Ấn Độ sẽ sản xuất hàng loạt siêu chiến đấu cơ tàng hình T-50

10:27, 11/10/2012
|

(VnMedia) - Bộ trưởng Quốc phòng Nga – ông Anatoly Serdyukov hiện đang có chuyến công du tới Ấn Độ nhằm thặt chặt thêm mối quan hệ quân sự đối với quốc gia Nam Á - là khách hàng lớn đối với ngành xuất khẩu vũ khí của Nga.

Ấn Độ sẽ sản xuất hàng loạt phiên bản xuất khẩu của chiến đấu cơ T-50

Hôm qua (10/10), trong chuyến công du tới New Delhi, Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Nga – ông Anatoly Serdyukov cho biết, Ấn Độ sẽ bắt đầu bắt tay vào sản xuất phiên bản xuất khẩu của chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm do Nga chế tạo Sukhoi T-50 từ năm 2020.

 

Sau cuộc họp của ủy ban liên chính phủ Nga-Ấn, ông cho biết: “Các đặc tính kỹ thuật của chiến đấu cơ này đã được bộ quốc phòng Nga và Ấn Độ xác nhận. Chúng tôi đề xuất bắt đầu sản xuất hàng loạt phiên bản xuất khẩu của T-50 từ năm 2020”.

 

Chiến đấu cơ T-50 được phát triển theo chương trình PAK FA tại Cục thiết kế thử nghiệm Sukhoi. Đây là chương trình phát triển các hệ thống máy bay chiến thuật tương lai và là kết quả của sự hợp tác quân sự giữa Nga và Ấn Độ với chi phí bỏ ra lên tới 10 tỷ USD. T-50 là dòng máy bay chiến đấu lớn đầu tiên của Nga thiết kế kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ.

 

T-50 đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào tháng 1/2010 và cho tới nay đã có 3 nguyên mẫu được tiến hành bay thử nghiệm. Theo RIA, số lượng chiến đấu cơ T-50 tham gia thử nghiệm sẽ tăng lên 14 chiếc vào năm 2015.

 

Theo các thông tin ban đầu, chiến đấu cơ thế hệ thứ năm Sukhoi T-50 mang những đặc tính kỹ thuật tiên tiến bậc nhất trên thế giới, với khả năng tàng hình, tốc độ bay siêu âm và tích hợp các hệ thống điện tử tối tân. Các máy bay Т-50 có thể bay với tốc độ tối đa lên tới 2100km/h với tầm hoạt động 5500km.

 

Thuộc dòng máy bay chiến đấu đa nhiệm, T-50 có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ tiêm kích cũng như cường kích, kể cả nhiệm vụ do thám. Về vũ khí, tùy theo mục đích sử dụng, T-50 có thể mang theo 8 tên lửa không đối không R-77 hoặc 2 bom có điều khiển nặng 1500 kg.

 

Hồi tháng 8/2011, chiến đấu thế hệ thứ 5 này đã lần đầu tiên được ra mắt công chúng tại triển lãm hàng không MAKS-2011 cũng được tổ chức tại Zhukovsky, gần thủ đô Moscow.

 

Dự kiến Sukhoi T-50 sẽ chính thức phục vụ từ năm 2016. Được biết, Không quân Ấn Độ có kế hoạch trang bị 200 chiếc chiến đấu cơ một chỗ ngồi này, còn Nga trang bị 150 chiếc.

   

Theo các chuyên gia quân sự, Sukhoi T-50 được Nga phát triển để cạnh tranh với chiếc F-22 Raptor của Mỹ (có giá bán 140 triệu USD một chiếc) và chiếc F-35 Lightning II của liên doanh Mỹ - Anh, hay chiếc Typhoon của châu Âu. Giá của mỗi chiếc T-50 được cho là sẽ không quá 100 triệu USD.Hiện chiến đấu cơ F-22 của Mỹlà chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 duy nhất đang được vận hành.

Nga sẽ bàn giao tàu sân bay Vikramaditya cho Ấn Độ cuối năm 2013

 

Trong một diễn biến liên quan khác, cũng trong chuyến công du tới New Delhi lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga – Anatoly Serdyukov hôm qua (10/10) cho biết, Nga dự kiến sẽ bàn giao tàu sân bay mới đại tu Vikramaditya cho Hải quân Ấn Độ vào quý thứ 4 của năm 2013.

   

Việc bàn giao tàu sân bay Vikramaditya, trước đó là tàu Đô đốc Gorshkov của Hải quân Nga cho Ấn Độ đã bị trì hoãn nhiều lần từ năm 2008 tới nay.

 

Trước đó, có nguồn tin cho biết, tàu này dự kiến sẽ được bàn giao cho Hải quân Ấn Độ vào ngày 4/12/2012 nhưng lại bị hoãn lại do loạt cuộc thử nghiệm trên biển hồi tháng 9 vừa qua của tàu gặp trục trặc.

 

Theo nguồn tin từ công ty Rosoboronexport, trong quá trình chạy thử ở tốc độ tối đa, nồi hơi trên tàu sân bay Vikramaditya đã bất ngờ dừng hoạt động. Nguyên nhân của việc này là lớp cách nhiệt làm việc không hiệu quả.

   

Ông Serdyukov nói với phóng viên ở New Delhi rằng: “Lỗi trong nồi hơi của tàu dự kiến sẽ được sửa tại xưởng Sevmash ở Severodvinsk vào mùa hè năm 2013. Sau đó, tàu sẽ lại tiếp tục được thử nghiệm trên biển và bàn giao cho Hải quân Ấn Độ vào quý tư năm 2013”.  

Trong khi đó, sau cuộc gặp với ông Serdyukov, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ - A.K.Antony cũng lên tiếng thúc giục phía Nga rằng: “Tất cả những vấn đề liên quan đến quá trình hiện đại hóa và thử nghiệm tàu đều phải tiến hành khẩn trương và tích cực để hoàn thành công việc càng sớm càng tốt”.

 

Gần đây, truyền thông Ấn Độ rộ tin đồn cho rằng, New Delhi đang tìm kiếm khoản tiền phạt lên tới 100 triệu USD từ phía Nga vì nước này trì hoãn quá nhiều lần việc bàn giao tàu sân bay này cho Ấn Độ.

 

Năm 2005, Ấn Độ và Nga đã ký hợp đồng trị giá 947 triệu USD, theo đó, Nga sẽ bán cho Ấn Độ chiếc tàu sân bay có tên cũ là Đô đốc Gorshkov này. Tuy nhiên, việc giao chiếc tàu đã bị trì hoãn hai lần, khiến chi phí làm mới bị đẩy lên thành 2,3 tỷ USD.

 

Được đóng từ năm 1978 đến 1982 tại xưởng đóng tàu Hắc Hải của Ukraina, tàu sân bay INS Vikramaditya hoạt động trong biên chế Hải quân Nga từ năm 1987. Tuy nhiên nó không còn ra khơi sau đó 9 năm vì chi phí vận hành quá lớn. Công việc làm mới vỏ tàu kết thúc vào năm 2008 và chiến hạm này đã được hạ thủy trở lại vào ngày 4/8/2008. Khoảng 99% phần kết cấu và gần 50% một số hạng mục khác đã hoàn thành vào tháng 6/2010. Hầu hết các thiết bị lớn gồm động cơ và máy phát diesel đã được lắp đặt.

 

Tuy nhiên, quá trình thử nghiệm các tính năng nâng cấp của tàu sân bay này vẫn còn gặp trục trặc nên đến nay nó vẫn chưa thể đến tay Hải quân Ấn Độ.

 

Tàu sân bay INS Vikramaditya là loại tàu sân bay lớp Project 1143.4 do Liên Xô cũ chế tạo. Tàu sân bay này có thể đạt tốc độ tối đa 32 hải lý/giờ và hoạt động liên tục suốt 13.500 hải lý (25.000 km) với vận tốc trung bình là 18 hải lý/giờ.

 

Với chiều dài 283m, rộng 31m, mớn nước 8,2m, lượng giãn nước 45.000 tấn, tàu sân bay INS Vikramaditya có thể mang 16 máy bay chiến đấu Mig-29K, tối đa là 16 chiếc trực thăng Ka-28 hoặc Ka-31. Hệ thống điện tử dựa trên hệ thống radar mảng pha đa chức năng, kết hợp với trực thăng chỉ huy và cảnh báo sớm trên không Ka-31AEW.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc