(VnMedia) - Thái Lan sẽ triển khai hàng nghìn sĩ quan cảnh sát và thực thi một luật an ninh đặc biệt để chuẩn bị sẵn sàng đối phó với một cuộc biểu tình chống chính phủ được cho là lớn nhất kể từ khi nữ Thủ tướng xinh đẹp Yingluck Shinawatra lên cầm quyền năm 2011. Nhiều quan chức Thái Lan lo ngại, cuộc biểu tình dự kiến diễn ra trong ngày hôm nay (24/11) có thể sẽ leo thang thành bạo lực.
Giới chức Thái Lan dự đoán, hàng chục nghìn người biểu tình sẽ đổ ra đường trong ngày hôm nay. Số người biểu tình lớn như vậy sẽ là một lời nhắc nhở đáng buồn về tình trạng chia rẽ chính trị sâu sắc ở đất nước Thái Lan bất chấp việc hai năm bình yên đã trôi qua.
Nữ Thủ tướng Yingluck hôm qua (23/11) đã cáo buộc những người biểu tình đang tìm cách lật đổ chính phủ được bầu lên một cách dân chủ của bà.
Cuộc biểu tình sắp tới được tổ chức bởi một nhóm hoàng gia tự đặt tên là "Pitak Siam" nghĩa là Bảo vệ Thái Lan. Cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất này sẽ diễn ra ở Royal Plaza, thủ đô Bangkok. Đây là một khu đất trống nằm gần Tòa nhà Quốc hội và thường được những người biểu tình sử dụng trong quá khứ.
Dù nhóm biểu tình trên là nhân tố mới trên chính trường Thái Lan nhưng nhóm này vẫn có liên quan đến những người biểu tình "áo vàng" nổi tiếng. Những người “áo vàng” từng tiến hành các cuộc biểu tình rầm rộ dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Một phong trào tương tự cũng từng lật đổ một chính phủ thân Thanksin được nhân dân bầu lên sau khi những người biểu tình chiếm đóng và đóng cửa hai sân bay ở Bangkok trong suốt một tuần năm 2008.
Cựu Thủ tướng Thaksin – anh trai của Nữ Thủ tướng đương nhiệm Yingluck hiện nay, vẫn là một nhân vật gây chia rẽ trên chính trường đất nước Thái Lan. Những người "áo vàng" và các đồng minh của họ cáo buộc ông Thaksin tham nhũng và tìm cách phá hoại nền quân chủ lập hiến. Ông Thaksin bác bỏ điều này.
Bà Yingluck coi cuộc biểu tình ngày hôm nay là một vấn đề rất nghiêm trọng. Nội các của bà hôm qua đã quyết định thực thi Luật An ninh Nội địa ở 3 quận xung quanh địa điểm biểu tình ở thủ đô Bangkok. Nữ Thủ tướng Thái Lan sau đó đã có bài phát biểu với nhân dân nhằm giải thích cho động thái trên của bà, viện dẫn đến những quan ngại về tình hình bạo lực.
Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp trên khắp cả nước, bà Yingluck cho biết, những người lãnh đạo cuộc biểu tình “đang tìm cách lật đổ một chính phủ dân chủ do nhân dân bầu lên. Có những bằng chứng cho thấy họ có thể dùng bạo lực để đạt được mục tiêu đó".
Việc thực thi Luật An ninh Nội địa sẽ cho phép các quan chức phong tỏa những con đường, áp dụng lệnh giới nghiêm và cấm sử dụng các thiết bị điện tử ở một số nơi quy định. Các biện pháp an ninh này bắt đầu có hiệu lực từ tối qua. Lực lượng cảnh sát đã phong tỏa những con đường xung quanh văn phòng của nữ Thủ tướng Yingluck, Tòa nhà Chính phủ đồng thời tăng cường an ninh tại dinh thự của các quan chức cấp cao, trong đó có Thủ tướng.
Phát ngôn viên của Cảnh sát trưởng quốc gia – Thiếu tướng Piya Uthayo hôm qua cho biết, gần 17.000 sĩ quan cảnh sát từ khắp cả nước đã được huy động về thủ đô để bảo vệ an ninh cho cuộc biểu tình.
Lãnh đạo của nhóm biểu tình mới là Tướng nghỉ hưu Boonlert Kaewprasit – người nổi tiếng nhất trên vai trò là Chủ tịch Hiệp hội đấm bốc Thái Lan. Cái tên của ông này không mấy quen thuộc trong các phong trào biểu tình chống cựu Thủ tướng Thaksin trước đây nhưng thông điệp mà ông Boonlert đưa ra chẳng khác gì với thông điệp trước đây của những người ủng hộ phe áo vàng – một lực lượng đã chìm lắng trong mấy năm gần đây sau khi bà Yingluck giành chiến thắng trong cuộc bầu cử mới nhất.
Quan ngại chứ không phải mối đe dọa
Các nhà phân tích cho biết, họ không coi cuộc biểu tình lần này là mối đe dọa trực tiếp đối với chính phủ của bà Yingluck nhưng họ sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến cuộc biểu tình.
"Bất cứ khi nào có hàng chục nghìn người biểu tình đổ ra đường, tụ tập ở trung tâm thủ đô Bangkok thì điều đó đều trở thành mối quan ngại cho sự ổn định của chính phủ", ông Thitinan Pongsudhirak, một nhà khoa học chính trị của trường Đại học Chulalongkorn ở thủ đô Bangkok, đã nhận định như vậy.
Tuy nhiên, ông Thitinan cũng nói thêm rằng: “Tôi nghĩ đó là một mối quan ngại lớn chứ chưa phải là một mối đe dọa nghiêm trọng” đối với chính phủ của bà Yingluck.
Đất nước Thái Lan đã phải liên tục đối mặt với những vòng xoáy của tình hình bất ổn chính trị kể từ năm 2006 sau khi cựu Thủ tướng Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu. Kể từ đó, phe ủng hộ ông Thaksin (áo đỏ) và phe chống ông này (áo vàng) thường xuyên mâu thuẫn, tranh cãi với nhau về việc ai có quyền điều hành đất nước.
Giai đoạn bạo lực nhất ở Thái Lan diễn ra năm 2010 khi những người "áo đỏ" Thái Lan thực hiện một cuộc biểu tình chiếm đóng khu vực trung tâm thủ đô Bangkok trong suốt 2 tháng liền nhằm yêu cầu chính phủ chống ông Thaksin từ chức. Các cuộc biểu tình này đã dẫn đến một cuộc đàn áp của quân đội khiến ít nhất 91 người thiệt mạng và hơn 1.700 người bị thương.
Cựu Thủ tướng Thaksin đã đi sống lưu vong ở nước ngoài từ năm 2008 để trốn tránh án tù 2 năm vì tội tham nhũng. Ông này vẫn có uy tín rất lớn trong tầng lớp người dân nghèo nông thôn – những người muốn ông được ân xá và trở về nước để nắm quyền. Tuy nhiên, ông Thaksin lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của tầng lớp hoàng gia, trung lưu ở thủ đô – những người luôn xem ông là một "nhà độc tài và là một mối đe dọa đối với nền quân chủ".
Được tiếp sức từ bộ máy chính trị đầy mạnh mẽ của ông Thaksin, bà Yingluck đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử hồi tháng 8 năm 2011. Ban đầu, bà bị chỉ trích vì thiếu kinh nghiệm chính trị nhưng sau đó nữ Thủ tướng đã giành được nhiều lời khen ngợi vì dẫn dắt đất nước đi qua được những giai đoạn hòa bình lâu dài nhất trong những năm gần đây.
Kiệt Linh -
(theo AP)
Ý kiến bạn đọc