Mỹ lặng lẽ “dàn” một loạt tàu chiến “khủng” gần Trung Quốc

07:29, 04/10/2012
|

(VnMedia) - Giữa lúc căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ giữa các nước Châu Á đang leo thang nghiêm trọng, Mỹ đã lặng lẽ dàn trận tàu chiến ở khu vực cách các điểm nóng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông không xa.
 
Theo tạp chí Time, Mỹ đã tăng gấp đôi sức mạnh của đội tàu sân bay ở Tây Thái Bình Dương nhằm gây sức ép tâm lý đối với Trung Quốc, sau khi nước này liên tiếp có các cuộc đối đầu căng thẳng với nhiều nước láng giềng vì tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
 
Cụ thể, Washington đã điều động hai nhóm tàu sân bay hùng mạnh cùng một đội đặc nhiệm Không-địa chiến của Thủy quân lục chiến đến trực chiến ở Tây Thái Bình Dương – vùng biển đã và đang chứng kiến những cuộc tranh chấp biển đảo vô cùng căng thẳng.
 
Tạp chí Time dẫn lời các quan chức hải quân Mỹ xác nhận, đội tàu chiến hùng mạnh USS George Washington của họ hiện đang hoạt động ở Biển Hoa Đông, gần khu vực với dãy đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là quần đảo đang nằm trong sự kiểm soát của Nhật Bản nhưng đang bị cả Trung Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan tranh chấp chủ quyền. Senkaku/Điếu Ngư đang là trung tâm của một cuộc tranh giành quyết liệt giữa hai nền kinh tế lớn nhất khu vực Châu Á.
 
Trong khi đó, nhóm tàu sân bay USS John C. Stennis đang làm nhiệm vụ cách không cách xa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư về phía nam.
 
Ngoài hai đội tàu chiến đầy uy lực, Mỹ còn triển khai nhóm tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard chở 2.200 lính thủy đánh bộ đến gần Biển Philippines.
 
Đây là lần đầu tiên kể từ những năm 1974 - 1975, Mỹ triển khai một hạm đội tàu chiến hùng hậu như vậy ở Tây Thái Bình Dương.
 
Tất cả 3 nhóm tàu chiến đang có mặt ở Tây Thái Bình Dương đều vừa tham gia các cuộc tập trận ở trong và xung quanh Guam. Những cuộc tập trận đó bao gồm các màn diễn tập bắn tên lửa thật và đổ bộ lên bờ biển của lực lượng binh lính Mỹ cũng như Nhật Bản.
 
Một phát ngôn viên Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương đã lên tiếng khẳng định, các hoạt động triển khai tàu chiến và lính thủy đánh bộ của Mỹ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông không liên quan gì đến những sự kiện cụ thể hiện nay. Ông này cũng nhấn mạnh, các nhiệm vụ huấn luyện và tập trận của 3 nhóm tàu chiến Mỹ cũng không có mối liên hệ nào với tình hình căng thẳng ở Senkaku/Điếu Ngư.
 
"Những hoạt động đó không liên quan đến bất kỳ diễn biến cụ thể nào trong khu vực. Nó là một phần trong cam kết của Mỹ đối với an ninh khu vực. 2 trong số 11 tàu sân bay của Hải quân Mỹ đang hoạt động ở Tây Thái Bình Dương để giúp bảo vệ sự ổn định và hòa bình trong khu vực", vị phát ngôn viên trên khẳng định.
 
Tuy nhiên, một số học giả chính trị tin rằng, việc Mỹ điều động cùng lúc 3 nhóm tàu chiến có hỏa lực mạnh đến một khu vực tương đối nhỏ ở Thái Bình Dương là một động thái hiếm hoi và nó có thể được xem là một lời cảnh báo trong bối cảnh căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ giữa các nước Châu Á đang leo thang.
 
Trong khi hạm đội hùng hậu của Mỹ hiện diện ở Biển Đông và Biển Hoa Đông như một lời cảnh báo với Trung Quốc về việc không được làm leo thang căng thẳng trong các cuộc tranh chấp biển đảo thì việc triển khai hạm đội này cũng là nhằm mục đích tập trung sự chú ý của Nhật Bản vào các mục tiêu chiến lược của Mỹ trong khu vực.
 
Theo tạp chí Time, sự hiện diện của các nhóm tàu sân bay của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương có liên quan nhiều hơn đến chiến lược tái sắp xếp lại lực lượng của Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
 
Khủng hoảng Trung-Nhật lan sang cả hội nghị tài chính toàn cầu
 
Trong một diễn biến có liên quan, báo chí hôm qua (3/10) đưa tin, cuộc tranh chấp biển đảo căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản dường như đã lan sang cả “thế giới” của những hội nghị tài chính toàn cầu.
 
Nhiều ngân hàng lớn của Trung Quốc đã hủy không tham gia vào các cuộc họp hàng năm của IMF và WB dự kiến được tổ chức ở Tokyo vào tuần tới. Trong khi hầu hết các ngân hàng Trung Quốc không đưa ra lý do về sự vắng mặt vào phút cuối của họ thì nhiều người tin rằng, sự rút lui của các ngân hàng này là một trong những động thái “ăn miếng trả miếng” giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong cuộc tranh chấp biển đảo nóng bỏng hiện nay.
 
Giám đốc điều hành IMF - Christine Lagarde đã lên tiếng kêu gọi cả Nhật Bản và Trung Quốc tham gia đầy đủ vào các hội nghị tài chính toàn cầu sắp tới bởi hai nước này có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế thế giới. Theo bà Lagarde, nền kinh tế ốm yếu của thế giới sẽ không thể chống đỡ được nếu nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới bị phân tâm bởi cuộc tranh cãi về biển đảo.
 
"Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều là những đầu tàu kinh tế và không ai muốn họ bị phân tán bởi mâu thuẫn về lãnh thổ", hãng tin Kyodo dẫn lời bà Lagarde cho biết.
 
Phát biểu trước báo chí Nhật Bản trước thềm cuộc họp thường niên của IMF ở Tokyo vào tuần tới, bà Lagarde kêu gọi, hai cường quốc kinh tế Trung, Nhật thể hiện tình láng giềng vì lợi ích của toàn bộ thế giới.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc