Tranh chấp Trung - Nhật: Không bên nào lùi

15:17, 26/09/2012
|

(VnMedia) - Các quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc và Nhật Bản hôm qua (25/9) đã có cuộc gặp nhằm tháo “ngòi nổ” vụ tranh chấp căng thẳng quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện nay. Tuy nhiên, tại cuộc gặp gỡ này, cả hai bên đều thể hiện thái độ cứng rắn, quyết không lùi bước.
 
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba cùng Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có cuộc hội đàm khá căng thẳng kéo dài một giờ đồng hồ về vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bên lề Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra tại New York, Mỹ. Đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á kể từ sau khi cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông giữa họ bùng phát dữ dội cách đây hai tuần.
 
Mặc dù cuộc gặp giữa ông Dương Khiết Trì và ông Koichiro Gemba có mục tiêu là nhằm làm dịu căng thẳng hiện nay giữa hai nước Trung - Nhật nhưng lập trường cũng như thái độ mà hai bên thể hiện trong cuộc gặp này vẫn rất cứng rắn và kiên quyết.
 
Tờ Tân Hoa xã cho biết, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã tuyên bố với người đồng cấp Nhật Bản rằng, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là “vùng lãnh thổ thiêng liêng” của họ. Đáp lại, Ngoại trưởng Nhật Bản nhấn mạnh, nước này có lập trường riêng của mình trong vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, tránh gây nguy hại cho mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất Châu Á.
 
Ông Sato Masaru, thư ký báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, miêu tả, cuộc gặp giữa Ngoại trưởng hai nước Trung Quốc và Nhật Bản diễn ra khá “căng thẳng”. Tuy nhiên, cuộc gặp này không phải là không đem lại kết quả gì. Nó đã cho thấy, hai bên đều nhất trí họ có lợi ích chung trong việc củng cố mối quan hệ song phương.
 
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo, Tổng thư ký Nội các Nhật Bản - ông Osamu Fujimura cho biết, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Koichiro Gemba đã đồng ý tiếp tục thảo luận, đàm phán với nhau về vấn đề Senkaku/Điếu Ngư.
 
Quan hệ Trung - Nhật bắt đầu xấu đi một cách trầm trọng trong tháng này sau khi chính phủ Nhật Bản quyết định mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tay những người chủ sở hữu tư nhân. Động thái này của phía Nhật Bản đã châm ngòi cho một loạt cuộc biểu tình chống Nhật đầy giận dữ bùng lên khắp Trung Quốc.
 
Trong một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ kinh tế Trung - Nhật bị ảnh hưởng, các tập đoàn sản xuất ô tô nổi tiếng của Nhật Bản như Toyota Motor Corp, Nissan Motor Co Ltd và Suzuki đều đang cắt giảm sản xuất ở Trung Quốc sau khi xảy ra các cuộc biểu tình bạo lực ở nước này.
 
Cuộc gặp của các nhà ngoại giao Trung Quốc và Nhật Bản ở Liên Hợp Quốc và trước đó ở thủ đô Bắc Kinh đều cho thấy, Bắc Kinh không muốn căng thẳng xung quanh tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư dẫn đến một sự đổ vỡ trong quan hệ với Tokyo.
 
Tuy nhiên, những phát biểu cứng rắn của giới lãnh đạo Trung Quốc cho thấy, cuộc đối đầu này còn lâu mới kết thúc. Bắc Kinh liên tục khẳng định quần đảo Senkaku/Điếu Ngư “là phần lãnh thổ thiêng liêng” của nước này “từ thời cổ đại”.
 
Trung-Nhật sẽ tiếp tục “vờn” nhau
 
Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản từ lâu nay vẫn bị “ám ảnh” bởi những ký ức cay đắng của Trung Quốc về thời bị Tokyo xâm lược quân sự trong giai đoạn giữa những năm 1930 và 1940. Và hiện nay, hai nền kinh tế lớn nhất Châu Á còn là đối thủ với nhau trong việc tranh giành ảnh hưởng cũng như các nguồn lực trong khu vực.
 
Cuộc tranh chấp lãnh thổ quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư diễn ra đúng thời điểm Trung Quốc đang chuẩn bị bước vào một cuộc chuyển giao quyền lực lịch sử một thập kỷ một lần. Trong khi đó, đảng cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đang đối mặt với khả năng chịu thất bại trong một cuộc bầu cử dự kiến diễn ra trong vài tháng tới. Trong bối cảnh như vậy, cả Bắc Kinh và Tokyo khó lòng có thể thể hiện bất kỳ sự nhượng bộ nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.
 
Không được thể hiện sự mềm yếu, giới lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục phải tung ra những đòn quyết liệt để cho thấy lập trường kiên quyết của họ. Song song với đó, Tokyo và Bắc Kinh vẫn có những bước đi nhằm làm dịu tình hình.
 
Trung Quốc đã huỷ lễ kỷ niệm 40 năm ngày nước này bình thường hoá quan hệ với Nhật Bản. Tuy nhiên, một quan chức thuộc Hiệp hội Kinh tế Trung Quốc-Nhật Bản tiết lộ, Chủ tịch tập đoàn Toyota  - ông Fujio Cho và Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản Keidanren - ông Hiromasa Yonekura cùng với các đại diện của nhiều tổ chức hữu nghị Trung-Nhật khác sẽ tham dự một sự kiện ở thủ đô Bắc Kinh vào ngày mai (27/9).
 
Ngoài ra, tàu thuyền tuần tra của hai nước sẽ tiếp tục chơi trò “mèo vờn chuột” ở những vùng lãnh hải quanh quần đảo tranh chấp. Rất có thể, những cuộc va chạm, đụng độ nhỏ sẽ xảy ra. Tuy nhiên, tàu thuyền Trung, Nhật được cho là sẽ tránh không để cho cuộc đối đầu giữa họ leo thang thành một cuộc xung đột quân sự lớn, gây tổn thất nặng nề cho cả hai bên.
 
Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trong khi Nhật Bản gọi là Senkaku. Nhật Bản đang kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng Trung Quốc không chấp nhận điều này. Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nguyên nhân chính khiến quan hệ Trung-Nhật thường xuyên rơi vào căng thẳng.
 
Mới đây nhất, sóng gió ở biển Hoa Đông lại nổi lên sau sự kiện một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc hôm 15/8 đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cắm cờ nhằm mục đích “khẳng định chủ quyền của Trung Quốc” đối với vùng lãnh thổ này. Nhật Bản cũng đáp trả bằng một loạt động thái đầy thách thức, trong đó đỉnh điểm là việc nước này mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc