Tàu Trung Quốc lại khiêu khích ở vùng tranh chấp với Nhật

14:00, 24/09/2012
|

(VnMedia) - Hai tàu hải giám Trung Quốc sáng nay (24/9) lại xâm nhập vào vùng lãnh hải tranh chấp với Nhật Bản, khiến cho cuộc đối đầu giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á thêm nóng bỏng.
 
Tờ Tân Hoa xã – cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc, vừa mới đây xác nhận, hai tàu hải giám của họ đang “thực hiện chuyến tuần tra bảo về các quyền” của họ ở gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Cụ thể, hai tàu hải giám Haijian 66 và Haijian 46 của Trung Quốc sáng sớm nay đã tiến vào vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết.
 
Phản ứng trước động thái khiêu khích mới của phía Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã gửi văn bản phản đối chính thức đến Nhật Bản thông qua Đại sứ nước này tại thủ đô Bắc Kinh.
 
Về phần mình, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã cảnh báo 2 tàu hải giám Trung Quốc tránh xa ra khỏi khu vực tranh chấp nhưng chưa nhận được câu trả lời từ phía các con tàu này.
 
Ngoài 2 tàu hải giám xâm nhập vào khu vực gần Senkaku/Điếu Ngư, tính đến 7 giờ sáng nay, Trung Quốc còn có 9 tàu tuần tra khác đang lượn lờ gần quần đảo tranh chấp. Tuy nhiên, 9 con tàu này đang ở ngoài khu vực lãnh hải của Nhật Bản, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết.
 
Chính phủ Nhật Bản cũng đã thành lập một nhóm đối phó với Trung Quốc ngay tại văn phòng của Thủ tướng sau khi xảy ra sự kiện hai tàu hải giám xâm nhập vào vùng lãnh hải tranh chấp.
 
Quan hệ giữa hai nước láng giềng Trung Quốc và Nhật Bản đã “lao dốc không phanh” sau khi Tokyo quyết định mua lại một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku.
 
Đề cập đến cuộc tranh chấp hiện nay, tờ Tân Hoa xã của Trung Quốc cáo buộc, "trong những ngày gần đây, Nhật Bản liên tục có những hành động khiêu khích liên quan đến vấn đề Điếu Ngư, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Trung Quốc đưa tàu tuần tra đến khu vực để thực thi quyền kiểm soát hành chính đối với quần đảo”.
 
Tờ Tân Hoa xã tuyên bố, Trung Quốc sẽ khởi động lại các chuyến đi tuần tra thường xuyên ở khu vực lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Đài Loan "đổ thêm dầu vào lửa"
 
Khi cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang leo thang đến đỉnh điểm thì Vùng lãnh thổ Đài Loan lại “đổ thêm dầu vào lửa” bằng một loạt động thái mới liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Đài Loan gọi là Tiaoyutai này.
 
Báo chí Đài Loan đưa tin, vùng lãnh thổ này đang huy động khoảng 60 tàu đánh cá đến vùng lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Được biết, 60 tàu đánh cá Đài Loan hôm nay đã lên đường tiến tới Uotsuri – đảo lớn nhất thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Những con tàu này chở theo các ngư dân của Vùng lãnh thổ Đài Loan và sẽ tụ tập ở khu vực ngoài khơi phía tây nam của đảo Uotsuri. Tuy nhiên, các ngư dân Đài Loan không có kế hoạch đổ bộ lên bất kỳ đảo nào trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Trước đó, ngày hôm qua (23/9), hàng trăm nhà hoạt động Đài Loan cũng đã tiến hành các cuộc biểu tình chống Nhật Bản. Những người biểu tình đã kêu gọi tẩy chay hàng hoá Nhật Bản khi họ diễu hành qua một cửa hàng bán đồ của Nhật Bản.
 
Cả Nhật Bản, Trung Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, Nhật Bản gọi là Senkaku còn Đài Loan gọi là Tiaoyutai. Đài Loan vốn ít lên tiếng nhất trong căng thẳng gần đây xung quanh cuộc tranh chấp liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư này. 

Căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang leo đến đỉnh điểm sau khi cuộc tranh chấp giữa họ quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bị “khuấy tung” lên bởi sự kiện một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc hôm 15/8 đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cắm cờ nhằm “khẳng định chủ quyền”. Cuộc đối đầu này đã leo thang lên đến đỉnh điểm sau khi Tokyo quyết định mua lại quần đảo tranh chấp từ tay những người chủ sở hữu tư nhân.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 hòn đảo nằm cách đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản, khoảng 160km, và cách Vùng lãnh thổ Đài Loan khoảng 200km. Chùm đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan này có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Nó cũng nằm gần với các tuyến đường biển quan trọng.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc