Trung Quốc cảnh báo đáp trả mạnh mẽ Nhật Bản

07:26, 27/10/2012
|

(VnMedia) - Trong một cuộc họp báo bất thường diễn ra tối qua (26/10), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhang Zhijun tuyên bố, Trung Quốc có quyền đáp trả mạnh mẽ nếu Nhật Bản “gây ra những vụ việc” ở vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
 
"Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các hành động của Nhật Bản liên quan đến quần đảo Điếu Ngư và những vùng lãnh hải xung quanh. Những hành động mà Nhật Bản đưa ra sẽ tạo ra các biện pháp đáp trả của Trung Quốc”, ông Zhang cho biết.
 
"Nếu Nhật Bản tiếp tục đi theo con đường sai lầm, tiếp tục có thêm những hành động sai trái và gây ra những vụ việc liên quan đến quần đảo Điếu Ngư, thách thức Trung Quốc, Trung Quốc chắc chắn sẽ áp dụng những biện pháp mạnh để đáp trả điều đó”, Thứ trưởng Zhang cảnh báo. Ông này cũng tuyên bố, "Trung Quốc không thiếu những biện pháp để đáp trả Nhật Bản”.
 
"Chúng tôi tin tưởng và có khả năng duy trì chủ quyền cũng như toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Không có mối đe dọa hay áp lực nước ngoài nào có thể làm lung lay quyết tâm của chính phủ và nhân dân Trung Quốc", ông Zhang nhấn mạnh thêm.
 
Thứ trưởng Zhang khẳng định, Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền. Vì vậy, Trung Quốc sẽ đáp trả mạnh mẽ bất kỳ hành động thách thức nào nhằm vào vấn đề chủ quyền.
 
"Chúng tôi muốn sống trong tình hữu nghị với tất cả các nước, trong đó có Nhật Bản, nhưng chúng tôi phải duy trì các nguyên tắc của chúng tôi. Nếu bất kỳ ai thách thức vấn đề chủ quyền, Trung Quốc không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải đáp trả mạnh mẽ để xóa bỏ những sóng gió, cản trở và tiến từng bước vững chắc trên con đường phát triển hòa bình”, ông Zhang nói.

Quan hệ giữa hai nước láng giềng Trung Quốc và Nhật Bản đang “lao dốc không phanh” kể từ sau khi chính phủ Nhật Bản quyết định mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tay những người chủ tư nhân hồi tháng 9. Động thái này của Tokyo đã gây ra một làn sóng biểu tình chống Nhật Bản và một chiến dịch tẩy chay hàng hóa Nhật Bản lan rộng khắp Trung Quốc.
 
Cũng kể từ sau khi Nhật Bản mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc thường xuyên phái tàu tuần tra, hải giám và thậm chí kể cả tàu chiến đến vùng lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp. Diễn biến đó đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về khả năng xảy ra những cuộc đụng độ bất ngờ giữa tàu thuyền hai nước, khiến cuộc khủng hoảng trong quan hệ Trung-Nhật leo thang thành một cuộc xung đột lớn hơn.
 
Theo lời Thứ trưởng Zhang, việc chính phủ Nhật Bản mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 10/9 là hành động “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”. Ông này nói, hành động đó đã gây ra “hậu quả nghiêm trọng nhất” đối với quan hệ Trung-Nhật kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1972 đến nay.
 
Trong bối cảnh quan hệ căng thẳng, các quan chức cấp cao Trung Quốc và Nhật Bản đã tiến hành những cuộc gặp gỡ nhằm tháo ngòi căng thẳng. Hai cường quốc Châu Á vẫn duy trì liên lạc và tiếp xúc với nhau về vấn đề Senkaku/Điếu Ngư thông qua các kênh khác nhau và dưới nhiều hình thức khác nhau. Hai nước này đã bắt đầu các cuộc hội đàm cấp thứ trưởng về vấn đề tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở thủ đô Bắc Kinh hôm 25/9.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 hòn đảo nằm cách đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản, khoảng 160km, và cách Vùng lãnh thổ Đài Loan khoảng 200km. Chùm đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan này chưa có người sinh sống nhưng lại sở hữu nguồn cá dồi dào và được cho là chứa một nguồn trữ lượng dầu mỏ khổng lồ. Nó cũng nằm gần với các tuyến đường biển quan trọng.

Cả Nhật Bản, Trung Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, Nhật Bản gọi là Senkaku còn Đài Loan gọi là Tiaoyutai.

Nhật Bản đã kiểm soát những hòn đảo nhỏ chưa có người sinh sống ở biển Hoa Đông từ năm 1895 và đặt tên cho nhóm đảo nhỏ này là quần đảo Senkaku. Từ 1945-1972, Mỹ quản lý quần đảo này và sau đó trả về cho phía Nhật Bản. Hiện tại, Tokyo đang kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư nhưng Trung Quốc không chấp nhận điều đó. Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo này là nguyên nhân chính khiến quan hệ Trung - Nhật thường xuyên rơi vào căng thẳng.


Kiệt Linh - (theo Reuters, THX)

Ý kiến bạn đọc