các cuộc giao tranh dữ dội thường nổ ra dọc khu vực biên giới giữa Syria với Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara nhiều lần phải ra lệnh cho máy bay chiến đấu cất cánh khẩn cấp để đáp trả những vụ tên rơi đạn lạc từ Syria rơi vào lãnh thổ của họ. Mới đây, hồi đầu tuần này, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức đề nghị NATO triển khai những khẩu đội tên lửa tối tân Patriot để giúp họ đối phó với Syria.
Phản ứng trước đề nghị trên của Ankara, một nguồn tin chính phủ Syria đã phát biểu trên đài truyền hình quốc ra rằng, Damascus sẽ bắt Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu trách nhiệm về những căng thẳng ở khu vực biên giới hai nước.
Đề nghị triển khai tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến Damascus cùng với hai nước đồng minh Nga và Iran nổi giận bởi nó có thể được xem là bước đầu tiên tiến tới việc thực hiện một lệnh cấm bay ở Syria.
Phe nổi dậy từ lâu đã nhiều lần yêu cầu các cường quốc thực hiện một lệnh cấm bay ở Syria để giúp họ giữ được quyền kiếm soát những vùng lãnh thổ mà họ đã chiếm đóng được. Lực lượng nổi dậy đã chiếm được nhiều khu vực nhưng thường phải rút đi nhanh chóng sau đó vì không thể cầm cự được trước những cuộc không kích mạnh mẽ của quân chính phủ. Đến giờ, phe nổi dậy vẫn chưa có được những vũ khí đủ mạnh để chống lại hỏa lực mạnh của quân đội trung thành với ông Assad.
Trước yêu cầu khẩn thiết của phe nổi dậy, các cường quốc phương Tây vẫn tỏ ra không mấy mặn mà bởi họ sợ bị lôi kéo vào thêm một cuộc xung đột khác.
Khi được đề nghị bình luận về những lời chỉ trích của phía Syria đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị NATO triển khai tên lửa Patriot ở biên giới nước này, Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu đã phản pháo rằng, chính Damascus mới là bên có lỗi vì đã tấn công vào nhân dân của họ bằng xe tăng và máy bay chiến đấu “mà không tuân theo bất kỳ điều luật chiến tranh nào”.
"Tình trạng đó diễn ra ngay bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ cần phải áp dụng những biện pháp riêng để bảo vệ chính mình”, ông Davutoglu nói.
"Nếu biện pháp này không cần thiết thì nó sẽ không được sử dụng. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ nguy cơ nào đối với an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả các bước sẽ được tiến hành trong khả năng của bản thân Thổ Nhĩ Kỳ và trong khuôn khổ của NATO. Không ai được hoài nghi về việc này”, Ngoại trưởng Davutoglu nói thêm.
Kiệt Linh -
(theo Reuters, AP)
Ý kiến bạn đọc