(VnMedia) - Nổi giận trước sự thách thức liên tiếp của Nhật Bản xung quanh vấn đề Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc mới đây đã đưa ra một lời đe dọa ám chỉ nước này sẽ dùng vũ lực để “xác định chủ quyền” đối với quần đảo đang nằm trong tranh chấp này.
Ông Geng Yansheng – một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, hôm 11/9, tuyên bố: “Chúng tôi đang theo sát diễn biến tình hình và có quyền đưa ra những biện pháp đáp trả thích đáng".
"Nhật Bản đã đưa ra đủ mọi lý do để mở rộng khả năng quân sự và liên tục khuấy động căng thẳng trong vấn đề Điếu Ngư. Chính phủ và các lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ kiên quyết và không lùi bước trong quyết tâm bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia”, phát ngôn viên Geng đã nói như vậy.
Việc một quan chức quốc phòng đưa ra lời đe dọa ám chỉ đến một hành động quân sự trong cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông là một điều hết sức bất thường.
Những phát biểu trên của ông Geng được đưa ra sau khi Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng lên tiếng khẳng định, nước này sẽ “không lùi dù chỉ một bước” trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc không phải là cơ quan duy nhất lên tiếng “khẳng định chủ quyền” đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Cục Khí tượng Trung Quốc hôm 11/9 thông báo, Văn phòng Khí tượng Trung ương nước này đã bắt đầu phát đi những dự báo thời tiết ở quần đảo Senkaku/ĐiếuNgư và những vùng lãnh hải xung quanh. Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc lần đầu tiên phát sóng chương trình dự báo thời tiết ở Senkaku/Điếu Ngư hôm 11/9
Cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ song phương giữa hai nước và nó đang lan sang các lĩnh vực hợp tác khác nhau.
Cả Bắc Kinh và Tokyo đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì gọi là Senkaku. Chùm đảo này nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan. Senkaku/Điếu Ngư là quần đảo có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Quần đảo này cũng gần với các tuyến đường biển quan trọng.
Cuộc đối đầu mới nhất giữa Trung Quốc và Nhật Bản được châm ngòi từ sự kiện một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc hôm 15/8 đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cắm cờ nhằm mục đích “khẳng định chủ quyền của Trung Quốc” đối với vùng lãnh thổ này.
Kiệt Linh -
(theo Asahi Shimbun)
Ý kiến bạn đọc