(VnMedia) - Hôm nay (4/10), Ấn Độ đã tiến hành phóng thử thành công tên lửa đạn đạo hạt nhân tự chế Prithvi II từ một bãi phóng thử gần Balasore, bang Odisha, miền tây nước này.
Thông tin trên vừa được ông M.V.K.V.Prasad - Giám đốc bãi phóng đưa ra hôm nay. Ông này cho biết: “Vụ thử đã được tiến hành thành công”.
Ấn Độ đã nhiều lần phóng thử Prithvi II, với lần phóng thử gần đây nhất là vào ngày 25/8. Khi đó tên lửa đi trúng mục tiêu đã xác định trên vịnh
Prithvi II là loại tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm trung do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng quốc doanh của Ấn Độ thiết kế và phát triển. Tên lửa này là một trong 5 loại tên lửa được phát triển theo Chương trình phát triển tên lửa dẫn đường liên hợp của Ấn Độ.
Đây là loại tên lửa đơn tầng chạy bằng nhiên liệu lỏng, có tầm bắn 350 km với khả năng mang đầu đạn hạt nhân nặng tới 500 kg.
Ấn Độ gần đây liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa, đặc biệt là những loại tên lửa tầm xa có sức huỷ diệt kinh hoàng như dòng tên lửa Agni.
Gần đây nhất, ngày 19/9 vừa qua, Ấn Độ đã bắn thử thành công tên lửa chiến lược hạt nhân có tầm bắn lên tới 4000 km - Agni-IV. Đây là vụ thử tên lửa Agni-IV lần thứ ba của Ấn Độ. Dự kiến tên lửa này sẽ được đưa vào sử dụng trong năm tới sau khi hoàn thành tất cả các cuộc thử nghiệm.
Trước đó, hồi tháng 4, Ấn Độ đã bắn thử thành công tên lửa tầm xa Agni-V có tầm bắn 5.000 km. Và với tầm bắn 5.000 km, tên lửa này được giới quan sát nhận định đủ sức tấn công bất cứ địa điểm nào tại Trung Quốc.
Việc phóng thử thành công tên lửa Agni-V cũng được xem như nền tảng quan trọng để Ấn Độ tiến tới phát triển tên lửa liên lục địa có tầm bắn 8.000 km. Hiện chỉ có Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc chính thức sở hữu tên lửa liên lục địa.
Việc Ấn Độ liên tục phóng thử thành công các loại tên lửa tối tân khiến nhiều quốc gia láng giềng là đối trọng của nước này lo ngại, đặc biết là Pakistan và Trung Quốc.
Ý kiến bạn đọc