Sau Mỹ, đến Nga "để mắt" châu Á-Thái Bình Dương

19:08, 04/09/2012
|

(VnMedia) - Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đang diễn ra ở Vladivostok, được đánh giá sẽ là cơ hội để Nga tăng cường tầm ảnh hưởng của mình sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời đẩy mạnh chiến lược “Hướng về phía Đông” của mình.

Tăng cường tầm ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương
  
Là quốc gia có diện tích rộng nhất thế giới nối từ châu Âu sang châu Á nhưng Nga có hơn 70% lãnh thổ nằm ở châu Á. Bởi vậy, khu vực châu Á-Thái Bình Dương có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với Nga dù có xét về khía cạnh phát triển kinh tế, địa chính trị hay an ninh quốc gia.
  
Thêm vào đó, so với khu vực châu Âu đang điêu đứng vì khủng hoảng, kinh tế ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lại đang phát triển một cách vững chắc, do đó có thể trở thành một thị trường rộng lớn cho Nga, quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nhiên liệu thô, đặc biệt là khí đốt và dầu mỏ.
  
Bởi vậy, Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga - ông Igor Shuvalov mới đây cho rằng, để thực hiện nhiệm vụ đa dạng hóa nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô, Nga phải thay đổi cán cân thương mại. Ít nhất 50% kim ngạch ngoại thương của Nga cần phải chuyển sang các nước trong khu vực của APEC, đó là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, cùng nhiều nước khác.
  
Theo nhận định của các chuyên gia, việc chủ trì APEC 2012 sẽ là một cơ hội giúp Nga tăng cường ảnh hưởng kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thị phần Nga trong tổng khối lượng thương mại khu vực này chỉ chiếm 1%, chưa tương xứng với ảnh hưởng chính trị của Nga và lợi ích kinh tế của các doanh nghiệp Nga trong khu vực. Để giải quyết vấn đề này, Nga cần tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình hội nhập và các cơ chế tồn tại trong khu vực.
 
Việc chọn châu Á là hành trình của chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Putin sau khi trở lại cương vị ông chủ Điện Kremlin trong năm nay cũng là ngụ ý cho thấy những ưu tiên của Nga cho sự liên kết với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hồi tháng 7 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng nói rằng, Nga sẽ tiếp tục tăng cường vị thế của mình trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một trung tâm mới nổi lên của sự phát triển toàn cầu.
  
Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động đến khu vực này, nhưng nó vẫn tiếp tục tăng cường sức mạnh kinh tế và giữ đà tăng trưởng mạnh nhất. Tôi tin rằng việc chúng ta tham gia tích cực vào tiến trình hội nhập đang diễn ra ở khu vực này sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế xã hội ở Siberia và Viễn Đông.”

Thúc đẩy chiến lược "Hướng về phía Đông"
 
Tham vọng hồi sinh nền kinh tế của vùng Viễn Đông thưa thớt dân cư và lạc hậu về công nghiệp cũng là một trong những lý do căn bản đằng sau động thái Nga chủ trì tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC ở vùng Viễn Đông.

Theo Giám đốc Vụ châu Á và châu Phi, thuộc Bộ Phát triển kinh tế của Nga - ông Sergey Chernyshev, trong khi Mỹ và Trung Quốc ưu tiên tìm kiếm thị trường mới thì nước Nga cũng phải thúc đẩy những nỗ lực tương tự. Nga có tất cả mọi cơ sở kinh tế để hội nhập vào khu vực vì lợi ích chung, bởi vậy, APEC là bước đi để khôi phục sự hội nhập của vùng Viễn Đông và Siberia vào nền kinh tế của đất nước cũng như hội nhập vào nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn.
   
Bên cạnh vấn đề phát triển kinh tế, Nga cũng đang tìm kiếm cơ hội mở rộng không gian chiến lược và bảo vệ an ninh ở miền đông bằng cách đầu tư phát triển vùng Viễn Đông.
 
Sự mở rộng của Liên minh châu Âu và kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu đang khiến Nga hết sức lo ngại. Bởi vậy, để đối phó với những nguy cơ đến từ những động thái trên, Nga đang ngày một chú ý hơn tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khu vực được coi là một điểm bứt phá để Nga mở rộng không gian chiến lược.
  
Bên cạnh đó, với sự trở lại của Mỹ vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như sự tái vũ trang của Nhật Bản, Nga cần phải tìm ra biện pháp để đối phó với những mối đe dọa tiềm tàng đó và bảo vệ an ninh địa chính trị ở vùng lãnh thổ phía đông của mình.
  
Là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng chính trị lớn nhất với tầm nhìn chiến lược ở Nga, Putin hồi năm 2006 đã quyết định đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông, một thành phố có tầm quan trọng chiến lược nhưng có cơ sở hạ tầng nghèo nàn, nằm cách thủ đô Moscow khoảng 6400 km về phía đông. 
 
Kể từ đó, chính phủ Nga đã đầu tư khoảng 22 tỷ USD để chuẩn bị cho sự kiện này, bất chấp việc nhiều người biểu tình cho rằng đó là một sự đầu tư “mù quáng” vào một khu vực xa xôi hẻo lánh với mật độ dân cư thưa thớt.
 
Chiến lược "Hướng về phía Đông" của Nga được thể hiện ngay sau khi Tổng thống Putin trở lại Điện Kremlin hồi tháng 5 vừa qua. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Putin đã ký kết một sắc lệnh tổng thống để thành lập Bộ Phát triển Viễn Đông và bổ nhiệm ông Viktor Ishayev, cựu đặc phái viên Nga tại khu vực này làm bộ trưởng.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí gần đây, ông Ishayev từng nói, Nga đã đặt ra mục tiêu tăng cường nỗ lực nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội ở khu vực này, đồng thời xây dựng vùng Viễn Đông trở thành một trung tâm của Nga ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.


Việt Nguyễn - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc