IMF: Trung Quốc thiệt nếu không đến Tokyo

07:41, 12/10/2012
|

(VnMedia) - Đây là lời cảnh báo vừa được nữ Tổng Giám đốc IMF  - bà  Christine Lagarde đưa ra ngày hôm qua (11/10) sau khi có tin, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên và Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Tạ Húc Nhân tẩy chay hội nghị thường niên của IMF đang diễn ra ở Tokyo, Nhật Bản.
 
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết hôm 10/10 rằng, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ không dẫn đầu phái đoàn nước này đến tham dự hội nghị IMF trong tuần này. "Chúng tôi nhận được thông báo từ cách đây 2 ngày cho biết, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên có thể sẽ phải hủy bài phát biểu tại hội nghị ở Tokyo do lịch trình làm việc của ông này. Bây giờ chúng tôi đã được xác nhận, phái đoàn Trung Quốc đến dự hội nghị của IMF do Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương dẫn đầu”, một phát ngôn viên của IMF cho biết.
 
Ông Chu Tiểu Xuyên được dự kiến sẽ có một bài đọc diễn văn trong phiên bế mạc hội nghị IMF vào ngày Chủ nhật (14/10) tới.
 
Ngoài sự vắng mặt của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên, IMF còn được hãng thông tấn chính thức Tân Hoa xã xác nhận, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Tạ Húc Nhân cũng sẽ không có mặt tại hội nghị của IMF ở Tokyo. Thay vào đó, người đi thay ông Tạ Húc Nhân sẽ là Thứ trưởng Tài chính Chu Diệu Quang.
 
Lần đầu tiên trong gần nửa thập kỷ, Nhật Bản đóng vai trò là nước chủ nhà tổ chức các hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB). Khoảng 20.000 người được cho là sẽ đến tham dự các sự kiện sẽ kết thúc vào ngày Chủ nhật tới này. Điều đó đã biến nó trở thành một trong những hội nghị quốc tế lớn nhất thế giới.
 
"Cuộc họp ở Tokyo là một hội nghị quốc tế cực kỳ quan trọng. Thật là điều đáng tiếc khi các đại diện của chính quyền Trung Quốc không đến tham dự”, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Koriki Jojima đã nói như vậy tại một cuộc họp báo khi đề cập đến sự vắng mặt của hai quan chức cấp cao hàng đầu về tài chính của Trung Quốc.
 
IMF cảnh báo Trung Quốc
 
Mặc dù các quan chức Trung Quốc không đưa ra bất kỳ lý do chính thức nào cho quyết định vắng mặt của họ tại hội nghị IMF và WB nhưng người ta tin rằng, cuộc tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản là lý do chính khiến họ tẩy chay hội nghị ở Tokyo.
 
Từ tháng 8, hai nền kinh tế hàng đầu Châu Á đã bị cuốn vào một cuộc tranh chấp lãnh thổ căng thẳng ở biển Hoa Đông. Cuộc tranh chấp này đã đẩy quan hệ giữa hai cường quốc Nhật Bản và Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
 
Tổng Giám đốc IMF – bà Lagarde đã kêu gọi cả Tokyo và Bắc Kinh nhanh chóng giải quyết các bất đồng bởi theo bà, hai nước này “có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu ".
 
"Chúng ta có rất nhiều vấn đề quan trọng cần thảo luận, bàn bạc. Những cuộc thảo luận và hội thảo lớn sẽ được tổ chức. Tôi nghĩ, họ sẽ thua thiệt nếu không đến tham dự hội nghị lần này”, bà Lagarde đã nói như vậy về sự vắng mặt của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
 
Sự đối đầu quyết liệt giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã gây lo ngại cho nhiều người bởi đây là mối quan hệ quan trọng đối với thế giới. Trung Quốc và Nhật Bản được coi là những đầu tàu của nền kinh tế thế giới. Sự căng thẳng giữa họ sẽ làm ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh nó đang gặp rất nhiều khó khăn. Giới lãnh đạo Mỹ từng lên tiếng kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản giữ cái đầu lạnh để giải quyết cuộc khủng hoảng trong quan hệ ngoại giao giữa họ.
 
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) – ông Jim Yong Kim hôm 10/10 cũng phát biểu, ông có niềm tin lớn rằng, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tìm được một cách để hợp tác với nhau trong tương lai.

Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trong khi Nhật Bản gọi là Senkaku. Nhật Bản đang kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng Trung Quốc không chấp nhận điều này. Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nguyên nhân chính khiến quan hệ Trung-Nhật thường xuyên rơi vào căng thẳng.

Mới đây nhất, sóng gió ở biển Hoa Đông lại nổi lên sau sự kiện một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc hôm 15/8 đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cắm cờ nhằm mục đích “khẳng định chủ quyền của Trung Quốc” đối với vùng lãnh thổ này. Nhật Bản cũng đáp trả bằng một loạt động thái đầy thách thức, trong đó đỉnh điểm là việc nước này mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Hành động mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của Nhật Bản đã vấp phải một loạt phản ứng đầy giận dữ của phía Trung Quốc. Và việc tẩy chay hội nghị IMF, WB ở Tokyo là một trong những động thái như thế.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 hòn đảo nằm cách đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản, khoảng 160km, và cách Vùng lãnh thổ Đài Loan khoảng 200km. Chùm đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan này có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Nó cũng nằm gần với các tuyến đường biển quan trọng.


Kiệt Linh - (theo Asia News, Reuters)

Ý kiến bạn đọc