Phe nổi dậy Syria thưởng lớn để bắt ông Assad

06:32, 19/09/2012
|

(VnMedia) - Quân đội Syria Tự do mới đây đã treo thưởng một số tiền khổng lồ lên đến 25 triệu USD cho ai bắt giữ được Tổng thống Bashar al-Assad dù sống hay chết, hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 18/9 đưa tin.
 
Chỉ huy Quân đội Syria Tự do (FSA) - ông Ahmed Hijazi cho biết, số tiền trên sẽ được chi trả bởi những người ủng hộ của phe nổi dậy cũng như “những doanh nhân Syria đang làm việc bên trong và bên ngoài đất nước”. Trước đó, hồi tháng trước, Mỹ đã thông báo sẽ cung cấp viện trợ 25 triệu USD cho phe nổi dậy Syria.
 
Việc phe nổi dậy Syria treo thưởng cho “cái đầu” của Tổng thống Assad diễn ra trong bối cảnh các cường quốc phương Tây đang tìm cách gây thêm nhiều áp lực để buộc Tổng thống Assad phải ra đi.
 
Ông Lakhdar Brahimi - đặc phái viên mới của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả-rập về vấn đề Syria, mới đây đã lên tiếng cảnh báo, cuộc khủng hoảng hiện nay ở đất nước Trung Đông “đang đặt ra một mối đe doạ nghiêm trọng đối với nhân dân Syria, với khu vực và toàn bộ thế giới”.
 
Cuộc nổi dậy ở đất nước Syria bắt đầu bùng lên từ hồi tháng 3 năm ngoái. Suốt 18 tháng qua, cuộc nổi dậy này không ngừng leo thang với những cuộc đụng độ ngày một ác liệt và đẫm máu giữa quân đội Syria và phe nổi dậy muốn lật đổ Tổng thống Assad.
 
Theo các nhà hoạt động cho biết, khoảng 23.000 người đã thiệt mạng vì các vụ bạo lực ở Syria trong hơn một năm rưỡi qua. Trong khi chính phủ Syria tuyên bố đang đấu tranh với “các băng nhóm khủng bố có vũ trang” muốn gây bất ổn đất nước, thì phe nổi dậy cáo buộc chính quyền đàn áp người biểu tình.
 
Khi cuộc khủng hoảng ở Syria diễn biến ngày một nghiêm trọng thì các cường quốc phương Tây do Mỹ dẫn đầu lại mâu thuẫn sâu sắc với Nga và Trung Quốc về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng này. Trong khi phương Tây muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad thì hai nước Nga, Trung lại phản đối điều đó. Tình hình này khiến cho cuộc khủng hoảng ở Syria rơi vào bế tắc. Cơ hội để các nước tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề Syria ngày càng trở nên mờ nhạt và cuộc xung đột ở đất nước này vì thế cứ kéo dài dai dẳng.
 
Bộ Tứ Hồi giáo tìm hướng “giải cứu” Syria
 
Trong bối cảnh tình hình bế tắc ở Syria, các nước Hồi giáo có ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông hôm qua (17/9) đã lần đầu tiên tổ chức một cuộc họp cấp cao ở thủ đô Cairo, Ai Cập nhằm tìm kiếm hướng giải quyết cho cuộc khủng hoảng ở Syria.
 
4 nước gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út, Ai Cập và Iran đã thành lập ra Bộ Tứ Hồi giáo với nhiệm vụ là chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria. Tìm kiếm một giải pháp cho tình hình Syria không hề dễ dàng nhưng lần đầu tiên người ta thấy các nước ủng hộ và chống đối Syria ngồi lại được với nhau đã là một thành công. Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út và Ai Cập phản đối chính quyền của Tổng thống Syria Assad trong khi Iran là đồng minh vững chắc của ông Assad.
 
Cuộc họp của Ngoại trưởng các nước thuộc Bộ Tứ Hồi giáo diễn ra theo đề xuất của tân Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi. Trước sự kỳ vọng của một số người, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã phát biểu: "Đừng ai mong chờ từ một cuộc họp người ta có thể đưa ra ngay được một kế hoạch hành động mà tất cả chúng ta đều có thể đồng ý ngay và có thể trình cho người khác".
 
Ngoại trưởng Ai Cập Mohamed Kamel Amr cũng thừa nhận, Bộ Tứ Hồi giáo ngày hôm qua chưa đưa ra được một kế hoạch nào nhưng “chúng tôi đã có cuộc thảo luận về vấn đề này". 
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi ca ngợi Ai Cập về cuộc nổi dậy thành công của nước này. Trong cuộc nổi dậy đó, Ai Cập đã lật đổ được vị lãnh đạo lâu năm của họ hồi năm ngoái và từ đó đã truyền cảm hứng cho cuộc nổi dậy ở đất nước Syria.
 
Ngoại trưởng Salehi cũng cho biết: “Bộ Tứ Hồi giáo có nhiều điểm chung hơn sự khác biệt. Việc tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho vấn đề Syria là rất quan trọng”.
 
Mặc dù vậy, Iran vẫn thể hiện sự bất đồng với 3 nước còn lại trong Bộ Tứ Hồi giáo. Trong khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, mục đích tối cao mà các nước hướng tới là “một đất nước Syria mạnh” dựa trên “quyền lợi và yêu cầu hợp pháp của nhân dân Syria” thì ông Salehi lại khẳng định, “giải pháp ở Syria phải là do người Syria quyết định”, chứ “không nên được áp đặt từ bên ngoài”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc