Trung Quốc “sôi sục” trước thách thức của Nhật

08:24, 11/09/2012
|

(VnMedia) - Bất chấp sự phản đối liên tiếp và  quyết liệt của Trung Quốc, chính phủ Nhật Bản hôm qua (10/9) vẫn tuyên bố, họ đã chính thức quyết định mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ những người chủ sở hữu tư nhân. Động thái đầy thách thức này của Tokyo đã khiến Bắc Kinh “sôi sùng sục”, cảnh báo Nhật Bản sẽ phải chịu “những hậu quả khủng khiếp” nếu tiếp tục xúc tiến kế hoạch mua quần đảo tranh chấp.
 
Tại một cuộc họp giữa các bộ trưởng chiều qua (10/9), chính phủ Nhật Bản đã thông qua quyết định mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm trong tranh chấp với Trung Quốc. Cuộc họp này có sự tham dự của các Bộ trưởng hàng đầu chính phủ Nhật Bản như Tổng thư ký Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura; Ngoại trưởng Koichiro Gemba; Bộ trưởng Du lịch, Giao thông, Cơ sở Hạ tầng và Đất đai Yuichiro Hata cùng với Bộ trưởng Tài chính Azumi Jun.
 
Theo kế hoạch, Nhật Bản sẽ mua 3 trong số 5 hòn đảo chưa có người sinh sống thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với giá 2,05 tỉ Yên Nhật (tương đương 26,15 triệu USD) từ gia đình ông Kurihara. Đây là gia đình đang sở hữu quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
 
Được biết, chính phủ Nhật Bản sẽ quyết định dùng tiền trong quỹ dự trữ của mình để mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và sẽ ký hợp đồng chính thức với gia đình ông Kurihara trong cuộc họp nội các ngày hôm nay (11/9).
 
Diễn biến mới trên diễn ra ngay sau khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vừa có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda hôm 9/9 để khẳng định lại về lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ông Hồ Cẩm Đào đã nhấn mạnh, dù Nhật Bản mua lại quần đảo tranh chấp bằng bất kỳ cách nào thì đó đều là “hành động bất hợp pháp, vô giá trị và Trung Quốc cực lực phản đối động thái đó”.
 
Tổng thư ký Nội các Fujimura cho biết, quyết định quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư phản ánh nguyện vọng của Nhật Bản trong việc muốn tạo dựng một môi trường “ổn định và an toàn”, chứ không nhằm làm Trung Quốc tức giận. “Chúng tôi hy vọng, sẽ không có sự hiểu lầm gì ở đây”, ông Fujimura cho biết thêm.
 
Tuy nhiên, Trung Quốc không thể không nổi điên với hành động của Nhật Bản. Tokyo rõ ràng đang thách thức Bắc Kinh và sự thách thức này cho thấy, Nhật Bản không hề e ngại Trung Quốc.
 
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua đã có phản ứng đầy giận dữ trước quyết định mua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của Nhật Bản. Cơ quan này tuyên bố, Bắc Kinh sẽ “không ngồi yên để chủ quyền lãnh thổ bị xâm phạm".
 
"Trung Quốc kêu gọi mạnh mẽ Nhật Bản ngay lập tức chấm dứt tất cả các hành động gây phương hại đến chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và trở lại bàn đàm phán để giải quyết tranh chấp. Nếu Nhật Bản tiếp tục đi theo hướng này, họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả khủng khiếp sau đó”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố. Tuy nhiên, Bộ này không cho biết cụ thể đó là những hậu quả gì.
 
Trong khi đó, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã triệu tập Đại sứ Nhật tại Bắc Kinh đến để phản đối.
 
Mạnh mẽ hơn, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố “tuyệt đối không nhượng bộ” trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Ông này khẳng định, “Điếu Ngư là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc”.
 
Cả Bắc Kinh và Tokyo đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì gọi là Senkaku. Chùm đảo này nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan. Senkaku/Điếu Ngư là quần đảo có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Quần đảo này cũng gần với các tuyến đường biển quan trọng.
 
Tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nguyên nhân khiến cho mối quan hệ Trung-Nhật nhiều lần rơi vào căng thẳng. Cuộc đối đầu mới nhất giữa Trung Quốc và Nhật Bản được châm ngòi từ sự kiện một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc hôm 15/8 đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cắm cờ nhằm mục đích “khẳng định chủ quyền của Trung Quốc” đối với vùng lãnh thổ này. Sau sự kiện này, hai bên liên tục có những hành động đáp trả “ăn miếng trả miếng lẫn nhau” khiến cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng và kéo dài đến nay.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc