Obama mất cánh tay phải đắc lực trong nhiệm kỳ 2

07:34, 08/11/2012
|

(VnMedia) - Nữ Ngoại trưởng Hillary Clinton – một trong những thành viên nổi tiếng nhất trong nội các của Tổng thống Barack Obama, sẽ rời vị trí của mình khi nhiệm kỳ hiện nay của ông Obama kết thúc vào tháng 1 tới. Thông tin này vừa được Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định lại một lần nữa.
 
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua (7/11) cho biết, kết quả bầu cử ngày 6/11 với thắng lợi vang dội dành cho đương kim Tổng thống Obama sẽ không làm thay đổi kế hoạch rời nhiệm sở của bà Hillary.
 
“Các bạn đã nghe bà Hillary khẳng định nhiều lần rằng, bà có ý định chuyển giao công việc cho một người kế nhiệm và sẽ trở về cuộc sống đời thường để nghỉ ngơi”, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết.
 
Theo bà Nuland, báo chí truyền thông có thể đã “hiểu sai” những phát biểu gần đây của Ngoại trưởng Hillary, trong đó bà có nói là bà có thể ở lại vị trí của mình lâu hơn.
 
“Điều bà Hillary định nói là bà ấy muốn bảo đảm quá trình chuyển giao trọng trách cho người kế nhiệm diễn ra suôn sẻ. Tôi nghĩ rằng, đó vẫn là ý định của bà ấy”, phát ngôn viên Nuland nói thêm.
 
Nữ Ngoại trưởng Hillary gần đây liên tục bày tỏ ý định về việc sẽ rời nhiệm sở vào tháng 1 năm 2013 sau khi nhiệm kỳ 4 năm của bà kết thúc. Nhiều nguồn tin thậm chí còn khẳng định, bà Hillary nhất quyết ra đi mặc cho ông Obama năn nỉ bà ở lại giúp ông tiếp tục nhiệm kỳ mới. Một số người dự đoán, nữ Ngoại trưởng 65 tuổi cũng từng là Đệ nhất phu nhân Mỹ có thể sẽ tham gia tranh cử tổng thống vào năm 2016. Lời đồn đoán này đã nhanh chóng bị bà Hillary bác bỏ.
 
Thách thức trong việc tìm kiếm người thay thế Ngoại trưởng Hillary có thể là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất mà chính phủ của Tổng thống Obama phải đối mặt khi bước vào nhiệm kỳ thứ hai. Bà Hillary luôn được các quan chức nước ngoài đánh giá cao và nhận được tỉ lệ ủng hộ rất cao trong dân chúng Mỹ.
 
Ai sẽ là người thay thế Hillary?
 
Ngay sau khi bà Hillary hé lộ ý định rời nhiệm sở cách đây vài tháng, các nhà phân tích chính trị đã đua nhau dự đoán xem ai là người có khả năng thay thế được bà Hillary trên cương vị Ngoại trưởng quyền lực của nước Mỹ.
 
Những cái tên được các nhà phân tích chính trị nhắc đến nhiều nhất trong danh sách những ứng cử viên tiềm năng cho chức Ngoại trưởng Mỹ gồm Thượng nghị sĩ của Đảng Dân chủ - ông John Kerry, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp Quốc – bà Susan Rice và Cố vấn An ninh Quốc gia – ông Tom Donilon.
 
Ông Kerry - ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ năm 2004 và hiện là Chủ tịch của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đầy quyền lực, được đánh giá cao trong danh sách những ngôi sao quyền lực và ông này có thể rất háo hức với trọng trách Ngoại trưởng.
 
Là một người thỉnh thoảng gỡ rối về ngoại giao cho chính quyền Tổng thống Obama, ông Kerry có thể đem những kinh nghiệm trong vài thập kỷ của mình để giải quyết những bài toán hóc búa về chính sách ngoại giao gồm cuộc khủng hoảng Syria, tiến trình hòa bình Trung Đông và tình trạng bế tắc trong vấn đề hạt nhân Iran.
 
Tuy nhiên các chiến lược gia trong Nhà Trắng có thể sẽ không hài lòng với việc để mất chiếc ghế bang Massachusetts của ông này khi họ đang phải trông chờ vào từng ghế ở Thượng viện. Đảng Dân chủ dù nắm Thượng viện nhưng quyền kiểm soát này rất mong manh và có thể trở về trạng thái cân bằng nếu thiếu mất dù chỉ một vài ghế.
 
Bà Susan Rice, Đại sứ của chính quyền Obama tại Liên Hợp Quốc, cũng vấp phải những cản trở riêng trên đường trở thành Ngoại trưởng nước Mỹ.
 
Là một người có đầu óc cứng rắn và tham gia sâu vào nhiều vấn đề chính như Iran, bà Rice được xem là một trong những cấp dưới có năng lực nhất của ông Obama. Tuy nhiên, bà Rice chắc chắn cảm thấy không thoải mái khi trở thành một nhân vật được giới truyền thông để ý sau khi xảy ra vụ tấn công vào phái đoàn ngoại giao Mỹ ở Benghazi, Libya. Khi đó, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã hoài nghi về phát biểu đầu tiên của bà Rice về việc vụ tấn công đó là tự phát chứ không phải là một kế hoạch được dàn dựng từ trước.
 
Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama – ông Tom Donilon đã bắt đầu được để ý sau khi ông tiếp nhận nhiệm vụ năm 2010 mặc dù ông đã từng là nhân vật trung tâm trong công việc lập chính sách ở Nhà Trắng.
 
Ông Donilon được xem là một nhân vật nội bộ có thể đưa Bộ Ngoại giao đi theo sát đường hướng với những ưu tiên của Nhà Trắng trong nhiệm kỳ thứ hai. Tuy nhiên, ông này có thể không có được sự hấp dẫn để trở thành gương mặt ngoại giao của Mỹ đối với thế giới.
 
Mỗi ứng cử viên sáng giá trên đầu có những mặt hạn chế có thể đặt Bộ Ngoại giao ra khỏi tầm với và việc ông Obama bất ngờ lựa chọn đối thủ Hillary vào vị trí Ngoại trưởng sau cuộc bầu cử năm 2008 có thể là dấu hiệu cho thấy ông sẵn sàng tìm kiếm Ngoại trưởng mới ngoài danh sách rút gọn nói trên.
 
"Quyền lực ngôi sao là vô cùng quan trọng trong cương vị Ngoại trưởng. Rất khó để tìm kiếm một người được yêu thích, có năng lực và nổi tiếng khắp toàn cầu như bà Hillary Clinton", ông H. Andrew Schwartz, Phó Chủ tịch cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở thủ đô Washington, nhận định.
 
Theo ông Schwatz, "đó là một phần nỗ lực của Tổng thống Obama nhằm khôi phục lại hình ảnh nước Mỹ ở bên ngoài và ông ấy cảm thấy những ngôi sao có thể hoàn thành công việc đó".


Kiệt Linh - (theo Reuters, THX)

Ý kiến bạn đọc