(VnMedia) - Trong cuộc tranh luận trực tiếp thứ 2 ngày hôm qua (17/10), hai ứng cử viên tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục dành một phần lớn thời gian để công kích Trung Quốc. Cả ông Obama và ông Romney đều tìm cách “phô trương sức mạnh” chống Trung Quốc của họ. Báo Trung Quốc ngay lập tức đã có bài phản pháo.
Ứng cử viên của Đảng Cộng hòa – ông Mitt Romney hôm qua lại một lần nữa tái khẳng định, ông sẽ liệt Trung Quốc vào nước “thao túng tiền tệ” ngay trong ngày đầu nhậm chức nếu ông được bầu làm Tổng thống của nước Mỹ.
Trong khi đó, đương kim Tổng thống Barack Obama - ứng cử viên của Đảng Dân chủ, không bỏ qua cơ hội “khoe” thành công của mình liên quan đến Trung Quốc. Ông này cho biết, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng giá dưới thời ông cầm quyền “bởi vì chúng tôi đã thúc đẩy họ rất mạnh mẽ, đã gây sức ép thương mại chưa từng có lên Trung Quốc và điều đó đã giúp tạo công ăn việc làm cho người Mỹ”.
Ứng cử viên Romney thậm chí còn nhấn mạnh, việc các phụ tùng của Apple được sản xuất ở Trung Quốc là do tỉ giá hối đoái không công bằng. Ông này tin rằng, những việc làm trong ngành sản xuất sẽ trở lại Mỹ chừng nào sân chơi trở nên công bằng.
Ngay sau màn công kích Trung Quốc của các ứng cử viên tổng thống Mỹ diễn ra, tờ Tân Hoa xã đã có bài viết phản pháo mạnh mẽ những lập luận của hai ứng cử viên này. Theo Tân Hoa xã, mặc dù đồng Nhân dân tệ đã tăng gần 30% từ năm 2005 nhưng các chính khách Mỹ không ngừng chỉ trích, hướng mũi tấn công vào chế độ tiền tệ của Trung Quốc. Đó là bởi vì họ biết rằng, thậm chí đồng Nhân dân tệ có tăng mạnh hơn thì điều đó cũng chẳng giúp được gì nhiều trong việc phục hồi công ăn việc làm trong nước. Thay vào đó, việc đổ lỗi cho Trung Quốc sẽ giúp các nhà lãnh đạo che giấu sự bất lực của họ trong việc đưa nền kinh tế Mỹ quay trở lại con đường phát triển, tờ Tân Hoa xã bình luận.
Cũng theo hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, ứng cử viên Romney cần phải hiểu, việc các sản phẩm của Apple được sản xuất ở Trung Quốc không phải là một thứ mà Trung Quốc thấy tự hào hoặc thậm chí là đánh giá cao. Các công ty nước ngoài muốn tận dụng nhân lực Trung Quốc bởi vì người lao động chăm chỉ và giá nhân công rẻ. Điếu đó giúp đem lại lợi nhuận tối đa cho công ty trong khi Trung Quốc chỉ có lợi nhuận rất ít mà còn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề ô nhiễm lớn.
Bài báo trên Tân Hoa xã đánh giá, đương kim Tổng thống Obama có quan điểm tích cực hơn về tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà nền công nghiệp sản xuất của Mỹ đang đối mặt khi ông này thừa nhận, những công việc ở tầng lớp thấp và được trả lương thấp sẽ không bao giờ trở lại Mỹ.
Việc ông Romney cố ý “tấn công” vào Trung Quốc và vào các luật lệ thương mại không công bằng không có nghĩa là nhà tỉ phú này – một người từng đầu tư và thu lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh với Trung Quốc, không biết gốc rễ của vấn đề. Ông ta chỉ nói những điều cần phải nói như vậy để thúc đẩy chiến dịch tranh cử của bản thân, tờ Tân Hoa xã cáo buộc.
Việc Trung Quốc trở thành đề tài tranh luận chính trong các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ không phải là điều gì mới mẻ. Tuy nhiên, chưa bao giờ, chiến dịch công kích Trung Quốc lại mạnh mẽ như trong cuộc bầu cử năm nay, các nhà quan sát nhận định. Trung Quốc cảnh báo, chiến dịch công kích này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Trung-Mỹ và khiến người Mỹ có ấn tượng rằng, Trung Quốc là nước phải chịu trách nhiệm cho sự sụt giảm của nước họ.
Theo Tân Hoa xã, ứng cử viên Romney không có lý do gì để nói rằng, việc Mỹ thiếu tính cạnh tranh trong ngành sản xuất là do sân chơi không công bằng. Với tư cách là siêu cường duy nhất của thế giới, Mỹ là kiến trúc sư chính đề ra các luật lệ của thế giới trong hầu hết các trường hơp, từ thương mại đến quân sự. Mỹ có thể đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới nếu họ thấy tình hình vượt quá tầm kiểm soát và Mỹ cũng có thể ngăn chặn các công ty đang nổi lên của Trung Quốc nhân danh những quan ngại về an ninh quốc gia dựa trên những cáo buộc vô căn cứ.
Sau khi chỉ trích hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, Trung Quốc cảnh báo, giới chính khách Mỹ cần phải vẽ một bức tranh thật hơn cho các cử tri. Bức tranh này nên bao gồm sự nổi lên của Trung Quốc và nên thừa nhận, việc hợp tác với Trung Quốc sẽ giúp mở rộng những kết quả có lợi cho cả hai bên. Ngược lại, nếu Mỹ đổ lỗi, cô lập và bôi nhọ Trung Quốc thì điều đó chỉ làm phương hại đến cả hai nước, tờ Tân Hoa xã cho biết. Tờ báo này còn nhấn mạnh thêm, nền kinh tế của hai nước lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc đang phụ thuộc, ràng buộc với nhau quá nhiều đến mức không thể tách ra.
Trung Quốc cũng chỉ ra một sự thật là, trong kỳ bầu cử nào cũng vậy, các ứng cử viên tổng thống đều tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc nhưng sau đó họ lại chuyển về chính sách mềm dẻo hơn. Theo Tân Hoa xã, việc các quan chức Mỹ hạ giọng sau đó chứng tỏ họ biết hậu quả của việc làm căng với Trung Quốc.
Vì vậy, các ứng cử viên tổng thống Mỹ nên cẩn thận, đừng đi quá xa trong việc công kích Trung Quốc dù họ cảm thấy cần phải làm thế để thu hút phiếu bầu của các cử tri. Nếu đi quá xa, họ sẽ khó thực hiện được những lời cam kết đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử, tờ báo trên Tân Hoa xã đã kết luận như vậy.
Ý kiến bạn đọc