Tại sao Trung Quốc ghét bầu cử Mỹ?

19:20, 25/10/2012
|

(VnMedia) - Trong cuộc tranh luận thứ 3 và cũng là cuối cùng giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ hôm 22/10 vừa rồi, ông Mitt Romney đã một lần nữa tuyên bố sẽ liệt Trung Quốc vào nước thao túng tiền tệ ngay trong ngày đầu nhậm chức. Hầu hết các nhà quan sát Trung Quốc đều nghĩ rằng, lập trường của ứng cử viên Romney là cực đoan và ông này chỉ nói thế vì mục đích chính trị. Tuy nhiên, kể từ khi ông Romney lần đầu tiên đưa ra tuyên bố trên cách đây một năm, các nhà lập chính sách ở Trung Quốc đã cảm thấy khó chịu và tức giận.
 
“Các ứng cử viên Trung Quốc thường tìm cách phê phán Trung Quốc gay gắt đơn giản chỉ là để giành thêm nhiều lá phiếu của các cử tri hơn. Chắc phải có gì đó không ổn trong hệ thống chính trị của Mỹ”, ông Ding Gang - một nhà báo kỳ cựu của tờ People’s Daily online, cho biết.
 
Bài báo của ông Ding dưới nhan đề “Chỉ trích Trung Quốc: Nỗi xấu hổ của nền chính trị Mỹ” là một ví dụ rõ nét cho thấy sự lo lắng, thậm chí là tức giận, mà nhiều người Trung Quốc cảm thấy khi nghe các ứng cử viên tổng thống Mỹ đưa ra những phát biểu gay gắt và đầy cứng rắn nhằm vào Trung Quốc. Tất nhiên, hầu hết người Trung Quốc không ghét Mỹ nhưng các nhà lập chính sách ở Trung Quốc thì rất ghét những cuộc bầu cử ở Mỹ. Họ đặc biệt khó chịu trước những ảnh hưởng của các cuộc bầu cử Mỹ đối với hình ảnh của Trung Quốc trong mắt người dân Mỹ. Năm nay đặc biệt tồi tệ khi Bắc Kinh bị đổ lỗi cho tất cả mọi thứ, từ nền kinh tế trì trệ của Mỹ đến tỉ lệ thất nghiệp cao ở nước này. Trong bối cảnh sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ngày càng giảm đi và tình trạng cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực thương mại giữa hai nước, những phát biểu cứng rắn của các ứng cử viên Mỹ về Trung Quốc đã gây ra những căng thẳng nhất định.
 
Sự căng thẳng nói trên được phản ánh rất rõ trong các cuộc thăm dò dư luận. Một cuộc thăm dò dư luận trong tháng 10 do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện cho thấy, 49% cử tri muốn Mỹ cứng rắn với Trung Quốc, tăng 9% so với hồi tháng 3 năm ngoái. Và chỉ có 42% cử tri muốn Mỹ thiết lập một mối quan hệ mạnh với Trung Quốc. Con số này thấp hơn nhiều so với con số 53% hồi tháng 3 năm 2011. Theo cuộc thăm dò của Pew hồi tháng 9, hầu hết sự quan ngại của người Mỹ đối với Trung Quốc là về vấn đề kinh tế, trong đó nỗi lo ngại lớn nhất là khoản nợ của Mỹ do Trung Quốc nắm giữ và tình trạng người Mỹ mất công ăn việc làm.
 
Các cuộc thăm dò dư luận cũng phản ánh thái độ tiêu cực của người Trung Quốc về mối quan hệ với Mỹ. Theo một cuộc thăm dò riêng rẽ của Pew, người Trung Quốc ngày càng cảnh giác và có thái độ tiêu cực hơn về Mỹ so với cách đây 2 năm. Số người Trung Quốc đánh giá mối quan hệ với Mỹ là mối quan hệ hợp tác đã giảm từ 68% năm 2010 xuống 39% hiện giờ. Hơn 1/4 số người được hỏi nhận xét mối quan hệ Trung-Mỹ là thù địch trong khi con số này cách đây 2 năm chỉ là 8%.
 
Việc Trung Quốc trở thành đề tài tranh luận chính trong các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ dường như đã là một điều hiển nhiên. Nhưng người ta đều biết, các ứng cử viên tổng thống Mỹ chỉ mạnh miệng chỉ trích Trung Quốc để phục vụ cho mục đích chính trị riêng của mình. Sau khi đã đắc cử, họ thường điều chỉnh để thực hiện một chính sách mềm dẻo hơn với Bắc Kinh.
 
Ông Ronald Reagan từng liên tục chỉ trích đối thủ Jimmy Carter về việc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Tuy nhiên, quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc thời chính quyền Reagan lại nở rộ. Chuyện cũng diễn ra tương tự với ông Bill Clinton. Trong chiến dịch tranh cử năm 1992, ông Clinton cam kết sẽ đứng lên chống Trung Quốc trong cả vấn đề thương mại và nhân quyền nhưng thương mại giữa hai nước Trung-Mỹ đã mở rộng một cách nhanh chóng khi ông này lên cầm quyền.
 
Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận là chưa bao giờ, chiến dịch công kích Trung Quốc lại mạnh mẽ như trong cuộc bầu cử năm nay. Trung Quốc đã trở thành đối tượng bị chỉ trích dữ dội trong các cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ. Đặc biệt, ứng cử viên của Đảng Cộng hoà – Mitt Romney không ngại ngần đưa ra những quan điểm chống Trung Quốc hết sức mạnh mẽ.

Ông Romney nhiều lần tuyên bố sẽ “liệt” Trung Quốc vào “nước thao túng tiền tệ” ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức tổng thống. Nếu bị gán “cái mác” này, Trung Quốc có thể phải đối diện với các biện pháp trừng phạt. Ứng cử viên Romney còn lên án chính quyền Tổng thống Obama về việc đã “quá mềm mỏng với Bắc Kinh” trong vấn đề thương mại và nhân quyền. Đáp trả lại, Tổng thống Obama cáo buộc ông Romney đã chuyển công ăn việc làm của người Mỹ cho Trung Quốc khi ông này làm việc cho tập đoàn tài chính Bain Capital. Các thành viên Đảng Dân chủ cũng cho rằng, nếu lên làm tổng thống, ông Romney sẽ không bảo vệ các công ty Mỹ khi họ cạnh tranh với phía đối thủ Trung Quốc.
 
Các nhà phân tích tin rằng, hai ứng cử viên Obama và Romney sẽ tiếp tục chiến dịch công kích mạnh mẽ Trung Quốc trong hai tuần còn lại trước khi cuộc bầu cử ở Mỹ chính thức được khởi tranh. Mặc dù chiến dịch này được cho là không ảnh hưởng quá nhiều đến mối quan hệ Trung-Mỹ sau này nhưng rõ ràng nó sẽ đặt người thắng cử vào tình trạng bối rối khi phải xử lý các vấn đề liên quan đến mối quan hệ với Trung Quốc. 


Kiệt Linh - (theo The Dailybeast, AP, THX)

Ý kiến bạn đọc