Tàu chiến Trung Quốc ồ ạt đến gần Nhật Bản

07:30, 06/10/2012
|

(VnMedia) - Một đội tàu gồm 7 chiếc tàu chiến Trung Quốc hôm 4/10 đã ồ ạt tiến về khu vực gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết. Theo nhận định của giới truyền thông, đội tàu chiến Trung Quốc có thể đến khu vực để thăm dò về 3 nhóm tàu chiến hùng hậu của Mỹ đang có mặt tại đây.
 
Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm 4/10 thông báo, họ đã phát hiện 7 chiếc tàu chiến của Trung Quốc ở khu vực biển giữa quần đảo chính Okinawa của Nhật Bản và quần đảo Miyakojima.
 
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết chi tiết, đội tàu chiến của Trung Quốc gồm các tàu khu trục lớn, bé, tàu ngầm và cả tàu giải cứu thảm họa. Những con tàu này đang đi ở khu vực cách phía đông bắc của đảo Miyakojima khoảng 110 km thì bị phía Nhật Bản phát hiện.
 
Báo chí Nhật Bản phán đoán, việc đội tàu chiến của Trung Quốc đi qua khu vực là nhằm kiểm tra, thăm dò về hoạt động tập trung khác thường của 3 nhóm tàu chiến Mỹ ở Tây Thái Bình Dương trong những ngày gần đây.

Trước đó, tạp chí Time số ra ngày 30/9 dẫn lời các quan chức hải quân Mỹ xác nhận, 3 nhóm tàu chiến hùng hậu cùng một đội đặc nhiệm Không-địa chiến của Thủy quân lục chiến nước này đang được triển khai ở Tây Thái Bình Dương – vùng biển đã và đang chứng kiến những cuộc tranh chấp biển đảo vô cùng căng thẳng. Mục đích của hoạt động triển khai này là nhằm gây sức ép tâm lý đối với Trung Quốc, sau khi nước này liên tiếp có các cuộc đối đầu căng thẳng với nhiều nước láng giềng vì tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Theo tạp chí Time, đội tàu chiến hùng mạnh USS George Washington của Mỹ hiện đang hoạt động ở Biển Hoa Đông, gần khu vực với dãy đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là quần đảo đang nằm trong sự kiểm soát của Nhật Bản nhưng đang bị cả Trung Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan tranh chấp chủ quyền. Senkaku/Điếu Ngư đang là trung tâm của một cuộc tranh giành quyết liệt giữa hai nền kinh tế lớn nhất khu vực Châu Á.

Trong khi đó, nhóm tàu sân bay USS John C. Stennis đang làm nhiệm vụ cách không cách xa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư về phía nam. Ngoài hai đội tàu chiến đầy uy lực, Mỹ còn triển khai nhóm tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard chở 2.200 lính thủy đánh bộ đến gần Biển Philippines.

Đây là lần đầu tiên kể từ những năm 1974 - 1975, Mỹ điều động một hạm đội tàu chiến lớn có hỏa lực mạnh như vậy đến Tây Thái Bình Dương. Nó được xem là một lời cảnh báo trong bối cảnh căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ giữa các nước Châu Á đang leo thang.

Mặc dù Mỹ tuyên bố, hoạt động triển khai tàu chiến của họ không liên quan gì đến những diễn biến gần đây nhưng phía chính phủ Nhật Bản lại tin rằng nó có liên quan đến căng thẳng giữa Trung-Nhật hiện nay.
 
Việc triển khai hai tàu sân bay ở  khu vực “là một minh chứng cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc hành động theo Điều khoản 5” của Hiệp ước an ninh chung Mỹ-Nhật và ủng hộ liên minh giữa hai nước, một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay. Điều khoản 5 quy định, Mỹ phải có trách nhiệm bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp nước này bị tấn công.
 
Trước đó, chính phủ Mỹ từng nói, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư “nằm trong sự điều chỉnh của Điều khoản 5” trong Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật.
 
Tàu hải giám Trung Quốc 5 ngày liên tiếp “vờn” quanh Senkaku/Điếu Ngư
 
Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến tranh chấp Trung-Nhật, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản hôm qua (5/10) đã phát hiện 4 tàu hải giám Trung Quốc ở khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp tàu hải giám Trung Quốc tiếp cận sát với khu vực mà Nhật Bản nhận là vùng lãnh hải của họ,
 
Hãng tin Kyodo dẫn lời các quan chức thuộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết, lực lượng này đã ra lệnh cho tàu thuyền Trung Quốc tránh xa khu vực lãnh hải của họ. Nhóm thủy thủ đi trên tàu Trung Quốc đã trả lời qua một thiết bị không dây rằng, họ đang thực hiện nhiệm vụ chính thức ở vùng biển thuộc quyền quản lý của họ.
 
Hãng tin Hong Kong China News đưa tin, Trung Quốc có thể sẽ phái tàu hải giám đi tuần tra khu vực xung quanh quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông theo kế hoạch định kỳ, thường xuyên. Trước đó, hôm 3/10 phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố, tàu hải giám Trung Quốc sẽ tiếp tục đi tuần tra ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để bảo vệ các quyền của họ.
 
Theo nhận định của các nhà quan sát, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản hiện tại đang phải căng sức đến mức tối đa để đối phó với một loạt vụ xâm nhập vào vùng tranh chấp của tàu thuyền Trung Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan.

Cả Nhật Bản, Trung Quốc và VLT Đài Loan đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, Nhật Bản gọi là Senkaku còn Đài Loan gọi là Tiaoyutai. 

Căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang leo đến đỉnh điểm sau khi cuộc tranh chấp giữa họ quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bị “khuấy tung” lên bởi sự kiện một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc hôm 15/8 đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cắm cờ nhằm mục đích “khẳng định chủ quyền của Trung Quốc” đối với vùng lãnh thổ này. 

Trước hành động khiêu khích của Trung Quốc, Nhật Bản đã đáp trả bằng một loạt động thái đầy thách thức, trong đó cao trào là việc nước này quyết định mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tay những người chủ sở hữu tư nhân. Sự kiện này đã đẩy quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản vào cuộc khủng hoảng kéo dài và nghiêm trọng.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 hòn đảo nằm cách đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản, khoảng 160km, và cách VLT Đài Loan khoảng 200km. Chùm đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan này có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Nó cũng nằm gần với các tuyến đường biển quan trọng.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc