Tàu Trung, Nhật “vờn” nhau ở biển Hoa Đông

07:01, 13/09/2012
|

(VnMedia) - Một loạt tàu tuần tra của Nhật Bản đang quây tròn xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông nhằm bảo vệ quần đảo này trước bất kỳ sự xâm phạm nào của tàu thuyền Trung Quốc. Bắc Kinh trước đó đã phái tàu của họ đến khu vực với tuyên bố là để “khẳng định chủ quyền” đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản hôm qua (12/9) đưa tin, hai chiếc tàu thuộc Cục Giám sát Hàng hải Trung Quốc đã có mặt ở biên giới giữa vùng đặc quyền kinh tế của nước này với Nhật Bản. Tuy nhiên, theo Asahi Shimbun, tàu Trung Quốc chưa tiến về phía quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là quần đảo đang là trung tâm của một cuộc tranh chấp lãnh thổ quyết liệt giữa Bắc Kinh và Tokyo.
 
Tờ Tân Hoa Xã – hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, đưa tin, việc họ triển khai tàu đến Senkaku/Điếu Ngư là dựa trên một kế hoạch hành động mà họ vạch ra nhằm “bảo vệ chủ quyền đất nước”.
 
“Chúng ta đang ở gần với vùng lãnh thổ rất nguy hiểm bởi cả hai nước đều đang tăng cường các hoạt động tuần tra trên cùng một khu vực. Những hoạt động này làm gia tăng khả năng xảy ra các vụ việc bất ngờ giữa lực lượng an ninh hai nước", ông Yoichiro Sato, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế thuộc trường Đại học Châu Á-Thái Bình Dương Ritsumeikan của Nhật Bản, nhận định.
 
Tàu Nhật Bản đang được đặt trong tình trạng báo động cao để chờ xem Trung Quốc hành động như thế nào và từ đó đưa ra biện pháp đáp trả. Tàu thuyền hai nước Trung, Nhật hiện tại chỉ đang “vờn” nhau ở vùng tranh chấp chứ chưa xảy ra bất kỳ vụ đụng độ nào như một số trang mạng và blog của Trung Quốc đồn đại trước đó.
 
Tờ Tân Hoa Xã mới đây đã phải lên tiếng bác thông tin về việc hai tàu Trung Quốc “đọ súng” với tàu Nhật ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Theo các tin đồn xuất phát từ phía Trung Quốc này, cuộc đọ súng xảy ra sau khi tàu Trung Quốc xuất phát được vài giờ. Tàu Nhật Bản được cho là nổ súng trước và hai bên đã có cuộc đụng độ kéo dài 45 phút.
 
Một số cư dân mạng Trung Quốc còn nói thêm rằng, tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung - Nhật đã “phát triển thành cuộc đối đầu toàn diện, tình thế trở nên khó kiểm soát và một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra". Quân khu Tế Nam, Nam Kinh đã chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp.
 
Mặc dù Tân Hoa Xã khẳng định các thông tin trên là hoàn toàn không chính xác nhưng nó cũng khiến không ít người dân Trung Quốc lo ngại, hoang mang.
 
Cả Bắc Kinh và Tokyo đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì gọi là Senkaku. Chùm đảo này nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan. Senkaku/Điếu Ngư là quần đảo có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Quần đảo này cũng gần với các tuyến đường biển quan trọng.
 
Tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nguyên nhân khiến cho mối quan hệ giữa hai cường quốc Trung - Nhật thường xuyên rơi vào sóng gió. Cuộc tranh chấp trên đã “dậy sóng” trở lại trong mấy tuần qua sau khi một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc hôm 15/8 đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cắm cờ nhằm mục đích “khẳng định chủ quyền của Trung Quốc” đối với vùng lãnh thổ này. Sự kiện đó là khởi nguồn cho một loạt diễn biến căng thẳng sau đó. Hai nước liên tục khẩu chiến với nhau bằng những lời cảnh báo, đe dọa và không bên nào chịu nhượng bộ.
 
Những người dân theo chủ nghĩa dân tộc ở Nhật Bản đã gây sức ép buộc chính phủ phải mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ một người chủ sở hữu tư nhân để bảo vệ chủ quyền của nước này với quần đảo. Ngày 11/9, bất chấp những cảnh báo sắc lạnh của Bắc Kinh, Tokyo đã chính thức ký hợp đồng mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Ông Geng Yansheng, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, hôm 11/9 đã tuyên bố: “Chính phủ và các lực lượng vũ trang Trung Quốc rất kiên quyết và không thay đổi trong quyết tâm bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ đất nước".
 
Liệu có xảy ra xung đột trên biển?
 
Ông Jamie Metzl – một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Xã hội Châu Á ở New York cho rằng, “có khả năng sẽ xảy ra một cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản bởi khi chủ nghĩa dân tộc ở các nước này lên cao, mọi người bắt đầu hành động một cách vô lý. Và đó chính là những gì chúng ta đang chứng kiến”.
 
“Điều cần diễn ra bây giờ là một giai đoạn hòa dịu để tiến tới đàm phán. Nhưng rất khó để có được các cuộc đàm phán khi mà hai nước, đặc biệt là Trung Quốc, đang bác bỏ những nguyên tắc được đưa ra trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Nếu Luật quốc tế không được áp dụng thì câu hỏi đặt ra ở đây là chúng ta nên áp dụng cái gì. Có vẻ như là họ đang muốn áp dụng luật rừng”, ông Metzl nói thêm.
 
Ông Metzl không dự đoán trước về một cuộc xung đột trên biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Hầu hết các chuyên gia đều nhận định, sẽ không có nước nào muốn đổ máu vì một vài hòn đảo chưa có người sinh sống. Cuộc tranh chấp này là bằng chứng về cái mà ông Metzl gọi là thời kỳ hậu Mỹ mới ở Châu Á-Thái Bình Dương.
 
“Trung Quốc đang phô trương sức mạnh không chỉ để gây áp lực với các nước khác mà còn để thử thách mối quan hệ giữa một số nước, đặc biệt là Mỹ-Nhật Bản”, nhà phân tích Metzl cho biết.
 
Lập trường của Mỹ đối với cuộc tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư không rõ ràng mặc dù Washington luôn gọi quần đảo này theo cái tên Senkaku của Nhật Bản. Tuy nhiên, Washington được cho là sẽ phải bảo vệ Tokyo trong trường hợp xảy ra xung đột giữa nước này với Bắc Kinh.
 
Trả lời một câu hỏi của phóng viên Nhật Bản hồi đầu tuần này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Victoria Nuland đã nhấn mạnh, Mỹ không đưa ra lập trường về việc ai sở hữu quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng bà này cho biết, Washington tuân theo một hiệp ước mà họ đã ký kết với Nhật Bản năm 1971. Khi đó, Mỹ đã trả lại một số hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cho phía Nhật Bản.
 
Ngoài ra, Mỹ có hiệp ước quốc phòng chung với Nhật Bản. Nếu Trung Quốc muốn dùng vũ lực trong cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông thì Nhật Bản chờ đợi Mỹ tôn trọng cam kết an ninh của họ và sẽ đến bảo vệ Nhật Bản.
 
Mỹ sẽ không còn lựa chọn nào khác bởi họ phải đảm bảo tính đáng tin cậy của các hiệp ước an ninh, không chỉ với Nhật Bản mà với cả các đồng minh khác. Mỹ chắc chắn không muốn phải đặt mình vào tình huống như vậy. Vì thế, cách tốt nhất đối với Mỹ bây giờ là phải ngăn chặn Trung Quốc bằng những cam kết miệng đầy mạnh mẽ và quyết liệt với Tokyo.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc