(VnMedia) - Căng thẳng chính trị ở đất nước Thái Lan bắt đầu lắng xuống sau khi thủ lĩnh dẫn dắt các cuộc biểu tình tuyên bố từ bỏ vị trí của mình và người biểu tình giải tán chỉ sau một thời gian ngắn tụ tập. Có vẻ như quyền lực của nữ Thủ tướng Thái Lan xinh đẹp Yingluck Shinawatra không còn bị thách thức.
Cuộc biểu tình chống chính phủ mới nhất diễn ra hôm 24/11 được thực hiện bởi một nhóm tự xưng là "Pitak Siam" có nghĩa là Bảo vệ Thái Lan. Nhóm này được dẫn dắt bởi Tướng về hưu Boonlert Kaewprasit. Nhóm Bảo vệ Thái Lan cáo buộc “chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck tham nhũng, phớt lờ những lời phỉ báng nhằm vào nền quân chủ Thái Lan và là con rối của ông Thaksin”.
Ông Boonlert tuyên bố: “Tôi hứa là nhóm Bảo vệ Thái Lan sẽ thành công trong việc lật đổ chính phủ này. Nếu tôi không thể lật đổ chính phủ này, tôi sẵn sàng chết”.
Bà Yingluck coi cuộc biểu tình do ông Boonlert là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với chính quyền của bà. Nữ Thủ tướng Thái cáo buộc những người biểu tình đang tìm cách lật đổ chính phủ được người dân bầu lên một cách dân chủ. Hồi đầu tuần này, bà Yingluck đã ra lệnh huy động gần 17.000 cảnh sát và áp dụng một lệnh an ninh đặc biệt nhằm chuẩn bị sẵn sàng đối phó với cuộc biểu tình nếu nó biến thành bạo lực.
Dù ông Boonlert cam kết giữ cho cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra trong hòa bình nhưng rốt cuộc nó lại biến thành các vụ bạo lực đáng sợ. 5000 người biểu tình chống chính phủ đã đụng độ với lực lượng cảnh sát trong buổi sáng diễn ra cuộc biểu tình. Họ đã cắt hàng rào thép gai, lái xe tải đâm vào các rào chắn và lực lượng cảnh sát chống bạo động. Đáp lại, lực lượng cảnh sát đã bắn hơi cay vào người biểu tình.
Dù diễn ra trong thời gian ngắn nhưng cuộc biểu tình chống chính phủ đã khiến ít nhất 82 người bị thương. Trong số những người bị thương có 52 dân thường, trong đó có 31 đàn ông và 21 phụ nữ. Số nạn nhân còn lại là sĩ quan cảnh sát và 1 binh lính, Bộ Y tế Công cộngThái Lan cho biết.
Hiện tại, 22 người vẫn đang phải được điều trị tại một bệnh viện địa phương.
137 người biểu tình cũng đã bị bắt giữ để thẩm vấn sau khi xảy ra các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình. Những người này sau đó đã được phóng thích và không bị kết tội gì, tờ Bangkok Post dẫn lời một luật sư của Liên minh Dân chủ vì Nhân dân (PAD) – một nhóm đồng minh của Đảng Dân chủ đối lập và những người áo vàng thuộc thành phần hoàng gia, cho biết.
Trong một dấu hiệu khác chứng tỏ tình hình căng thẳng chính trị ở Thái Lan đã lắng xuống, nữ Thủ tướng Yingluck sáng qua (25/11) cho biết, chính phủ đang cân nhắc, đánh giá tình hình xem liệu có nên gỡ bỏ Luật An ninh Nội địa (ISA) hay không. Bà Yingluck tuyên bố, chính phủ sẵn sàng hủy bỏ lệnh này một khi tình hình hoàn toàn trở lại bình thường.
Theo nữ Thủ tướng Thái Lan, các cơ quan an ninh sẽ tổ chức một cuộc họp vào chiều cùng ngày để đánh giá tình hình trước khi báo cáo cho nội các. Nếu họ bảo đảm tình hình đã trở lại bình thường, chính phủ sẽ gỡ bỏ ISA.
Bà Yingluck đã quyết định áp đặt ISA trong khoảng thời gian từ ngày 22 đến 30/11 ở 3 quận nội đô trong thủ đô Bangkok gồm Dusit, Promprap và Phra Nakhon nhằm đối phó với các cuộc biểu tình của nhóm Bảo vệ Thái Lan. Luật An ninh Nội địa cho chính phủ nhiều quyền hơn trong việc bắt giữ người biểu tình, phong tỏa các con đường, áp đặt lệnh giới nghiêm, cấm công chúng tụ tập và tiến hành lục soát các tòa nhà.
Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan – ông Paradorn Pattanthabutr cho biết, ISA có thể được chính phủ gỡ bỏ trong ngày 26 hoặc 27/11.
Thủ lĩnh của cuộc biểu tình rút lui
Trước đó, người ta nghĩ rằng, quyền lực của nữ Thủ tướng Yingluck đang bị đe dọa vì sau một thời gian dài yên bình, người biểu tình Thái Lan lại trỗi dậy với những tuyên bố hùng hồn về việc lật đổ chính quyền.
Tuy nhiên, có vẻ như quyền lực của bà Yingluck tạm thời đã không còn bị thách thức sau khi Tướng về hưu Boonlert – thủ lĩnh của các cuộc biểu tình lần này, tuyên bố rút khỏi vị trí của mình và sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc tụ tập chính trị nào thêm nữa. Lý do mà ông này đưa ra là ông không muốn chứng kiến thêm bất kỳ cuộc đổ máu nào nữa.
Ông Boonlert đã thông báo quyết định trên của mình lúc khoảng 5h20 chiều 24/11. Sau thông báo này, người biểu tình đã rút hết khỏi
Cuộc biểu tình hôm 24/11 là cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất kể từ khi bà Yingluck lên cầm quyền hồi tháng 8 năm ngoái. Ban đầu nhóm biểu tình ước tính sẽ có ít nhất 50.000 người ủng hộ đến tham gia. Bản thân Tướng về hưu Boonlert thậm chí còn tuyên bố, cuộc biểu tình của họ sẽ có 1 triệu người trên khắp cả nước tham gia.
Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có khoảng chưa đầy 20.000 người biểu tình đổ ra đường.
Dù thế nào thì cuộc biểu tình hôm thứ Bảy cũng đã bộc lộ rõ mâu thuẫn chính trị sâu sắc vẫn còn đang âm ỉ trong lòng đất nước Thái Lan kể từ khi quân đội thực hiện một cuộc đảo chính không đổ máu lật đổ chính quyền của anh trai bà Yingluck – cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra năm 2006. Cuộc đảo chính này đã mở màn cho những năm đầy bất ổn sau đó trên chính trường Thái Lan.
Ý kiến bạn đọc