Trung Quốc muốn Nhật “sửa chữa lỗi lầm”

08:54, 25/10/2012
|

(VnMedia) - Một nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc hôm qua (24/10) đã kêu gọi Nhật Bản “ngừng ngay lập tức tất cả các hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và có những bước đi cụ thể nhằm sửa chữa lỗi lầm”. Ông này cũng kêu gọi Nhật Bản quay trở lại bàn đàm phán với Trung Quốc để giải quyết cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

 

"Những động thái gần đây của chính phủ Nhật Bản nhằm định hướng sai dư luận quốc tế sẽ không thể thay đổi được dữ liệu lịch sử khẳng định, Nhật Bản đã ăn cắp quần đảo Điếu Ngư của Trung Quốc”, ông Liu Zhenmin, đại diện thường trực của Trung Quốc tại Văn phòng Liên Hợp Quốc ở Geneva và Các Tổ chức Quốc tế khác ở Thụy Sỹ, đã tuyên bố như vậy.

 

Những phát biểu gay gắt trên của ông Liu được đưa ra khi ông này có bài phát biểu tại Trung tâm Chính sách An ninh Geneva (GCSP) trước một nhóm các nhà ngoại giao và quan chức quốc phòng đến từ 24 quốc gia.

 

Ông Liu tái khẳng định lại lập trường của Trung Quốc rằng, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và những hòn đảo nhỏ quanh đó là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc cả về mặt lịch sử, địa lý và pháp lý.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 hòn đảo nằm cách đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản, khoảng 160km, và cách Vùng lãnh thổ Đài Loan khoảng 200km. Chùm đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan này chưa có người sinh sống nhưng lại sở hữu nguồn cá dồi dào và được cho là chứa một nguồn trữ lượng dầu mỏ khổng lồ. Nó cũng nằm gần với các tuyến đường biển quan trọng.

Cả Nhật Bản, Trung Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, Nhật Bản gọi là Senkaku còn Đài Loan gọi là Tiaoyutai.

Nhật Bản đã kiểm soát những hòn đảo nhỏ chưa có người sinh sống ở biển Hoa Đông từ năm 1895 và đặt tên cho nhóm đảo nhỏ này là quần đảo Senkaku. Từ 1945-1972, Mỹ quản lý quần đảo này và sau đó trả về cho phía Nhật Bản. Hiện tại, Tokyo đang kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư nhưng Trung Quốc không chấp nhận điều đó. Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo này là nguyên nhân chính khiến quan hệ Trung - Nhật thường xuyên rơi vào căng thẳng.


Trong cuộc đối đầu hiện nay, cả Bắc Kinh và Tokyo đều giữ một lập trường cứng rắn, không chịu lùi bước, khiến cuộc tranh chấp giữa họ trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.
 

Nhật, Trung bí mật bàn về Senkaku/Điếu Ngư

 

Hồi cuối tuần vừa rồi, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã có cuộc gặp bí mật với những người đồng cấp Nhật Bản để bàn về cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Thông tin này đã được phía Tokyo xác nhận ngày hôm qua (24/10). Đây là một dấu hiệu cho thấy, kênh liên lạc giữa hai nước láng giềng Trung-Nhật vẫn được duy trì.

 

Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai đã có cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc do người đồng cấp Zhang Zhijun dẫn đầu ở thành phố Thượng Hải, báo chí Nhật Bản đưa tin. Theo hãng tin Kyodo, hai nước đã nhất trí “tăng cường liên lạc, tiếp xúc” với nhau.

 

"Tôi biết về thông tin trên. Đó là một phần của mối liên hệ qua lại giữa Trung Quốc và Nhật Bản dưới nhiều hình thức khác nhau và ở nhiều cấp độ khác nhau. Nó cho thấy, chúng tôi vẫn thường xuyên giữ liên lạc với nhau ở nhiều cấp", Tổng thư ký nội các Nhật Bản – ông Osamu Fujimura cho biết tại một cuộc họp báo thường kỳ ở thủ đô Tokyo .

 

Trong khi đó, ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, hai nước thường xuyên liên lạc với nhau, đặc biệt là trong vấn đề Senkaku/Điếu Ngư.

 

Cuộc gặp cấp Thứ trưởng Ngoại giao giữa hai nước vừa rồi là cuộc gặp thứ hai diễn ra trong vòng một tháng nay. Nó diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang trải qua một thời kỳ sóng gió dữ dội sau khi Nhật Bản quyết định mua lại quần đảo tranh chấp hồi tháng 9.

 

Bất chấp diễn biến khá tích cực nói trên, nhiều nguồn tin hôm qua cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto đang theo dõi một cuộc tập trận đổ bộ lên một quần đảo chưa có người sinh sống. Báo chí Nhật Bản khẳng định, cuộc tập trận này là “nhằm vào Trung Quốc”.

 

Một số nhà phân tích tin rằng, Tokyo dù đang áp dụng con đường ngoại giao nhưng sẽ không từ bỏ những bước đi chuẩn bị về mặt quân sự để “bảo vệ chủ quyền” đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.


Kiệt Linh - (theo THX, Chinadaily)

Ý kiến bạn đọc