(VnMedia) - Quân đội Mỹ đã bí mật cử một đội đặc nhiệm gồm hơn 150 thành viên đến Jordan, chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống Syria mất kiểm soát đối với kho vũ khí hoá học đáng sợ của nước này, các quan chức Mỹ cho biết.
Đội đặc nhiệm này sẽ đóng tại một căn cứ cách biên giới Syria chỉ khoảng hơn 50km. Đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ áp sát Syria đến như vậy.
Các quan chức Mỹ cho tờ New York Times biết, ngoài nhiệm vụ để ý đến kho vũ khí hoá học đáng lo ngại của Syria, đội đặc nhiệm gồm 150 chuyên gia quân sự và các nhà lập kế hoạch của Mỹ được bí mật triển khai đến Jordan còn nhằm trợ giúp các lực lượng vũ trang Jordan đối phó với tình trạng làn sóng người tị nạn từ Syria ồ ạt đổ vào biên giới nước này. Đến thời điểm này, ước tính có khoảng 180.000 người tị nạn Syria chạy vào Jordan.
Đội đặc nhiệm Mỹ cũng có một nhiệm vụ khác, đó là, tính toán và cân nhắc các lựa chọn ở Syria như thiết lập một vùng đệm ở khu vực biên giới hoặc tạo một hành lang nhân đạo. Hiện tại, các lựa chọn này đang bị Nga và Trung Quốc kiên quyết phản đối.
Các thành viên của đội đặc nhiệm Mỹ sẽ đóng tại trung tâm huấn luyện ở phía bắc thành phố Amman, sát với biên giới phía nam của Syria. Căn cứ này sẽ trở thành điểm đóng quân gần nhất của quân đội Mỹ đối với Syria. Từ đây, Mỹ có thể tiến hành can thiệp vào Syria nếu Washington thay đổi lập trường của nước này trong cuộc xung đột ở đất nước Trung Đông.
Cả Washington và chính phủ Jordan đều từ chối bình luận về chiến dịch bí mật nói trên. Mặc dù chính quyền của Tổng thống Obama luôn khẳng định sẽ không can thiệp quân sự vào Syria, nhưng Washington tuyên bố sẽ cung cấp sự trợ giúp phi quân sự cho phe nổi dậy Syria, sẽ tích cực tham gia thúc đẩy tiến trình lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.
Mỹ trước đây đã từng dùng Jordan như một căn cứ cho các hoạt động quân sự khác liên quan đến Syria. Hồi tháng 5 vừa rồi, Washington đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự ở Jordan với 12.000 binh lính từ nhiều quốc gia tham gia vào các bài diễn tập bí mật.
Chính quyền Tổng thống Obama phủ nhận những cáo buộc trên báo chí Syria cho rằng, cuộc tập trận của Mỹ là một mối đe doạ nhằm vào Tổng thống Assad. Washington khẳng định, cuộc tập trận trên của họ chỉ tập trung vào mục tiêu chống khủng bố, ngăn chặn tàu buôn lậu và cách thức xử lý làn sóng người tị nạn.
Sau cuộc tập trận hồi tháng 5, một đơn vị nhỏ của quân đội Mỹ đã ở lại thành lập trung tâm ở Amman, mở đường cho việc đưa thêm nhiều nhân viên quân sự Mỹ vào Jordan.
Romney: Mỹ phải giúp Syria lật đổ Assad
Liên quan đến vấn đề Syria, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hoà Mỹ - ông Mitt Romney mới đây đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Obama về sự yếu đuối của ông này trong việc xử lý cuộc khủng hoảng ở đất nước Trung Đông.
Ông Romney cho rằng, Mỹ phải cùng với các quốc gia khác giúp trang bị vũ khí cần thiết cho phe nổi dậy Syria để họ có thể lật đổ Tổng thống Assad. Ông này cho rằng, các nỗ lực của ông Obama trong vấn đề Syria vẫn còn rất yếu kém, đó là một phần của sự thiếu vai trò lãnh đạo trong khu vực Trung Đông cũng như trên toàn thế giới.
Với mục đích thuyết phục cử tri Mỹ bỏ phiếu cho mình, ứng cử viên Đảng Công hoà tuyên bố, ông sẽ xác định và tập hợp lại những người trong phe nổi dậy Syria cùng chia sẻ các giá trị với Mỹ. Sau đó, Mỹ sẽ hợp tác với các đồng minh để “đảm bảo lực lượng nổi dậy Syria có được những vũ khí cần thiết cho việc đánh bại xe tăng, trực thăng và máy bay chiến đấu của Tổng thống Assad.
"Việc chúng ta phát triển ảnh hưởng với những lực lượng này ở Syria là vô cùng cần thiết bởi một ngày nào đó, họ sẽ là người lãnh đạo một đất nước nằm giữa trung tâm khu vực Trung Đông”, ông Romney nói thêm.
Trong bài phát biểu về nhiều vấn đề tại Viện Quân sự Virginia, ứng cử viên Romney đã nỗ lực tìm cách xây dựng hình ảnh ông là một vị tổng chỉ huy mạnh mẽ trong con mắt cử tri M, đồng thời liên tiếp chỉ trích chính sách của chính quyền Obama đối với Iraq, Afghanistan, Iran và Israel.
Trong lúc này, tình hình ở đất nước Syria vẫn diễn biến ngày một nghiêm trọng và đẫm máu. Ngoài các cuộc giao tranh ác liệt giữa quân đội và phe nổi dậy Syria, người ta còn chứng kiến biên giới giữa nước này với Thổ Nhĩ Kỳ “nóng rẫy” bởi các cuộc “đọ” pháo và súng cối nảy lửa. Tình trạng leo thang bạo lực ở khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ được châm ngòi từ sự kiện một quả đạn pháo từ Syria bay sang lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ hôm 3/10, khiến 5 dân thường thiệt mạng và 10 người khác bị thương.
Ngay sau vụ việc trên, Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp thực hiện các cuộc tấn công đáp trả quyết liệt vào biên giới Syria.
Ngoài tấn công trả đũa, Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua (9/10) còn tiếp tục điều thêm hàng chục máy bay chiến đấu tối tân đến tăng viện cho một căn cứ không quân của nước này ở gần biên giới với Syria. Động thái này có nguy cơ đẩy cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ leo thang lên một mức mới và có nguy cơ biến thành một cuộc xung đột khu vực.
Kiệt Linh -
(theo New York Times, RT)
Ý kiến bạn đọc