(VnMedia) - Phó Chủ tịch Tập Cận Bình – người được dự đoán sẽ trở thành người kế nhiệm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào tháng tới, hôm qua (19/9) đã thể hiện một thái độ cứng rắn đối với cả Mỹ và Nhật Bản xung quanh vấn đề Senkaku/Điếu Ngư.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, Phó Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên án gay gắt quyết định mua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của chính phủ Nhật Bản đồng thời kêu gọi Mỹ hãy hành động vì lợi ích lớn hơn là hòa bình và sự ổn định trong khu vực.
Cụ thể, ông Tập Cận Bình kêu gọi Mỹ hãy tránh xa các vấn đề liên quan đến chủ quyền quần đảo Senkau/Điếu Ngư và kiềm chế không làm bất kỳ điều gì có thể gây căng thẳng thêm nữa và làm phức tạp thêm tình hình.
Đáp lại, Bộ trưởng Panetta tuyên bố, Washington không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp đồng thời kêu gọi cả Bắc Kinh và Tokyo bình tĩnh, kiếm chế để tránh đối đầu.
Nói đến Nhật Bản, Phó Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, việc chính phủ Nhật mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một “trò hề”. Ông này kêu gọi Nhật Bản dừng ngay mọi “hành vi xâm phạm chủ quyền Trung Quốc”.
"Nhật Bản nên kiềm chế trong các hành vi của mình và nên chấm dứt các phát biểu cũng như hành động làm phương hại đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”, ông Tập Cận Bình đã nói như vậy với ông chủ Lầu Năm Góc Panetta.
Đây là lần đầu tiên Phó Chủ tịch Trung Quốc lên tiếng về vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư kể từ khi chính phủ Nhật Bản thông báo quyết định mua lại quần đảo đang nằm trong tranh chấp này hôm 10/9.
Cuộc đối đầu mới nhất giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bắt đầu bùng lên từ hôm 15/8 khi một nhóm nhà hoạt động Trung Quốc đổ bộ lên quần đảo này cắm cờ để “khẳng định chủ quyền”. Nhật Bản đã đáp trả bằng một loạt động thái đầy thách thức, trong đó đỉnh điểm là việc nước này quyết định mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tay những người chủ sở hữu tư nhân.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 hòn đảo nằm cách đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản, khoảng 160km, và cách Vùng lãnh thổ Đài Loan khoảng 200km. Chùm đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan này có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Nó cũng nằm gần với các tuyến đường biển quan trọng. Cả Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan đều đòi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc