Quan hệ Mỹ-Israel rạn nứt vì Iran

18:35, 03/09/2012
|

(VnMedia) - Mấy tuần gần đây, thông tin về những "rạn nứt" trong quan hệ Mỹ và Israel  xung quanh vấn đề hạt nhân của Iran đang ngày một trở nên công khai và rõ ràng.

 

Cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đều nhất trí quan điểm không để Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, điểm mấu chốt gây bất đồng giữa hai nước là làm thế nào để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran.

   

Mỹ công khai phản đối Israel tấn công Iran

Các quan chức cấp cao Mỹ và Israel  từng ví von rằng, đồng hồ của hai nước đang chạy theo tốc độ khác nhau để thể hiện sự bất đồng giữa hai nước về một cuộc tấn công vào Israel. Israel muốn sớm tấn công nước CH Hồi giáo nhưng Mỹ thấy chưa đến lúc làm điều đó
.

 

Một trong những nhân vật phản đối Israel đánh Iran mạnh mẽ nhất là Tướng Martin Dempsey - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. Hồi tuần trước, ông Dempsey đã tuyên bố, ông sẽ không “đồng lõa” nếu Israel quyết định tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran . Tuyên bố này được đưa ra chỉ 2 tuần sau khi ông Dempsey phát biểu, hành động tấn công quân sự của Israel chỉ có thể trì hoãn chương trình hạt nhân của Iran chứ không thể phá hủy hoàn toàn chúng.

 

Ngoài những phát biểu trên, Mỹ cũng đã có những hành động phản đối mạnh mẽ việc Israel có ý định tấn công Iran. Tạp chí Times hồi cuối tuần trước đăng tải một bài xã luận, trong đó nói rằng Mỹ sẽ cắt giảm số binh lính dự kiến tham gia vào cuộc tập trận chung mang tên “Austere Challenge 12” với Israel từ 5.000 xuống còn 1.500 lính.

 

Lầu Năm Góc cũng nói rằng, họ sẽ giảm số lượng hệ thống đánh chặn tên lửa tham gia cuộc tập trận. Thêm vào đó, cũng chỉ có một tàu chiến phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis được triển khai trong cuộc tập trận, thay vì hai chiếc như dự kiến.

   

Giáo sư Eytan Gilboa thuộc Đại học Bar-Ilan của Mỹ cho biết: “Mỹ không muốn Israel phát động cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran , và hàng ngày, chúng ta có thể thấy những tuyên bố công khai nhằm ngăn chặn hành động tấn công của Israel ”.

   

“Ở đây cũng tồn tại sự không tin tưởng giữa hai nhà lãnh đạo. Thủ tướng Israel không tin rằng ông Obama thực sự nghiêm túc trong việc ngăn chặn Iran, còn Obama lại nghi ngờ ông Netanyahu sẽ cho phép tiến hành cuộc tấn công mà không cần "hỏi" ý kiến Mỹ,” ông Gilboa nói thêm.


Thiếu sự tin tưởng lẫn nhau
 

Thủ tướng Israel hôm qua (2/9) một lần nữa đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy chung tay ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran .

   

Tại một cuộc họp nội các hàng tuần, ông Netanyahu nhấn mạnh: “Cộng đồng quốc tế chưa bật đèn đỏ rõ ràng cho Iran . Hiện Iran chưa nhìn thấy quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn nước này phát triển chương trình hạt nhân. Và bởi vậy, Iran sẽ không ngừng tiến bước”.

   

Tuy vậy, trước đó, hồi đầu năm nay, ông Netanyahu đã thành công trong việc thuyết phục Liên minh châu Âu và Mỹ tăng cường áp đặt thêm lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran . Thế nhưng, trong khi những lệnh trừng phạt cứng rắn hơn được áp đặt thì Thủ tướng Israel vẫn chưa "thỏa mãn" khi cho rằng, các lệnh trừng phạt tài chính, thương mại hay dầu mỏ vẫn không đủ để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran.

   

Trong khi đó, những nghi ngại của Mỹ về kế hoạch của Israel cũng được cựu Đại sứ Mỹ tại Israel – ông Martin Indyk xác nhận. Ông chính là người mà cách đây hai tuần đã nói với đài phát thanh Quân đội Israel rằng,  chính quyền Obama từng tin  Israel sẽ tấn công Iran từ mùa xuân năm ngoái nhưng cuối cùng điều đó cũng không xảy ra. Bởi vậy, Mỹ đã học được một bài học lớn là “sống chung” với những lời đe dọa của Israel .

   

Bên cạnh những tuyên bố công khai của các quan chức Mỹ nhằm phản đối cuộc tấn công của Israel, một số cựu thành viên của quân đội và lực lượng an ninh Israel như cựu Giám đốc Tình báo của Israel – ông Meir Dagan và cựu Tổng tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Israel – ông Gabi Ashkenazi cũng có quan điểm tương tự với các quan chức Mỹ.

   

Giáo sư Giboa cho rằng, ban lãnh đạo của Israel đang gặp nguy vì không có đủ sự ủng hộ cả bên trong lẫn bên ngoài để Israel tiến hành cuộc tấn công. Tuy nhiên, ông Giboa cũng lưu ý là rất khó để tiên liệu rằng, liệu điều đó có tác động đến quyết định của Thủ tướng Netanyahu hay không.

Trong khi đó, ông Zalman Shoval, người từng giữ chức vị Đại sứ Israel tại Mỹ hai nhiệm kỳ - từ nằm 1990 đến 1993 và từ 1998 đến 2000 nhận định rằng, giọng điệu ngày một gay gắt và công khai của các quan chức Mỹ cũng chẳng có nghĩa lý gì đối với việc Israel có quyết định tấn công Iran hay không, bởi vì các quốc gia thường đưa ra quyết định dựa trên lợi ích của mình.

 

Ông Shoval nói: “Chính quyền Obama ngay lúc này chưa hề có một lợi ích nào trong việc tạo căng thẳng và sức ép quốc tế đối với Iran nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung”.

   

“Trước hết là vì cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, và tiếp đó là vì chính quyền của Obama về nguyên tắc sẽ cố gắng không nhúng tay thêm vào một cuộc khủng hoảng nào ở khu vực Trung Đông nữa”, ông Shoval nói thêm.

   

Nhìn lại những kinh nghiệm đã tích lũy được trong quá trình làm Đại sứ ở Mỹ của mình, ông Shoval nhận định, thậm chí ngay cả khi giữa thủ tướng và tổng thống trước đây của hai nước có thiếu tin tưởng lẫn nhau thì cuối cùng đến thời điểm nào đó hai bên tìm được những lợi ích chung thì mọi bất đồng cũng đều được gác sang một bên và mối quan hệ lại được cải thiện.


Việt Nguyễn - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc