(VnMedia) - Tại Đại hội Đảng lần thứ 18 diễn ra vào ngày 8/11 tới, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bầu chọn ra 9 gương mặt mới sẽ lãnh đạo cường quốc số 1 Châu Á trong một thập kỷ sắp tới. Đây là cuộc chuyển giao quyền lực lịch sử 10 năm mới diễn ra một lần. Vì thế, nó thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận trong và ngoài nước Trung Quốc.
Đã có nhiều đồn đoán được đưa ra về thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc nhưng chẳng ai có thể chắc chắn được điều gì cho đến khi 9 nhân vật hàng đầu đó bước lên sân khấu của Đại lễ đường Nhân dân Trung Hoa.
Mặc dù chưa thể biết chắc ai sẽ là những nhà lãnh đạo mới của đất nước Trung Quốc nhưng dưới đây là 4 cái tên được người ta chú ý nhiều nhất và được đánh giá có là có nhiều triển vọng nhất.
Ông Tập Cận Bình sẽ là Chủ tịch mới của Trung Quốc?
Người được dự đoán sẽ kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong 10 năm tới được cho là Phó Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông Tập Cận Bình có một bản lý lịch chính trị khá hoàn hảo. Ông này là con trai của ông Tập Trọng Huân - một nhà lão thành cách mạng và là một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Tập Trọng Huân từng đảm nhận vị trí Phó Thủ tướng và Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình rõ ràng là “một thái tử” và là thành viên của nhóm tinh hoa nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong thời Cách mạng Văn hóa, cha ông Tập Cận Bình mất dần ảnh hưởng và từng phải đi cải tạo vì bị cho là không theo phe của Chủ tịch Mao Trạch Đông. Sự nghiệp thăng trầm của cha đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người con Tập Cận Bình. Ông này đã phải sống những năm tháng khó khăn tại huyện Duyên Xuyên thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ở tuổi thiếu niên, ông Tập Cận Bình đã phải tham gia lao động vất vả. Tuy nhiên, chính những năm tháng khó khăn đã rèn giũa nên một Tập Cận Bình vững vàng và quyết tâm đương đầu với mọi thách thức.
Một nhà lãnh đạo từng trải qua thời kỳ gian khó chắc chắn sẽ chiếm được lòng dân hơn là một nhà lãnh đạo xuất thân từ tầng lớp “thái tử đỏ”, được sống trong nhung lụa và được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi. Người ta tin rằng, với 6 năm lao động vất vả ở vùng nông thôn, ông Tập Cập Bình sẽ thấu hiểu tốt hơn những nỗi lo ngại và khó khăn của người dân nghèo.
Ông Tập Cận Bình từng theo học ngành cơ khí tại Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, nơi sản sinh nhiều nhà lãnh đạo đương nhiệm của Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình gia nhập vào Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1974. Sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu thăng tiến từ vị trí lãnh đạo đảng tại hai tỉnh Hà Bắc và Sơn Tây từ năm 1982 đến 1985. Sau đó, ông chuyển sang tỉnh Phúc Kiến và đảm nhận chức Chủ tịch tỉnh này năm 2000. Đến năm 2007, ông lên trung ương và trở thành thành viên của Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị. Chỉ một năm sau, ông được bầu là Phó Chủ tịch Trung Quốc.
Phó Chủ tịch Tập Cận Bình được đánh giá là một chính khách mềm mỏng và nhã nhặn. Ông có quan điểm rất thực tế, ủng hộ doanh nghiệp, ủng hộ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và kêu gọi các quan chức trong đảng luôn thẳng thắn. Ông cũng được cho là người sẵn sàng mạnh tay với nạn tham nhũng trong doanh nghiệp và trên chính trường. Danh tiếng của ông Tập Cận Bình bắt đầu nổi lên khi ông lãnh đạo hai tỉnh là đầu tầu kinh tế của Trung Quốc ở khu vực bờ biển phía tây thịnh vượng.
Một trong những điều khiến hình ảnh của ông Tập Cận Bình trong mắt người dân Trung Quốc trở nên lung linh hơn là chuyện tình đẹp của ông với người vợ Bành Lệ Viện. Bà Bành Lệ Viện là một ca sĩ tài sắc nổi tiếng ở Trung Quốc. Bà sở hữu giọng hát thiên bẩm và ngoại hình quyến rũ. Bà từng nhiều lần nhận giải thưởng âm nhạc của Trung Quốc. Không chỉ nổi tiếng trên sân khấu, bà Bành Lệ Viện còn tham gia tích cực vào các phong trào xã hội. Bà từng là đại sứ thiện chí của UNICEF và từng tham gia các phong trào chống AIDS...
Mặc dù khả năng ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch tương lai của Trung Quốc đã được dự báo từ lâu và báo chí, dư luận tập trung khai thác rất nhiều các vấn đề xung quanh ông nhưng ông này vẫn là một ẩn số lớn đối với thế giới. Người ta biết rất ít thông tin về đời sống riêng, tính cách của ông Tập Cận Bình cũng như quan điểm chính trị của ông này. Sự bí ẩn bao quanh Phó Chủ tịch Trung Quốc càng tăng lên khi ông tỏ ra là người rất kín đáo, thận trọng và rất ít thể hiện cảm xúc.
Ông Lý Khắc Cường – nhà lãnh đạo của “chủ nghĩa dân túy”
Nhân vật được nhắm cho vị trí quyền lực thứ hai của đất nước Trung Quốc là ông Lý Khắc Cường. Ông này được dự đoán sẽ tiếp nhận chiếc ghế Thủ tướng từ tay người tiền nhiệm Ôn Gia Bảo. Ở vị trí này, ông Lý Khắc Cường sẽ đảm nhiệm vị trí quản lý nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ông Lý Khắc Cường xuất thân từ một gia đình ít danh giá hơn Phó Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông này được ca ngợi là nhà lãnh đạo của “chủ nghĩa dân túy” – người luôn tỏ ra rất quan tâm đến các vấn đề xã hội như nhà ở giá rẻ, dịch vụ chăm sóc y tế, tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế thân thiện với môi trường cũng như chống biến đổi khí hậu.
Ông Lý Khắc Cường bắt đầu nổi lên từ khi ông nắm giữ cương vị Bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh – một tỉnh nghèo khó ở phía đông bắc Trung Quốc. Ông này đi lên từ hàng ngũ Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc dưới sự đỡ đầu của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Ông Lý Khắc Cường từng theo học ở trường Đại học Luật Bắc Kinh danh giá năm 1977 khi các trường đại học được mở lại sau sự kiện Cách mạng Văn hóa. Trong khi nhiều bạn bè của ông gặp khó khăn vì tham gia vào sự kiện Thiên An Môn năm 1989 thì sự nghiệp của ông Lý Khắc Cường bay cao.
Một điều đáng chú ý ở ông Lý Khắc Cường là khác với hầu hết các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác, ông có khả năng nói tiếng Anh rất tốt.
Ông Vương Kỳ Sơn – Nhà lãnh đạo thân thiện với truyền thông
Ông Vương Kỳ Sơn hiện là Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực tài chính và thương mại Trung Quốc. Ông này xuất thân từ lĩnh vực ngân hàng. Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn có mối quan hệ rất thân thiết với cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson. Ông Paulson từng nhận xét người bạn Vương Kỳ Sơn là người “quyết đoán nhưng có trí tò mò cao với khiếu hài hước tinh quái".
Ông Vương Kỳ Sơn bắt đầu nổi danh khi ông tiếp nhận vị trí Thị trưởng thành phố Bắc Kinh năm 2003. Ông này được miêu tả là một nhà lãnh đạo có cái đầu lạnh và có thể làm được nhiều việc. Sự thẳng thắn của ông Vương Kỳ Sơn đã gây ấn tượng không chỉ với người dân Trung Quốc mà với cả các quan chức nước ngoài. Ông này đã nâng cao hình ảnh của mình khi thành công trong việc tái cơ cấu khoản nợ lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Với tư cách là Thị trưởng thành phố Bắc Kinh, ông Vương Kỳ Sơn đã được ca ngợi rất nhiều vì đã góp phần tạo ra một kỳ thế vận hội Olympic 2008 thành công rực rỡ. Vị thế của Trung Quốc đã được nâng cao rất nhiều sau sự kiện lớn này.
Ông Vương Kỳ là một trong những nhà lãnh đạo Trung Quốc được đánh giá là thân thiện với giới truyền thông. Ông từng tỏ ra hết sức thoải mái khi xuất hiện trong một chương trình trả lời phỏng vấn dài với nhà báo kỳ cựu Charlie Rose của kênh truyền hình Mỹ PBS.
Ông Uông Dương – Nhà lãnh đạo hiếm có
Ông Uông Dương chưa bao giờ tốt nghiệp trung học mà phải bươn chải lao vào kiếm sống bằng việc đi làm cho một nhà máy từ năm 17 tuổi để giúp người mẹ góa của ông. Ông Uông Dương đã leo dần lên nấc thang quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ một loạt các vị trí ở địa phương, tỉnh và sau đó là cấp quốc gia.
Ông Uông Dương hiện là Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông – tỉnh được mệnh danh là "công xưởng của thế giới". Quảng Đông là một trong những tỉnh trọng điểm nhất của đất nước Trung Quốc. Dưới sự lãnh đạo của ông Uông Dương, Quảng Đông đã trở thành một trong những tỉnh đưa nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ trong suốt 3 thập kỷ qua.
Ở Quảng Đông, ông Uông Dương đã tìm cách thay thế những công xưởng bóc lột công nhân bằng những khu công nghiệp cao, có hiệu quả kinh tế lớn. Ông chủ trương “giải phóng tư tưởng”, ra lệnh thực hiện công khai ngân sách tỉnh. Ông Uông Dương được đánh giá là một chính trị gia cởi mở và có tư tưởng cải cách.
Ý kiến bạn đọc