Nhật căng sức bảo vệ đảo, Mỹ tư vấn phòng vệ

07:12, 05/10/2012
|

(VnMedia) - Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đang phải căng sức đối phó với rất nhiều tàu thuyền của Trung Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan ở quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Trong bối cảnh như này, một chuyên gia Mỹ đã đưa ra lời khuyên cho Nhật Bản.
 
Căng sức đối phó với Trung Quốc
 
Khi 4 tàu hải giám Trung Quốc đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 2/10, một sĩ quan cấp cao của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển chỉ còn biết thở dài. “Họ đã quay trở lại đúng như tôi dự đoán”.
 
Sang ngày 3/10, cũng 4 con tàu hải giám trên lại xâm nhập vào vùng lãnh hải tranh chấp cùng với hai tàu ngư chính Trung Quốc. Hôm 4/10, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản lại phát hiện 4 tàu hải giám Trung Quốc ở vùng tiếp giáp ngoài khơi đảo Kubashima thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Như vậy, chỉ trong vòng 3 ngày, lực lượng tàu thuyền Trung Quốc liên tục tiếp cận vùng biển tranh chấp với phía Nhật Bản.
 
Theo nhận định của các nhà quan sát, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đang phải căng sức đến mức tối đa để đối phó với một loạt vụ xâm nhập vào vùng tranh chấp của tàu thuyền Trung Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Đây là một diễn biến có thể gây ảnh hưởng đến các chiến dịch khác của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản trên khắp cả nước.
 
Có thể nói, trong suốt 3 tuần qua, kể từ khi chính phủ Nhật Bản quyết định mua lại 3 hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và đưa chúng vào sự quản lý của nhà nước từ hôm 11/9 thì Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của nước này luôn được đặt trong tình trạng báo động cao nhất. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã phải huy động các tàu tuần tra của mình từ khắp nơi trên khắp cả nước để đối phó với những cuộc xâm nhập ngày một gia tăng.
 
Các tàu hải giám của Trung Quốc lần đầu tiên xuất hiện ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào thời điểm chỉ 3 ngày sau khi chính phủ Nhật Bản mua lại quần đảo tranh chấp từ tay những người chủ sở hữu tư nhân. Khi đó, 6 tàu hải giám Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng biển tranh chấp trong suốt khoảng 7 giờ đồng hồ. Tiếp đó, vào ngày 18 và 24/9, tàu hải giám Trung Quốc tiếp tục lượn lờ quanh khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Ngoài tàu thuyền của Trung Quốc, hôm 25/9, khoảng 40 tàu đánh cá cùng với 12 tàu tuần tra của Vùng lãnh thổ Đài Loan cũng rầm rập kéo đến khu vực lãnh hải tranh chấp với Nhật Bản, gây ra một cuộc đọ súng vòi rồng căng thẳng giữa hai bên.
 
Tàu của Trung Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan đã rời khu vực tranh chấp vào buổi sáng sớm ngày 26/9 nhưng là để tránh cơn bão số 17 sắp đổ bộ vào đây. "Tàu hải giám Trung Quốc sẽ tiếp tục trở lại liên tục nến tình hình hiện nay không có gì thay đổi”, một quan chức cấp cao của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản dự đoán.
 
Sở chỉ huy của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Khu vực số 11 của Nhật Bản là nơi phải chịu trách nhiệm về an ninh đối với vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong khi đơn vị này có 9 tàu tuần tra thì không phải tất cả số tàu này đều có thể đưa vào hoạt động cùng lúc vì chúng còn cần phải được tiếp nhiên liệu và kiểm tra, bảo dưỡng. Để đối phó với các vụ xâm nhập của tàu thuyền Trung Quốc, Sở chỉ huy trên đang phải huy động tàu thuyền từ các đơn vị khác của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản.
 
Có 11 sở chỉ huy khu vực trên khắp cả nước có thể cung cấp tàu tuần tra cho hoạt động bảo vệ vùng lãnh hải quanh Senkaku/Điếu Ngư. Thông thường, tàu thuyền của những sở chỉ huy này có nhiệm vụ cứu hộ hàng hải và bảo đảm an toàn đi lại trên các vùng biển.
 
Khi Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản có thể huy động được tối đa khoảng 30 tàu thuyền đến Senkaku/Điếu Ngư một lúc thì 20 tàu khác cần phải được điều động từ các sở chỉ huy khác.
 
Năm ngoái, trong thảm họa kép động đất sóng thần khủng khiếp nhất trong nhiều năm trở lại đây, Nhật Bản cũng đã từng huy động 50 tàu tuần tra. Tuy nhiên, chưa bao giờ, Nhật Bản lại phải huy động một số lượng tàu lớn như vậy để phục vụ mục đích bảo vệ lãnh hải của mình.
 
Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết, hiện tại, họ vẫn đảm bảo công tác cứu hộ hàng hải và các nhiệm vụ khác. Tuy nhiên, “nếu nhiều vụ tai nạn xảy ra liên tiếp cùng lúc thì chúng tôi lo ngại không biết mình có thể đối phó kịp thời hay không”, một quan chức Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản thừa nhận.
 
Mỹ khuyên Nhật Bản củng cố khả năng răn đe trước Trung Quốc
 
Trong lúc này, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cũng là một chuyên gia nổi tiếng về Châu Á – ông Richard Armitage, đã nói rằng, Nhật Bản cần phải củng cố khả năng phòng vệ nhằm ngăn chặn các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc biển Hoa Đông.
 
"Ngay bây giờ, Nhật Bản nên trang bị khả năng phòng vệ đầy đủ nhằm ngăn chặn những vụ việc như thế xảy ra. Đó là việc đầu tiên mà Nhật Bản cần phải làm”, ông Armitage đưa ra lời khuyên. Theo vị chuyên gia này, “Nhật Bản hiện tại đang có năng lực hạn chế vì trong suốt hơn một thập kỷ qua, Tokyo đã không đầu tư thích hợp vào quốc phòng”.
 
Trong phát biểu của mình, ông Armitage cũng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc Nhật Bản tăng cường năng lực quốc phòng nhằm giảm sự phụ thuộc vào quân đội Mỹ.
 
Mỹ đang giữ lập trường rằng, quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư nằm trong sự điều chỉnh của hiệp ước an ninh chung Mỹ-Nhật. Tuy nhiên, Washington vẫn cố duy trì sự trung lập trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ.
 
"Chính phủ Mỹ sẽ không thay đổi lập trường. Chúng tôi nghĩ Senkaku là một vấn đề cần phải được giải quyết hòa bình”, cựu Thứ trưởng Armitage cho biết.
 
Sau khi đưa ra lời khuyên cho Nhật Bản, chuyên gia Armitage cũng nhận định, bất chấp tình hình căng thẳng hiện nay ở biển Hoa Đông đang leo thang nhưng sẽ “không có khả năng” xảy ra một cuộc xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
 
Tuy nhiên, “căng thẳng sẽ vẫn còn cho đến sau khi có sự thay đổi ở Tokyo và Bắc Kinh”, ông Armitage nói thêm, ám chỉ đến sự chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc và cuộc bầu cử sắp tới ở Nhật Bản.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc