Trung Quốc tăng tiếp số tàu đến Biển Hoa Đông

06:54, 04/10/2012
|

(VnMedia) - Tokyo đã chính thức lên tiếng phản đối đối với Bắc Kinh sau khi các tàu hải giám của Trung Quốc tiếp tục tiến vào vùng lãnh hải tranh chấp trên Biển Hoa Đông, Đài truyền hình NHK của Nhật Bản hôm nay (3/10) đưa tin.

 

Vào lúc 8h30 hôm nay (giờ địa phương) tức là khoảng 6h30 sáng (giờ Việt Nam), Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Nhật Bản lại tiếp tục phát hiện thấy 4 tàu hải giám Trung Quốc đang “lởn vởn” ở vùng lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản gọi là Senkaku.

   

Đến 12h30 trưa (tức 10h30 sáng giờ VN), 3 trong số 4 tàu hải giám trên đã phớt lờ cảnh báo từ phía tàu tuần duyên của Nhật Bản và tiến vào vùng lãnh thổ tranh chấp trên.

 

Phản ứng trước hành động trên của phía Trung Quốc, Vụ trưởng Vụ châu Á của Bộ Ngoại giao Nhật Bản - ông Shinsuke Sugiyama đã có một cuộc điện đàm với một quan chức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản để bày tỏ sự phản đối.

 

Trong cuộc điện đàm, ông khẳng định: “Senkaku là lãnh thổ của Nhật Bản và việc xâm phạm trái phép lãnh hải của Nhật Bản là điều không thể chấp nhận được. Chúng tôi yêu cầu các tàu này rời khỏi lãnh hải (của Nhật Bản)”.

   

Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng 2 ngày qua, các tàu hải giám Trung Quốc tiến vào vùng lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku.

 

Hôm qua (2/10), bốn tàu hải giám của Trung Quốc cũng đã tiến hành tuần tra trên vùng biển này trong vòng khoảng 6 giờ đồng hồ. Thông tin trên đã được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hồng Lỗi xác nhận.

Trước đó, bất chấp cảnh báo của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản, tàu của chính phủ Trung Quốc đã liên tục đi vào vùng biển tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Các hoạt động này chỉ được phía Trung Quốc tạm ngưng từ hôm thứ Hai tuần trước (24/9).

Trung Quốc tuyên bố tiếp tục tuần tra Điếu Ngư/Senkaku


Trong khi đó, cũng trong hôm nay (3/10), bất chấp mọi phản ứng của Nhật Bản, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hồng Lỗi cũng lên tiếng tuyên bố, các tàu hải giám Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục tiến hành tuần tra trên vùng lãnh hải ngoài khơi quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định, đội tuần tra của họ chỉ đang tiến hành các hoạt động bảo vệ quyền lãnh thổ thông thường của mình xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.


Ông Hồng Lỗi đưa ra tuyên bố trên cũng nhằm phản pháo lại thông tin trước đó giới truyền thông đưa ra, cho rằng một số nghị sỹ cánh hữu của Nhật Bản xâm nhập vùng biển xung quanh Điếu Ngư/Senkaku.

 

Ông Hồng cho biết: “Trung Quốc cũng sẽ giám sát chặt chẽ mọi diễn tiến xung quanh vấn đề này. Tàu hải giám Trung Quốc sẽ tiếp tục tuần tra trên vùng lãnh hải ngoài khơi Điếu Ngư/Senkaku”.

   

Ông Hồng cũng cho biết: “Trung Quốc phản đối việc các nghị sỹ cánh hữu của Nhật Bản xâm nhập trái phép quần đảo. Những hành động của họ chỉ làm căng thẳng thêm vấn đề ở Điếu Ngư/Senkaku trong tình hình hiện nay”.

 

Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã rơi xuống mức tồi tề nhất thời gian qua xung quanh những tranh cãi về chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku nằm trên Biển Hoa Đông này.

 

Căng thẳng giữa hai nước đã âm ỉ nhiều thập kỷ nay nhưng bỗng bùng phát lên tới đỉnh điểm hồi tháng 8 vừa qua, sau khi Nhật Bản chính thức tuyên bố quyết định mua 3 trong số 5 hòn đảo nằm trên chuỗi đảo tranh chấp này từ một người chủ tư nhân với giá 26,1 triệu USD. Kế hoạch quốc hữu hòa quần đảo này của Nhật Bản khiến Trung Quốc phẫn nộ.

 

Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, Nhật Bản gọi là Senkaku này. Quần đảo hiện đang thuộc quyền quản lý của Nhật Bản.

 

Phía Nhật Bản khẳng định rằng, họ đã kiểm soát quần đảo này từ năm 1895, trong khi đó Trung Quốc cũng khăng khăng khẳng định nước này khai phá ra quần đảo từ năm 1783.

 

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 hòn đảo nằm cách đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản, khoảng 160km, và cách VLT Đài Loan khoảng 200km. Chùm đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan này có nguồn cá dồi dào và lòng biển trong khu vực cũng được cho lả có một nguồn trữ lượng dầu mỏ khổng lồ. Nó cũng nằm gần với các tuyến đường biển quan trọng.


Đan Khanh - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc