Nga cấp tên lửa phòng không tối tân cho Iraq

15:58, 10/10/2012
|

(VnMedia) - Hồi đầu năm nay, Nga và Iraq đã ký kết một loạt hợp đồng vũ khí có trị giá lên tới 4,2 tỷ USD, theo đó Nga sẽ xuất khẩu một lượng lớn trực thăng tấn công và hệ thống tên lửa phòng không di động cho Iraq.
 
Thông tin trên vừa được Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki tiết lộ hôm nay (10/10) trong chuyến công du tới Moscow. Trong chuyến công du lần này, ông cũng đã có cuộc gặp với người đồng cấp là Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev.
 
Theo các hợp đồng được ký kết, Moscow sẽ cung cấp 30 trực thăng tấn công có khả năng hoạt động trong mọi thời tiết cả đêm lẫn ngày Mil Mi-28NE và 50 hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Pantsir-S1 cho Iraq.
 
Theo thông tin từ các tài liệu được công bố trong chuyến công du của ông Maliki, loạt hợp đồng này được quyền Bộ trưởng Quốc phòng Iraq ký kết từ hồi tháng 4, tháng 7 và tháng 8 vừa qua.

Với thỏa thuận vũ khí trị giá 4,2 tỷ USD này, Nga trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Iraq, sau Mỹ còn Iraq sẽ là khách hàng nước ngoài đầu tiên nhập khẩu loại trực thăng tấn công Mil Mi-28NE của Nga. Nhật báo Vedomosti cho biết, đây là thỏa thuận vũ khí lớn nhất của Nga kể từ năm 2006 tới nay.
 
Một chuyên gia phân tích quân sự thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga cho rằng, thỏa thuận trên cho thấy Baghdad đang muốn phá vỡ thế độc quyền của Mỹ trong việc cung cấp vũ khí cho chính phủ mới của Iraq.

Ông nhận định: “Rõ ràng là tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với Iraq đang suy giảm. Chính phủ Shiite của đất nước này đang bắt đầu tự lực cánh sinh hơn, giảm dần tầm ảnh hưởng của Washington”. 

Phản ứng trước thông tin trên, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Victoria Nuland cho biết: "Iraq đã ký 467 hợp đồng với Mỹ trong lĩnh vực hợp tác quân sự. Nếu tất cả chúng được thực hiện, tổng giá trị có thể lên tới 12,3 tỷ đôla. Tôi  nghĩ rằng chúng tôi không cần phải lo ngại về các thỏa thuận này (giữa Iraq và  Nga)".
 
Tuy nhiên, bà Nuland đã từ chối bình luận khi có những nhận định cho rằng, Iraq đã nối lại hợp tác quân sự với Nga vì họ không hài lòng với chất lượng cũng như khối lượng nhập khẩu vũ khí từ Mỹ.


Đan Khanh - (theo RIA)

Ý kiến bạn đọc